10/08/2011 - 16:19

Phát triển thương hiệu nông sản ở TP Cần Thơ

Cần sự nỗ lực từ nhiều phía

Theo định hướng chung, nền kinh tế TP Cần Thơ sẽ phát triển theo hướng công nghiệp. Tuy nhiên, hiện tại và trong nhiều năm sau, sản xuất nông nghiệp vẫn đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế thành phố. Do vậy, việc xây dựng và phát triển thương hiệu (TH) nông sản là một nhu cầu, một xu thế tất yếu. Thế nhưng, để TH nông sản tồn tại và phát huy tối đa hiệu quả, hơn bao giờ hết nông dân và doanh nghiệp (DN) cần có sự chung tay…

Nhiều thế mạnh

Xét về tiềm năng, TP Cần Thơ hoàn toàn có đủ khả năng để xây dựng TH cho những sản phẩm mang dấu ấn riêng của vùng. Hiện địa phương đã có những sản phẩm được bảo hộ như: xoài cát Sông Hậu, gạo MISS CAN THO, gạo Cò Trắng, cam mật Phong Điền, dâu Hạ Châu... và một số sản phẩm đang lập thủ tục bảo hộ: rượu Phong Điền, lúa giống Thốt Nốt... Đó là chưa kể đến các sản phẩm tiềm năng như: bánh tráng, lưới, mê bồ, cần xé (quận Thốt Nốt); cơm rượu (huyện Cờ Đỏ); hoa kiểng, rau an toàn, dưa hấu (quận Bình Thủy); nem, tương hột, đan thúng (quận Cái Răng)...

Trên thực tế, việc xây dựng và phát triển TH nông sản ở TP Cần Thơ đã mang lại những hiệu ứng tích cực. Theo ông Nguyễn Văn Hào, Chủ nhiệm HTX Dâu Hạ Châu Phong Điền: Dâu Hạ Châu được đăng ký TH vào năm 2005. Từ việc chỉ trồng nhỏ lẻ ở một vài hộ, hiện diện tích trồng dâu toàn huyện khoảng 240 ha (đang trồng mới 40 ha), trong đó diện tích trồng dâu của HTX là 20 ha. Với đặc tính cho trái nghịch vụ, trái có vị ngọt và hương thơm đặc trưng nên dâu Hạ Châu mang lại giá trị kinh tế khá cao. Năm 2010, vào chính vụ dâu được thương lái mua với giá 13.000 đồng/kg, đến cuối vụ giá lên đến 18.000 đồng/kg. Cũng theo ông Hào, HTX đang có kế hoạch phát triển 2 sản phẩm có nguồn gốc từ dâu Hạ Châu: nước ép dâu Hạ Châu và rượu dâu Hạ Châu. Bà Mai Thị Ơi, Chủ nhiệm HTX Thanh Dinh, nói: “Ở huyện Phong Điền, nấu rượu là nghề truyền thống, rượu Phong Điền là đặc sản của địa phương. Hiện chúng tôi đang hoàn tất công đoạn cuối cùng trong việc đăng ký TH cho rượu Phong Điền. Cùng với việc quy hoạch huyện Phong Điền thành khu du lịch sinh thái, rượu Phong Điền được định hướng phát triển dưới dạng sản phẩm phục vụ du lịch”.

Công ty Cổ phần Gentraco thường xuyên giới thiệu sản phẩm gạo mang thương hiệu MISS CAN THO, Cò Trắng, Ngọc Đồng… đến với khách hàng. Ảnh: MỸ THANH 

Ở TP Cần Thơ, khi nói đến TH nông sản thì không thể không kể đến gạo, một trong những sản phẩm chủ lực của vùng. Bà Lưu Thị Lan, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Gentraco, cho biết: “Trong 10 năm qua, ngoài hệ thống siêu thị (Maximark, Big C, Co.opMart, Vinatex) trên toàn quốc và các Cửa hàng Lương thực-Thực phẩm của công ty tại Cần Thơ, TH gạo thơm MISS CAN THO và Cò Trắng đã có mặt tại 40 nước trên thế giới, mang dòng chữ “Made in Viet Nam”. Năm vừa rồi, chúng tôi đã đăng ký TH và cho ra thị trường thêm loại gạo thơm Ngọc Đồng. Đây là sản phẩm được Gentraco thực hiện theo quy trình GlobalGAP trong trồng lúa và an toàn vệ sinh thực phẩm trong gia công, chế biến, đóng gói”.

Cần sự chung tay

Nhìn nhận ở góc độ khách quan, nông sản Việt Nam nói chung và nông sản TP Cần Thơ nói riêng, không thua kém nông sản nhiều nước trên thế giới về chất lượng lẫn sự phong phú, đa dạng. Thế nhưng, xét lại quá trình xây dựng và phát triển TH ở TP Cần Thơ trong thời gian qua, chúng ta dễ dàng bắt gặp những vướng mắc, bất cập. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: Việc xây dựng và phát triển TH là nhu cầu bức xúc của xã hội nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, hiện nay việc xây dựng và phát triển TH đã và đang bộc lộ nhiều vấn đề. Trước hết, do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa nên diện tích đất nông nghiệp ngày một thu hẹp đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc trồng và nhân rộng các loại nông sản. Mặt khác, theo Quyết định số 80/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng”, người nông dân và DN phải “liên kết” lại, kế hoạch sản xuất và kế hoạch tiêu thụ phải gắn bó mật thiết với nhau. Tuy nhiên, việc xây dựng TH nông sản ở TP Cần Thơ hiện nay chỉ gắn liền với vùng sản xuất mà chưa có sự liên kết gắn liền với DN.

Thực tế cho thấy, mặc dù người nông dân Việt Nam cần cù, năng động và rất nhạy bén trong việc ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, nhưng việc họ tự nhận thức và xây dựng TH cho nông sản làm ra là điều không dễ dàng. Bởi người nông dân vẫn có thói quen tự sản xuất rồi tìm thương lái tiêu thụ chứ chưa tham gia vào chuỗi giá trị nông sản. Chính vì thế, không ít sản phẩm nông sản sau khi đăng ký TH nhưng do không có kế hoạch phát triển cụ thể, xây xong rồi để đó... đã dẫn đến tình trạng TH bị mai một, lãng quên. Ông Trần Hoàng Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, nói: “Trước đây, cam mật Phong Điền được coi là “dấu son” của huyện. Thế nhưng, do sự tấn công của bệnh vàng lá gân xanh đã khiến diện tích trồng cam ngày càng thu hẹp. Đến nay, mặc dù nhiều nông dân rất tâm huyết với giống cây này nhưng cũng đành phải đành bỏ cuộc”.

Nhận thức rõ vai trò của mình, một số DN đã chủ động “bắt tay” làm ăn với nông dân. Nhờ sự liên kết này, ngoài việc hình thành những vùng cung cấp nguyên liệu ổn định, chất lượng cao, DN còn xây dựng được những TH mang dấu ấn riêng của công ty mình như: Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, Công ty Cổ phần Gentraco... Theo Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, năm 1998, trên cơ sở nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu tại huyện Cờ Đỏ, công ty đã đưa 2 giống lúa Jasmine 85 và VD 20 vào trồng thử nghiệm. Kết quả, hai giống lúa này phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng khá cao. Từ năm 2001-2010, diện tích trồng lúa thơm mỗi năm đều tăng, bình quân khoảng 5.000-6.500 ha/năm, chiếm từ 50-70% diện tích. Từ những kết quả đạt được, công ty đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa gạo thơm Cờ Đỏ trên 2 giống lúa Jasmine 85, VD 20 và đã được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam chứng nhận vào năm 2008.

Về định hướng phát triển TH nông sản tại TP Cần Thơ trong tương lai, ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: “Đối với những TH hiện hữu ngành Nông nghiệp sẽ đề ra những chiến lược bảo vệ, duy trì và nhân rộng một cách hợp lý. Ngoài ra, chúng tôi cũng đưa ra kế hoạch khôi phục lại những TH đã bị “mai một”, thông qua các hình thức như: các buổi tọa đàm, hội thảo, nghiên cứu giống kháng sâu bệnh, trồng vườn mẫu... Song song đó, ngành Nông nghiệp sẽ phát huy tối đa vai trò định hướng, quản lý và là cầu nối giữa DN và nông dân. Bởi sự liên kết này là một trong những nhân tố quan trọng giúp TH nông sản TP Cần Thơ phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường”.

MỸ THANH - MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết