03/02/2018 - 10:25

Ông Trần Ngọc Nguyên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ:

Cần Thơ đã có những bước đi ban đầu trong Cách mạng Công nghiệp 4.0 

Cần Thơ đang ở đâu trong Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0? Thành phố cần làm gì để tiến hành và vận dụng thành công CMCN lần thứ tư? Những vấn đề này được ông Trần Ngọc Nguyên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố trao đổi với Báo Cần Thơ:

- CMCN 4.0 là sự tích hợp các công nghệ hiện đại chủ yếu từ công nghệ sinh học, kỹ thuật số và vật lý, kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và kết nối Internet vạn vật (IoT) tạo ra phương thức sản xuất mới và khác với các công nghệ riêng lẻ đã từng có trước đây. Công nghệ sinh tạo ra sự phát triển nhảy vọt trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu. Lĩnh vực vật lý tập trung vào robot thế hệ mới, máy in 3D, các hệ thống tự động tự hành, các vật liệu mới và công nghệ nano. Kỹ thuật số sẽ kết hợp AI, IoT và dữ liệu lớn (Big data) là cốt lõi của CMCN lần thứ tư khi tích hợp các công nghệ hiện đại của các lĩnh vực khác nhau theo mục tiêu sử dụng.

Cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra với trình độ khác nhau tại các quốc gia trên thế giới, nhưng đã tạo ra tác động mạnh mẽ, dẫn đến thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất, thay đổi lối sống, cách làm việc và giao tiếp. Ở nước ta, cuộc cách mạng này tạo nhiều cơ hội để nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm; tạo thay đổi lớn về hình thái kinh doanh dịch vụ, cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, giảm chi phí giao dịch, vận chuyển; tăng đầu tư trong lĩnh vực công nghệ số và Internet...

Có thể xem phát triển CNTT là yếu tố kết nối làm nên CMCN 4.0, như vậy Cần Thơ có những nền tảng nào trong lĩnh vực này để tiến vào cuộc cách mạng, thưa ông?

- Thành phố Cần Thơ cũng tương tự các địa phương khác trong cả nước, chưa có kế hoạch tổng thể để tiếp cận và đón đầu ứng dụng CMCN 4.0. Tuy nhiên, thành phố đã có nhiều hoạt động định hướng thiết thực, nhất là lĩnh vực CNTT. Đó là “Quy hoạch phát triển thông tin và truyền thông thành phố Cần Thơ đến năm 2020 và định hướng đến 2030” nhằm xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông, với công nghệ hiện đại, an toàn, an ninh, kết nối với các tỉnh trong vùng ĐBSCL và cả nước. Đây cũng là nền tảng để thực hiện dự án “Xây dựng chính quyền điện tử thành phố Cần Thơ”, dự kiến hoàn thành năm 2020, sau đó tiến tới xây dựng thành phố thông minh. Dự án này sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai ứng dụng và phát triển CNTT, tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ, sử dụng thông tin, cơ sở dữ liệu các cơ quan, đơn vị từ trung ương đến cấp cơ sở. Thành phố cũng đã ra Nghị quyết 10-NQ/TU về xây dựng thành phố Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2016-2025.

Để hình dung cụ thể hơn, tôi đơn cử thành phố đã thực hiện đề tài ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) vào quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị tại Cần Thơ, trước mắt đã xây dựng hệ thống thông tin tổng hợp về hạ tầng kỹ thuật mà bước đầu là hạ tầng thoát nước. Với đề tài này, thông tin về hệ thống thoát nước ở Cần Thơ được tập hợp, cho phép những người quản lý và trực tiếp công tác trong lĩnh vực cấp thoát nước truy cập thông tin tổng quan lẫn cụ thể về từng cống ngầm, như thời gian thi công, đường kính, vật liệu, lưu lượng nước thoát qua… Trên nền tảng này, thành phố xây dựng hệ thống thông tin trong ngành giáo dục, y tế, tài nguyên môi trường… Tất cả sẽ được tập hợp nhằm cung cấp thông tin nhanh, chính xác và góp phần hoạch định giải pháp phát triển toàn diện. Đồng thời hệ thống này kết nối với hệ thống thông tin địa lý ĐBSCL- MGIS nhằm tạo cơ sở đồng bộ dữ liệu từ quy mô sở ban ngành của thành phố, đến cấp vùng và quốc gia.

Mô hình rau thủy canh tại CanthoFarm. Ảnh: KIỀU MAI

Mô hình rau thủy canh tại CanthoFarm. Ảnh: KIỀU MAI

Trong những lĩnh vực khác thì sao, thưa ông?

- Thành phố đã và đang triển khai xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch phục vụ tiếp cận CMCN 4.0, như kế hoạch “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Cần Thơ đến năm 2025”, chương trình “Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ thành phố Cần Thơ giai đoạn 2016-2020”. Những kế hoạch, chương trình tạo những bước phát triển nhảy vọt trong lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, công nghệ sinh học, sản xuất tiêu dùng…

Đơn cử, Cần Thơ đang có các mô hình nông nghiệp thông minh, có sự kết hợp công nghệ sinh học, kỹ thuật nông nghiệp, quản trị bán hàng… được kết nối và điều khiển bằng CNTT, để kiểm soát điều kiện tự nhiên, đầu vào và đầu ra của sản phẩm. Ví như có nhóm đầu tư trẻ thực hiện mô hình nông trại xanh trong nhà kính và phân chia nông trại thành nhiều khu vực để người tiêu dùng “thầu”. Nông trại sẽ cung cấp giống sạch, công nghệ trồng rau hoặc cây ăn trái bằng các kỹ thuật tự động hóa trong kiểm soát đất, không khí, độ ẩm, tưới tiêu… Người tiêu dùng chỉ cần chọn loại cây mình muốn trồng và sẽ được cập nhật sự phát triển của cây trồng thông qua các trang mạng xã hội của nông trại cho đến ngày thu hoạch. Từ mô hình nhỏ này, có thể nhìn thấy sự phát triển của nông nghiệp trong CMCN 4.0 khi các nhà đầu tư là các tập đoàn trong nông nghiệp và khách hàng là các nhà phân phối, bán lẻ có mạng lưới quốc gia và toàn cầu.

Hay ví dụ sự tác động của CMCN 4.0 trong may mặc. Sắp tới đây, khi đo may, người ta sử dụng máy chiếu kết hợp máy in 3D để quét, mô phỏng chi tiết hình dáng, số đo của khách hàng, rồi đưa vào phần mềm xử lý để chọn ra chất liệu, kiểu dáng, màu sắc… Hoặc trong y học, hiện nay máy móc và kỹ thuật số đã hỗ trợ bác sĩ trong củng cố các chẩn đoán lâm sàng, để có những quyết định chính xác. Trên thế giới thì robot trong y học không còn là chuyện lạ và chắc chắn rằng cuộc CMCN 4.0 trong lĩnh vực này phát triển mạnh mẽ ở nước ta.

Nói chung, còn rất nhiều lĩnh vực khác nữa của cuộc CMCN 4.0 đang hiện diện và manh nha ở Cần Thơ và tất cả sẽ được tập hợp, khuyến khích qua các chính sách, chương trình của thành phố.

Vậy trong cuộc cách mạng này, chúng ta còn rào cản nào, thưa ông?

- Rào cản lớn nhất, theo tôi, là nhận thức. Nhiều người, nhiều doanh nghiệp và cả cán bộ vẫn nghĩ rằng CMCN 4.0 là xa vời, phi thực tế, trong khi trên thực tế chúng ta đang nhận tác động rất lớn của cuộc cách mạng này. Ví dụ đơn giản như chúng ta ở Cần Thơ, với một chiếc điện thoại thông minh, đã có thể mua hàng từ nước Mỹ qua Amazon. Điều này cho thấy CMCN 4.0 đang thay đổi phương thức kinh doanh bằng cách làm thay đổi lối sống hành vi của con người. Cuộc CMCN thực ra rất gần, chỉ cần hiện thực hóa những điều thế giới đang làm, thì ta đã bước vào đó. Nông dân Cần Thơ có thể vừa trồng lúa vừa lập một trang web. Trên web có các đoạn phim, hình ảnh, thông tin khâu chọn giống (từ các viện trường như Đại học Cần Thơ, Viện Lúa ĐBSCL), chăm sóc bằng công nghệ sạch (theo các tiêu chuẩn quốc tế thông qua hướng dẫn của các chuyên gia), phơi sấy bằng công nghệ tiên tiến, đóng gói bằng vật liệu không độc hại… cuối cùng là bán đi khắp năm châu thông qua trang web.

Vẫn còn nhiều điểm yếu khác như hệ thống máy móc, thiết bị, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, dữ liệu khoa học công nghệ, kinh tế, xã hội… chưa đủ đáp ứng yêu cầu phát triển. Theo quan điểm của tôi, ta có thể khắc phục bằng cách tăng đầu tư, mời chuyên gia nước ngoài hỗ trợ, tăng đào tạo… Thế nhưng yếu kém về nhận thức sẽ trói buộc tư tưởng và hành động trong sự lạc hậu, không dám mời gọi đầu tư, không thể thuyết phục người khác giúp đỡ, không dám áp dụng một cách linh hoạt và sáng tạo những tiến bộ công nghệ.

Theo ông, thành phố cần phải làm gì để vận dụng thành công CMCN 4.0?

- Ưu tiên hàng đầu là tập trung thúc đẩy phát triển, tạo sự bứt phá thực sự về hạ tầng, ứng dụng, nhân lực CNTT và truyền thông; từ đó tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung số. Đồng thời chuyển giao các công nghệ chủ chốt của CMCN 4.0 để phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, đô thị thông minh. Tập trung đào tạo nhân lực về khoa học và công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), ngoại ngữ, CNTT… song song với tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Thành phố nên rà soát, lựa chọn phát triển sản phẩm chủ lực, bám sát công nghệ sản xuất mới, tích hợp và sạch. Tăng cường hội nhập quốc tế và kết nối cộng đồng khoa học và công nghệ.

Về lâu dài, tôi kiến nghị thành phố lập Ban Chiến lược gồm các chuyên gia đầu đàn để đề xuất từng bước tiếp cận và cụ thể hóa CMCN 4.0. Từ đó, hoạch định từng phần việc phải làm và hiệu quả phải đạt được, cũng như phân công trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; đồng thời đề xuất các bước huy động nguồn lực về vốn, công nghệ, con người.

Xin cảm ơn ông!

TƯỜNG VI (thực hiện)

Chia sẻ bài viết