01/02/2009 - 10:11

Cần Thơ cải thiện môi trường đầu tư trực tiếp nước ngoài ?

Siêu thị Metro Hưng Lợi, dự án FDI thành công ở TP Cần Thơ.

Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành vào cuối năm 1987. Ngay năm sau, TP Cần Thơ đã có 2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư hơn 3,7 triệu USD. Đây là những dự án FDI đầu tiên của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên, hiện nay thu hút đầu tư FDI tại TP Cần Thơ vẫn còn khiêm tốn, với 44 dự án, có tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 727 triệu USD. TP Cần Thơ làm gì để hấp dẫn thu hút dự án FDI và xứng tầm với thành phố trung tâm của ĐBSCL?

CHƯA TƯƠNG XỨNG VỚI TIỀM NĂNG...

Khởi đầu cho các dự án FDI tại tỉnh Cần Thơ (cũ) là các dự án chế biến nông sản thực phẩm, may mặc, da, lông vũ, thức ăn gia súc... của liên doanh Meko (Công ty Vietsing-Hongkong). Từ năm 1988 đến năm 1991, Meko đã triển khai 7 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 7,4 triệu USD. Nhưng đến năm 1992, Cần Thơ không có dự án FDI nào. Bước sang năm 1993, Cần Thơ chỉ thu hút 1 dự án FDI với vốn đăng ký hơn 1,5 triệu USD. Đúng 10 năm sau thực hiện Luật đầu tư nước ngoài Việt Nam (1997), Cần Thơ thu hút 6 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 60 triệu USD. Từ đó đến nay, mỗi năm, Cần Thơ chỉ thu hút vài dự án FDI, vốn đầu tư đăng ký dự án FDI chỉ vài triệu USD. Năm 2008, Cần Thơ có 1 dự án FDI có vốn đầu tư đăng ký lớn 538 triệu USD. Đó là dự án nhà máy lọc dầu có công suất 2 triệu tấn dầu thô/năm, do Công ty cổ phần Đầu tư-Thương mại Viễn Đông góp 30% vốn để liên doanh cùng Công ty Semtech Ltd (Hoa Kỳ) thực hiện. Tình hình chung cả năm 2008, Cần Thơ thu hút được 5 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 570 triệu USD, hơn 2,5 lần so với năm 2007. Đây được xem là năm thu hút vốn FDI lớn nhất của Cần Thơ trong 20 năm qua. Như vậy, đến cuối năm 2008, Cần Thơ có 44 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 727 triệu USD, đứng thứ 22/63 tỉnh, thành trong cả nước, sau Kiên Giang, Long An... Trong đó, 15 doanh nghiệp liên doanh, 1 doanh nghiệp cổ phần và 28 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Hiện nay, có hơn 15 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Cần Thơ. Các dự án FDI tại Cần Thơ tập trung các ngành chế biến thực phẩm, thủy sản, thương mại, lọc dầu, nhà hàng khách sạn, thủ công mỹ nghệ, chế biến xuất khẩu gạo, siêu thị, chế biến gỗ, may mặc, thép, chế biến thức ăn thủy sản, dầu thực vật...

Theo báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, hiện có 24 dự án đã đưa vào hoạt động. Năm 2008, doanh thu 24 dự án này đạt hơn 311,3 triệu USD, tăng 6,43% so với năm 2007. Trong đó, xuất khẩu hơn 70,6 triệu USD, tăng 30,87% so với năm trước. Nộp ngân sách hơn 3 triệu USD, sử dụng hơn 5.000 lao động. Tuy 20 năm qua, TP Cần Thơ đã có nhiều nỗ lực thu hút FDI nhưng so với hiện tại thì chưa xứng tầm. Ông Võ Thành Sang, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, cho biết: “ Hoạt động hợp tác đầu tư nước ngoài có chiều hướng khả quan hơn những năm trước, việc thực hiện cải cách hành chính theo cơ chế một cửa, thủ tục đầu tư ngày càng đơn giản hóa, công khai, việc phân cấp của Trung ương cho địa phương trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư... đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư, thu hút được nhiều nhà đầu tư thực sự quan tâm và đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại TP Cần Thơ. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế do kết cấu hạ tầng của thành phố phát triển chậm, chưa theo kịp yêu cầu của các nhà đầu tư và chưa đồng bộ, còn thiếu “đất sạch” cho các nhà đầu tư để thực hiện dự án, một số trường hợp có “đất sạch” nhưng giá cho thuê cao... Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ, cung cấp thông tin của các đơn vị chủ đầu tư chưa kịp thời, chưa đầy đủ đã tạo ra không ít trở ngại cho công tác vận động thu hút đầu tư; phần lớn các dự án đầu tư có qui mô nhỏ, tiến độ triển khai chậm...”.

ĐỂ MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ HẤP DẪN HƠN

TP Cần Thơ đã và đang trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại-dịch vụ, du lịch, giáo dục-đào tạo và khoa học công nghệ, y tế và văn hóa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Cần Thơ được định hướng là thành phố động lực cho sự phát triển của vùng. Hiện tại, TP Cần Thơ là trung tâm tài chính-ngân hàng của vùng ĐBSCL, với hiện diện của khoảng 40 ngân hàng và 10 công ty bảo hiểm, công ty cho thuê tài chính. Năm 2008, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố đã huy động vốn 11.400 tỉ đồng và có tổng dư nợ tín dụng 22.000 tỉ đồng. Cần Thơ đang dẫn đầu nhiều mặt trong khu vực các tỉnh, thành ĐBSCL như công nghiệp (giá trị sản xuất công nghiệp năm 2008 là 15.160 tỉ đồng), thương mại-dịch vụ (năm 2008 tổng mức hàng hóa và doanh thu dịch vụ 42.113 tỉ đồng, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ 19.600 tỉ đồng), kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 835 triệu USD... Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhận định: “TP Cần Thơ đang từng bước thể hiện được vai trò, vị trí trung tâm vùng trên một số mặt, có khả năng hợp tác, chủ động hội nhập kinh tế với khu vực và quốc tế, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, trong thời kỳ đầu, TP Cần Thơ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, do xuất phát điểm thấp, hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, kết cấu hạ tầng đô thị thiếu, chưa đồng bộ...”.

Hiện nay, từ TP Hồ Chí Minh đến TP Cần Thơ vẫn còn đò giang cách trở ảnh hưởng không ít trong thu hút FDI. Một nhà đầu tư đến từ Đài Loan bộc bạch: “Cần Thơ chỉ cách TP Hồ Chí Minh 169 km, nhưng hệ thống giao thông đường bộ chưa hoàn thiện chính là trở ngại lớn nhất đối với nhà đầu tư. Vì vậy, việc trước mắt là phải đầu tư xây dựng đường cao tốc nối liền TP Hồ Chí Minh- TP Cần Thơ. Sân bay quốc tế Cần Thơ được đưa vào hoạt động và sẽ tiếp tục được nâng cấp để khai thác các tuyến đường bay quốc tế sẽ tạo thêm điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể xuất khẩu hàng hóa bằng đường hàng không và dễ dàng hơn trong việc đi lại...”.

Trong cuộc họp báo đầu năm 2009, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Trần Thanh Mẫn cho biết năm 2009 sẽ khởi công dự án kênh Quan Chánh Bố và nạo vét luồng Định An để thông luồng sông Hậu, tàu 10.000 tấn có thể ra vào dễ dàng, cặp cảng biển quốc tế Cái Cui. Cầu Cần Thơ đang tích cực thi công, dự kiến đến đầu năm 2010 sẽ hoàn thành... Như vậy, sau năm 2010, diện mạo TP Cần Thơ sẽ nhiều đổi mới. Ông Võ Thành Sang, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, cho biết thêm: “Đẩy mạnh công tác thu hút các dự án FDI vào địa bàn Cần Thơ, nhất là các dự án qui mô, tầm cỡ để đón đầu cho Cầu Cần Thơ, sân bay Cần Thơ đi vào hoạt động. Thành phố sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đi vào hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Theo dõi, thống kê định kỳ về hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nắm bắt thuận lợi, lường trước khó khăn để kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Minh bạch hóa chính sách, thủ tục đầu tư, công khai hóa các bước của quá trình cấp Giấy chứng nhận đầu tư lên mạng. Xây dựng cơ chế phối hợp giải quyết kịp thời các thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế, xuất nhập khẩu, hải quan... Ban hành các văn bản về quản lý đầu tư nước ngoài trên địa bàn theo hướng minh bạch, rõ ràng về đầu mối, thời gian giải quyết hồ sơ đối với nhà đầu tư... Tất cả nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư trong và ngoài nước, qua đó tăng thêm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư ở TP Cần Thơ.

Bài, ảnh: QUANG HẢI  

Chia sẻ bài viết