13/07/2017 - 16:12

Cần tăng nặng hình phạt đối với hành vi chạy xe quá tốc độ

TTH.VN - Trong nhiều nguyên nhân gây tai nạn giao thông, hành vi chạy quá tốc độ luôn nằm ở tốp đầu và là nguyên nhân chủ yếu gây ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Trong nhiều nguyên nhân gây tai nạn giao thông, hành vi chạy quá tốc độ luôn nằm ở tốp đầu và là nguyên nhân chủ yếu gây ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Hành vi này không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân người điều khiển xe mà còn ảnh hưởng những người cùng tham gia giao thông.

Mỗi người tham gia giao thông cần ý thức điều khiển xe đúng tốc độ quy định.

Mỗi người đều có lý do để biện minh cho hành vi sai trái của mình nhưng chung quy nhất là do xem thường luật pháp và tính mạng của người tham gia giao thông. Tốc độ lưu thông trên đường gây ra nỗi kinh hoàng, sợ hãi cho những người chẳng may đang cùng đi với họ. Không chỉ những tài xế xe tải, xe khách mới "đi mây, lướt gió" mà những tay lái xe máy cũng không kém cạnh, họ lạng lách, đánh võng, rú ga, tăng tốc trên đường, cả những nơi có đông phương tiện giao thông. Anh Hòa Nhã, ngụ quận Ninh Kiều, cho biết: "Nhiều lúc đang chạy xe trên đường, tôi giật thót cả người khi nghe tiếng xe gầm rú phía sau, rồi cả xe và người vụt qua trong nháy mắt. Là đàn ông và tay lái khá "cứng" mà nhiều lúc tôi còn run, chao đảo. Tôi nghĩ rằng, luật pháp nên tăng nặng hình phạt để răn đe những người tham gia giao thông vi phạm chạy quá tốc độ. Đồng thời, ngành chức năng nên tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận thanh niên, mới mong chấm dứt tình trạng này".

Chạy quá tốc độ là hành vi xem thường pháp luật, xem thường tính mạng bản thân và người khác. Ở những lỗi chủ quan như thế này, pháp luật cần tăng nặng hình phạt nhằm mục đích răn đe. Tại điểm a, khoản 5 Điều 9 Nghị định số 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với người điều khiển mô tô, xe máy, chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h. Cùng hành vi này, tại Nghị định số 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34 mức phạt đã tăng lên từ 2-3 triệu đồng; mức phạt này tiếp tục được áp dụng trong Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1-1-2014. Bên cạnh đó, các ngành, các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về giao thông trong trường học, công sở, cộng đồng dân cư… Đồng thời, tăng cường sự hiện diện của lực lượng tuần tra giao thông trên các tuyến đường, mới có thể "kiềm chế" tốc độ những "quái xế".

Bài, ảnh: PHƯƠNG DUNG

 

Chia sẻ bài viết