28/06/2019 - 07:32

Cần Thơ tăng cường khả năng thích ứng biến đổi khí hậu 

Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ (Nghị quyết 120) về phát triển bền vững ÐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BÐKH) là cơ sở để triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển bền vững vùng ÐBSCL. Theo đó, từng địa phương định hướng đúng tiềm năng lợi thế của mình, thực hiện liên kết với các địa phương khác để phát huy sức mạnh tổng hợp của vùng. TP Cần Thơ đã xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động số 84/KH-UBND ngày 9-5-2018 xác định rõ mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ cụ thể cho công tác ứng phó BÐKH, quản lý tài nguyên nước, ngập lụt, xâm nhập mặn và sạt lở bờ sông, kênh, rạch… Kế hoạch ứng phó từng bước đạt kết quả khả quan.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng (bên trái) kiểm tra tình hình sạt lở dọc bờ kênh Cái Sắn, thuộc địa bàn huyện Vĩnh Thạnh.

► Tác động BÐKH

Trong Nghị quyết 120, TP Cần Thơ được xác định là thành phố trung tâm, động lực phát triển vùng ÐBSCL. Hơn 10 năm qua, tốc độ đô thị hóa của thành phố diễn ra nhanh chóng, hạ tầng cơ sở phục vụ yêu cầu phát triển được quan tâm đầu tư, tạo điểm nhấn phát triển cho thành phố. Tuy nhiên, cũng như các tỉnh trong vùng, Cần Thơ đang phải chịu ảnh hưởng của BĐKH ngày càng nghiêm trọng, khó dự báo và thể hiện rõ nét qua các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai bất thường; các hiện tượng triều cường, sạt lở bờ sông, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất của người dân, môi trường và hệ sinh thái...

Ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, nhận định: “Hiện nay, TP Cần Thơ đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước và phát triển bền vững. Do BĐKH và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn và một số tác động khác đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, gây nhiều hiện tượng sạt lở, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội và ảnh hưởng đời sống người dân. Do đó, công tác phòng chống được thành phố quan tâm và nỗ lực thực hiện”.

Các hiện tượng thiên tai thường gặp tại TP Cần Thơ là: Ngập lụt do triều cường, xâm nhập mặn, sụt lún và sạt lở bờ sông. Về lũ, ở ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng là quy luật tự nhiên, ngoài những tác hại, lũ cũng mang lại lợi ích như tăng nguồn lợi thủy sản, bổ sung lượng nước, phù sa, tháo chua, rửa phèn, diệt trừ sâu bệnh cho đồng ruộng… Năm 2018, lũ xảy ra sớm hơn mọi năm, đỉnh lũ trạm Cần Thơ trên sông Hậu vượt mức lịch sử, nhưng hầu hết người dân  thành phố được đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, tại các thời điểm triều cường dâng cao, một số tuyến đường trong nội ô thành phố bị ngập theo triều đã gây ra không ít khó khăn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và đặc biệt là giao thông đi lại của người dân.

Nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng tình trạng ngập tại TP Cần Thơ do nhiều nguyên nhân, như: Sụt lún đô thị, BĐKH nhưng đây là những quá trình diễn ra từ từ, không phải đột biến tức thời. Bên cạnh đó còn do cơ chế quản lý các vùng, đặc biệt là khu vực thượng nguồn chưa đồng nhất, sự phát triển nông nghiệp chưa phù hợp... Và nguyên nhân căn cơ nhất dẫn đến việc ngập nghẹt xảy ra trên địa bàn thành phố là do sự phát triển hạ tầng đô thị thiếu bền vững, hệ thống thoát nước không đảm bảo tải lượng...

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Viện phó Viện Nghiên cứu BĐKH Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “Xâm nhập mặn xuất hiện trên địa bàn TP Cần Thơ, gây ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Tại TP Cần Thơ,  người dân sử dụng nước sông để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản... Chính vì vậy, khi xâm nhập mặn gay gắt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân. Đặc biệt, những tháng đầu năm 2016, diễn biến xâm nhập mặn tại ĐBSCL được đánh giá nặng nề nhất trong 100 năm qua. Trong tương lai, cùng với sự ảnh hưởng của mực nước biển dâng và sự thay đổi các yếu tố khí tượng thủy văn sẽ làm cho độ mặn xâm nhập sâu hơn vào đất liền, làm tăng diện tích đất nông nghiệp bị nhiễm mặn. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương ở ĐBSCL và cần có giải pháp thích ứng phù hợp”.

Vấn đề sụt lún đất và sạt lở bờ sông tại TP Cần Thơ đã trở nên hết sức nghiêm trọng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn thành phố xảy ra 14 vụ sạt lở bờ sông, với tổng chiều dài hơn 306m, làm ảnh hưởng đến 24 căn nhà, trong đó có 6 căn bị sạt hoàn toàn. Ước thiệt hại gần 1,4 tỉ đồng. Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai - Tìm kiếm Cứu nạn TP Cần Thơ và các địa phương đã  kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai…

► Hiệu quả từ Nghị quyết 120

Để chủ động phòng, chống, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do tác động của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông… TP Cần Thơ đã triển khai nhiều công trình, dự án ứng phó thiết thực, hiệu quả. Điển hình Dự án Nâng cao khả năng chống chịu của TP Cần Thơ để ứng phó với xâm nhập mặn do BĐKH gây ra. Dự án lắp đặt 8 trạm quan trắc độ mặn tự động trên địa thành phố và đây là một trong các bước của kế hoạch ứng phó với BĐKH của thành phố, giúp tăng cường khả năng chống chịu và giảm nhẹ thiệt hại do nước biển dâng gây ra; củng cố và phát triển hệ thống quan trắc nước mặt của thành phố, góp phần chuyển tải thông tin về độ mặn nguồn nước kịp thời đến người sử dụng.

Theo UBND TP Cần Thơ, thực hiện Nghị quyết 120, thành phố cũng đã thực hiện quy hoạch xây dựng, củng cố hệ thống đê bao sông, rạch các khu vực sản xuất nông nghiệp và Quy hoạch chi tiết trạm bơm điện quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố đến năm 2020; theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; vận hành các hệ thống công trình thủy lợi hợp lý, đảm bảo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh...

TP Cần Thơ cũng đã triển khai nhiều dự án có quy mô kinh phí lớn, sử dụng từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Điển hình là các công trình kè sông Cần Thơ, kè chống sạt lở sông Ô Môn, bờ kè Xóm Chài; kè chống sạt lở chợ Rạch Cam (quận Bình Thủy); kè chống sạt lở, chống xâm nhập mặn, ứng phó BĐKH khu vực rạch Cái Sơn (quận Bình Thủy, Ninh Kiều); kè sông Bò Ót, kè chống sạt lở bờ sông Thốt Nốt (quận Thốt Nốt)… Các công trình trên đã thể hiện rõ chủ trương của Đảng và Nhà nước, nỗ lực của thành phố trong việc cải thiện, nâng cấp các công trình góp phần phòng, chống sạt lở bờ sông, đảm bảo an toàn, ổn định cuộc sống người dân.

Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kè chống sạt lở kiên cố tại khu vực đông dân cư, khu vực thành thị, đồng thời kết hợp di dời dân cư sống ven sông vào vùng ổn định, tổ chức cắm biển cảnh báo sạt lở... Thành phố tiếp tục chỉ đạo quận, huyện tập trung thực hiện đầu tư xây dựng, gia cố các vị trí sạt lở bằng các giải pháp dân gian, truyền thống, như: Đóng cừ dừa, cừ bạch đàn, tràm kết hợp rọ đá và vải địa kỹ thuật tại các khu vực nông thôn, khu vực không tập trung đông dân cư nhằm hạn chế sạt lở. Chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng trong phòng chống sạt lở bờ sông, thiên tai, khuyến khích nhân dân không chất tải, không xây cất nhà cửa lấn chiếm lòng sông, không khai thác đất, cát ven sông, rạch…”.

Để TP Cần Thơ phát triển bền vững theo Nghị quyết 120, thành phố kiến nghị Chính phủ và bộ, ngành Trung ương hỗ trợ đầu tư hệ thống hạ tầng kết nối liên tỉnh, liên vùng mang tính đồng bộ để tạo đột phá cho TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung. Hỗ trợ kinh phí đầu tư một số công trình thủy lợi, kè chống sạt lở bờ sông và các dự án trọng điểm của thành phố cũng như các hạ tầng kỹ thuật về môi trường, vừa nâng cao khả năng chống chịu của thành phố trong bối cảnh BĐKH, đảm bảo vai trò TP Cần Thơ là động lực phát triển của cả vùng…

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết