05/07/2010 - 20:50

Giảm mặt bằng lãi suất ngân hàng

Cần song hành với giảm lạm phát

Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hiện toàn ngành nói chung và các ngân hàng trên địa bàn TP Cần Thơ nói riêng đang phấn đấu hạ lãi suất huy động vốn xuống mức trên dưới 10%/năm, lãi suất cho vay xuống mức 12-13%/năm. Sau một thời gian ở mức cao, gần đây lãi suất tiền cho vay của các ngân hàng trên địa bàn TP Cần Thơ đã bắt đầu “hạ nhiệt”. Và theo thông tin từ các ngân hàng thương mại (NHTM), xu hướng giảm lãi suất sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới.

Lãi suất đã hạ nhiệt

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP Cần Thơ, hiện nay lãi suất cho vay VND tại các ngân hàng và chi nhánh ngân hàng trên địa bàn thành phố đã giảm 0,5-1% so với thời điểm đầu tháng 6-2010. Tại nhiều ngân hàng thương mại nhà nước, lãi suất cho vay VND đối với khách hàng sử dụng vốn phục vụ sản xuất đang ở mức 13-14,5%/năm; còn vay phục vụ tiêu dùng 14,5-15,5%/năm; vay phục vụ xuất khẩu 12-14%/năm. Trong khi đó, tại các NHTM cổ phần, lãi suất cho vay VND phục vụ sản xuất phổ biến 14-15,5%/năm; tiêu dùng 15,5-17%/năm; xuất khẩu 13,5-15%/năm. Riêng lãi suất huy động VND tại hầu hết các ngân hàng trên địa bàn thành phố đang giữ ở mức 11,5%/năm (đối với kỳ hạn 1-36 tháng) và 3%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn. Còn lãi suất huy động USD phổ biến ở mức 3,3-4,2%/năm và lãi suất cho vay USD ở mức 6,2-8,0%/năm (mức này tương đối ổn định so với cuối năm 2009).

Lãi suất cho vay VND đang trong lộ trình giảm.
Ảnh: NAM HƯƠNG 

Trên thực tế, mức lãi suất cho vay VND áp dụng tại một số NHTM hiện được điều chỉnh giảm 0,5-1,5%/năm so với cách nay 1 tháng. Ông Vũ Hoàng Nam, Giám đốc NHTM cổ phần Á Châu - Chi nhánh Cần Thơ (ACB Cần Thơ), cho biết: “Hiện mức lãi suất huy động VND mà ACB Cần Thơ đang áp dụng là 11,5%/năm, nếu tính luôn cả khuyến mãi thì mức lãi suất này là 11,6%/năm. Lãi suất cho vay áp dụng từ đầu tháng 6-2010 giảm bình quân khoảng 1%/năm. Theo đó, bình quân lãi suất cho vay VND đối với khách hàng cá nhân là 17%/năm, khách hàng cá nhân vay kinh doanh là 13,8%/năm, còn doanh nghiệp 16%/năm cho gói trung dài hạn và 13%/năm đối với ngắn hạn. Lãi suất cho vay VND tại các NHTM đang trong lộ trình giảm vì vậy thời gian tới, gần nhất là trong tháng 7-2010 này lãi suất cho vay VND nhiều khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm”...

Ông Ngô Xuân Dũng, Phó giám đốc khối bán lẻ, Ngân hàng Quốc tế (VIB) cho biết: “Không nằm ngoài qui luật chung của thị trường, hiện nay lãi suất cho vay VND của VIB điều chỉnh giảm từ 0,5-1,5%/năm, mức giảm tùy thuộc vào các yếu tố như: đối tượng khách hàng, thời gian vay, mục đích sử dụng vốn, các dịch vụ khách hàng sử dụng thêm, lợi ích khách hàng đem lại thông qua các giao dịch chuyển tiền, thẻ... VIB sẽ thực hiện theo đúng chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong giải pháp kéo lãi suất VND giảm”. Tuy nhiên, theo ông Dũng, lộ trình đòi hỏi phải có thời gian, bởi VIB cần quan tâm sát sao hơn nữa sự biến động của thị trường để đưa ra những quyết định, những chính sách hợp lý nhằm bảo đảm tối đa quyền lợi cho khách hàng, nhưng vẫn đảm bảo an toàn tín dụng, ổn định hoạt động cho VIB.

Cần các giải pháp đồng bộ

Chủ trương của Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước tìm giải pháp nhằm kéo lãi suất tiết kiệm bằng VND xuống 10%/năm và cho vay còn khoảng 12%/năm. Trước chủ trương này, đại diện nhiều ngân hàng cho rằng, việc thực hiện chủ trương giảm lãi suất cho vay thỏa thuận xuống dưới mức 12%/năm là rất cần thiết và hợp lý để phát triển tín dụng. Tuy nhiên, điều này khó có thể thực hiện trong ngắn hạn mà phải có lộ trình bởi hiện chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra khoảng 1,5-2,5%/năm. Với mức chênh lệch này, chỉ đủ để trang trải chi phí trong hoạt động, vì vậy lãi suất cho vay chỉ có thể giảm khi chi phí huy động vốn giảm.

Có thể nói, việc giảm lãi suất huy động vốn cũng đang là bài toán khó cho các ngân hàng, do ảnh hưởng đến việc huy động vốn. Bởi thời gian qua, dù lãi suất huy động vốn ở mức cao, song nhiều ngân hàng vẫn gặp khó trong huy động vốn. Nhiều người dân đã không gửi tiền tiết kiệm do cho rằng lãi suất tiền gửi chưa hấp dẫn. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP Cần Thơ, vốn huy động của các ngân hàng trên địa bàn đến cuối tháng 5-2010 đạt 19.019 tỉ đồng, chỉ tăng 0,73% so với cuối năm 2009, giảm hơn 24% so với cùng kỳ năm trước. Ước vốn huy động đến cuối tháng 6-2010 đạt 19.500 tỉ đồng, tăng 3,28% so với cuối năm 2009. Không chỉ vốn huy động mà dư nợ cho vay của các ngân hàng trên địa bàn cũng tăng thấp trong những tháng đầu năm 2010. Tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 5-2010 đạt 30.273 tỉ đồng, tăng 4,21% so với cuối năm 2009. Ước dư nợ cho vay đến 30-6-2010 đạt 31.200 tỉ đồng, tăng 7,40% so với cuối năm 2009 và tăng 18,17% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, nguồn vốn huy động của các ngân hàng trên địa bàn đáp ứng 62,83% tổng dư nợ trên địa bàn. Tuy nhiên, các ngân hàng và chi nhánh ngân hàng trên địa bàn TP Cần Thơ vẫn có nguồn cung vốn dồi dào do được bổ sung thêm một lượng vốn khá lớn từ hội sở và các chi nhánh khác. Theo ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP Cần Thơ, dư nợ cho vay của các ngân hàng trên địa bàn tăng chậm trong những tháng đầu năm 2010 là do nhiều ngân hàng chưa tìm được đầu ra. Đặc biệt là khi tình hình xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản như: gạo và một số loại thủy sản đang gặp khó, làm giảm nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp xuất khẩu. Trong khi hiện nay dư nợ cho vay trong lĩnh vực xuất nhập khẩu tại thành phố đang chiếm tỷ trọng khá cao. Tại nhiều ngân hàng, hiện dư nợ cho vay xuất nhập khẩu đang chiếm 36-64%/tổng dư nợ cho vay...

Ngày 25-6-2010, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu đã  chủ trì cuộc họp bàn về lãi suất với 5 Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại nhà nước và một số NHTM cổ phần có qui mô lớn như: Á Châu, Sài Gòn Thương tín, Ngoài quốc doanh, Kỹ thương, Quân đội, Xuất nhập khẩu, Quốc tế.

Tại cuộc họp, Tổng Giám đốc các NHTM đều cho rằng việc tiếp tục giảm lãi suất là cần thiết cho nền kinh tế và hệ thống ngân hàng. Với sự đồng thuận của Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là sự đồng thuận của các NHTM thì việc giảm tiếp lãi suất cho vay VND sẽ được thực hiện trong tháng 7. Trước mắt các NHTM qui mô lớn sẽ giảm ngay lãi suất cho vay VND cho 3 đối tượng khách hàng ưu tiên (lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu, nhỏ và vừa) ở mức 12-12,5%/năm. Về lãi suất huy động VND, cũng ngay từ đầu tháng 7-2010, các thành viên Hiệp hội ngân hàng Việt Nam sẽ hạ dần theo lộ trình trong khoảng 3 tháng, từ mặt bằng phổ biến hiện nay quanh mức 11,5% xuống 11%/năm và phấn đấu vào cuối tháng 9-2010 xuống mức khoảng 10,2 - 10,5%/năm. Bên cạnh đó, thống đốc cũng yêu cầu không thực hiện thêm các khoản khuyến mãi khiến làm tăng mức lãi suất huy động thực tế, bảo đảm sự đồng thuận cao của các thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Ngoài nguyên nhân kể trên, việc lãi suất ngân hàng ở mức cao trong những tháng đầu năm 2010 cũng làm giảm nhu cầu vay vốn của nhiều đối tượng khách hàng. Để tăng dư nợ cho vay, các ngân hàng cần phải có sự điều chỉnh giảm lãi suất tiền vay thêm nữa. Tuy nhiên, để làm được điều đó thì trước tiên cần phải giảm lãi suất huy động vốn. Ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Muốn giảm mặt bằng lãi suất (lãi suất huy động vốn và lãi suất cho vay) cần phải thực hiện đồng bộ với nhiều biện pháp khác như: hạ lãi suất huy động vốn của các trái phiếu chính phủ xuống dưới 10%, tiết giảm các chi phí trong hoạt động ngân hàng, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ lãi suất của Nhà nước cho các đối tượng vay theo quy định..., đặc biệt là phải thực hiện song song với việc giảm lạm phát. Bởi giảm lãi suất huy động vốn quá nhiều mà không giảm được tỷ lệ lạm phát sẽ không khuyến khích người dân gửi tiền, ngân hàng sẽ khó có nguồn vốn để cho khách hàng vay với lãi suất thấp”.

Hiện nay, lãi suất liên ngân hàng đã giảm khá mạnh so với trước, trung bình ở mức 8-10%/năm. Nhưng theo nhiều NHTM, số tiền cho vay ngân hàng không lấy được từ nguồn tiền từ liên ngân hàng mà hiện chủ yếu dựa vào thực tế vốn huy động tại ngân hàng. Do vậy, tiết giảm chi phí huy động vốn thông qua hình thức tặng thêm tiền mặt, quà và lãi suất để có điều kiện giảm lãi suất cho vay đang là phương án mà các ngân hàng đang tính đến để giảm lãi suất cho vay.

KHÁNH TRUNG - KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết