 |
Nhờ áp dụng kê toa thuốc trên máy vi tính, công tác khám chữa bệnh được nhanh chóng, tiện lợi hơn.
Ảnh chụp tại Bệnh viện Đa khoa quận Ô Môn. |
Cùng với việc đẩy mạnh thực hiện mô hình một cửa liên thông (MCLT) tại các cơ quan hành chính nhà nước, thời gian qua, TP Cần Thơ đã tổ chức ứng dụng mô hình MCLT trong hoạt động ở một số đơn vị sự nghiệp. Trong đó, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP Cần Thơ và Bệnh viện Đa khoa quận Ô Môn là hai đơn vị được chọn thực hiện thí điểm. Bước đầu cho thấy, tuy còn nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, nhưng việc áp dụng mô hình MCLT đã giúp các bệnh viện thuận lợi hơn trong công tác khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc, chăm sóc sức khỏe bệnh nhân, đồng thời giúp bệnh nhân giảm đáng kể những phiền hà
Chúng tôi đến Bệnh viện Tai Mũi Họng TP Cần Thơ vào giờ cao điểm, từng dãy ghế đã chật kín người chờ, thế nhưng không khí làm việc vẫn diễn ra trong trật tự, nghiêm túc. Chị Trần Thị Thu Vân, điều dưỡng trưởng khoa khám, bộc bạch: “Vào mùa hè, mỗi ngày bệnh viện tiếp hơn 300 bệnh nhân. Nếu như trước kia, bệnh nhân phải mất nhiều thời gian đi đến các khoa phòng, nộp giấy tờ các loại... kể từ khi bệnh viện áp dụng mô hình MCLT, bệnh nhân chỉ cần đến “bộ phận tiếp nhận người bệnh” để đăng ký một lần, các thông tin khác về người bệnh sẽ được chuyển đi bằng hệ thống mạng nội bộ”.
Theo quy trình MCLT tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP Cần Thơ, bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện sẽ đến liên hệ tại “Bộ phận tiếp nhận người bệnh” tại khoa khám, bệnh nhân được phân loại theo bệnh tật và phân loại theo đối tượng không thu phí hoặc có thu phí, sau đó được phát số thứ tự ưu tiên và ngồi chờ đến lượt mình. Kế đến, nhân viên gọi số và tại đây chỉ cần nhập thông tin người bệnh 1 lần, thông tin đó sẽ được lưu và chuyển đến các phòng khám bằng mạng nội bộ. Đối với những bệnh nhân có bảo hiểm y tế (BHYT) được gọi ngay vào các phòng khám có đánh số thứ tự; bác sĩ khám xong, kê toa và chuyển xuống khoa Dược, bệnh nhân chỉ việc đến Khoa Dược nhận thuốc, ra về. Những bệnh nhân không có BHYT thì có thêm phần thu phí, sau đó cũng được chuyển vào các phòng khám. Sau khi bác sĩ khám bệnh, kê toa, toa thuốc được chuyển xuống Nhà thuốc của bệnh viện, bệnh nhân chỉ cần đến nơi này chờ gọi tên mua thuốc. Riêng đối với những trường hợp bác sĩ có chỉ định thực hiện các xét nghiệm, người bệnh được điều dưỡng hướng dẫn đến các khoa thực hiện các xét nghiệm, chụp X quang, nội soi theo thứ tự. Đối với những trường hợp cần nhập viện sẽ được chuyển thẳng đến đến khoa điều trị cùng với hồ sơ bệnh án, kết quả xét nghiệm và các giấy tờ có liên quan, sau đó người bệnh sẽ được điều dưỡng nhận và mang thuốc đến tận giường cho bệnh nhân... Mọi toa thuốc, chi phí tiền thuốc đến cuối ngày sẽ được chuyển đến người nhà bệnh nhân để thanh toán. Theo bác sĩ Lê Quốc Chánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP Cần Thơ, việc ứng dụng mô hình MCLT tại bệnh viện đã giảm được thời gian chờ đợi cho bệnh nhân rất nhiều. Cụ thể, đối với bệnh khám thông thường, không sử dụng các dịch vụ kỹ thuật, không có thẻ BHYT chỉ mất khoảng 20 phút; bệnh khám thông thường, không sử dụng các dịch vụ kỹ thuật, có thẻ BHYT thuộc đối tượng cùng chi trả, tổng thời gian đăng ký cho đến khi nhận thuốc chỉ mất khoảng 40 phút. Ngay cả đối với những bệnh khám có thực hiện thủ thuật, tổng thời gian chỉ khoảng 50 phút.
Để người dân thuận tiện hơn trong công tác khám, chữa bệnh, cùng với việc thực hiện “liên thông” giữa các khoa, phòng, Ban Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP Cần Thơ còn quan tâm chấn chỉnh thái độ phục vụ của các nhân viên y tế. Điển hình như trong các trường hợp có chỉ định phẫu thuật, các bác sĩ tiến hành thăm khám, hội chẩn và thông báo lịch đến từng bệnh nhân. Ngoài ra, trước khi tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân và thân nhân cũng được tư vấn kỹ và được nhân viên y tế chăm sóc tận tình. Chị Trần Thị Thúy Dung, quê ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, đang điều trị tại bệnh viện, nhận xét: “Các bác sĩ và y tá ở đây làm việc rất nhiệt tình, chu đáo, đối xử với bệnh nhân rất hòa nhã, sẵn sàng hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của bệnh nhân”. Bác sĩ Chánh cho biết thêm: Sau một thời gian thực hiện thử nghiệm đề án MCLT, bệnh viện đã nhận được một số phản hồi tốt, không chỉ từ bệnh nhân mà cả từ những nhân viên y tế. Hiện tại, Ban CCHC của bệnh viện tiếp tục hoàn thiện quá trình thực hiện quy trình như: nâng cao trình độ vi tính cho đội ngũ y, bác sĩ và điều dưỡng, trang bị thêm máy phát điện, cải tạo, xây dựng mới cơ sở vật chất tại bệnh viện... nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của bệnh nhân...
* * *
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi bước chân vào khuôn viên Bệnh viện Đa khoa quận Ô Môn là giọng đọc truyền cảm của một nữ điều dưỡng, những từ “mời ông”, “mời bà”, “mời em bé”... được đặt trước tên của các bệnh nhân, thể hiện sự lịch sự và sự tôn trọng đối với người bệnh. Chị Dương Thị Hồng Sương, điều dưỡng tiếp nhận của bệnh viện, chia sẻ: “Ngoài công tác chuyên môn, chúng tôi còn thường xuyên được tập huấn về y đức, thái độ phục vụ, kỹ năng giao tiếp ứng xử với người bệnh. Mỗi khi bệnh nhân không rõ vấn đề gì, chúng tôi đều sẵn sàng hướng dẫn, giải thích cặn kẽ”. Để công tác tiếp nhận bệnh nhân được tiến hành nhanh chóng, thuận tiện, Bộ phận tiếp nhận được bố trí 5 người. Trong đó, 1 nhân viên làm nhiệm vụ hướng dẫn, 1 nhân viên gọi tên, 1 nhân viên thu phí và 2 nhân viên nhập liệu. Riêng đối với những bệnh nhân có thẻ BHYT cũng được phân loại theo thứ tự ưu tiên: đối tượng chính sách, tự nguyện, trẻ em dưới 6 tuổi và bệnh lao. Anh Nguyễn Văn Tùng, người dân phường Thới Hòa (quận Ô Môn), đang chờ khám bệnh cho con, nói: “Tôi mới nộp sổ khám bệnh cho con khoảng 15 phút thì được gọi vào khám. Ở đây họ làm việc nhanh lắm! Hồi trước, muốn khám xong trong buổi sáng, phải đến bệnh viện thiệt sớm mới kịp”.
Cùng với Bệnh viện Tai Mũi Họng TP Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa quận Ô Môn bắt đầu triển khai thực hiện Đề án ứng dụng mô hình MCLT trong công tác khám, chữa bệnh từ tháng 8-2009. Bác sĩ Mai Thọ Truyền, Phó Giám đốc bệnh viện, cho biết: Để chuẩn bị cho việc thực hiện đề án đạt hiệu quả, bệnh viện đã đầu tư hơn 175 triệu đồng, trích từ kinh phí hoạt động thường xuyên và kinh phí phát triển sự nghiệp của đơn vị mua mới trang thiết bị, công nghệ thông tin phục vụ cho việc ứng dụng đề án. Nếu như trước đây, toàn bệnh viện chỉ có khoảng 15 máy vi tính để bàn, sử dụng cho công tác hành chính văn phòng, thì nay đã có tổng cộng 62 máy tính để bàn, 32 máy in, 2 máy photocopy, 1 máy chủ, 1 máy fax... toàn bộ hệ thống máy tính trong bệnh viện được nối mạng. Ngoài ra, đơn vị còn tăng cường thêm 2 biên chế, hoạt động chuyên trách để quản lý toàn bộ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của bệnh viện. Nhờ được trang bị hệ thống máy tính đều khắp tại các khoa, phòng và ứng dụng phần mềm Hospital (quản lý bệnh viện, khám chữa bệnh, quản lý thuốc, viện phí...), nên công tác khám bệnh, kê toa và quản lý hồ sơ người bệnh đều thực hiện trên máy vi tính vừa tiện lợi, chính xác và khi cần kiểm tra, báo cáo có thể tra cứu, tổng hợp một cách nhanh chóng. Cùng với việc đầu tư trang thiết bị, nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên của bệnh viện tiếp cận công nghệ thông tin, sử dụng thành thạo các phần mềm, bệnh viện thường xuyên tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên y tế tham gia các lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng vi tính. Trong trường hợp tuyển dụng nhân viên mới, bệnh viện yêu cầu tối thiểu phải có chứng chỉ A tin học. Sắp tới, bệnh viện sẽ trang bị thêm một số trang thiết bị, tăng cường hệ thống máy chủ, máy vi tính để bàn; cải tạo cơ sở vật chất và đưa vào sử dụng các khu khám bệnh, hành chính... để tạo thuận lợi hơn trong công tác khám, chữa bệnh, phục vụ bệnh nhân của Bệnh viện.
Với những kết quả đạt được trong việc ứng dụng mô hình MCLT tại các đơn vị thí điểm, thiết nghĩ, thời gian tới, thành phố cần nghiên cứu, sớm nhân rộng việc ứng dụng mô hình này trong hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, góp phần đẩy mạnh việc thực hiện công tác cải cách toàn diện trên địa bàn.
Bài, ảnh: QUỲNH LAM