21/11/2011 - 22:37

Giảm 30% thuế thu nhập gỡ khó cho doanh nghiệp

Cần nhưng chưa đủ !

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 101/2011/NĐ-CP về việc quy định chi tiết thi hành Nghị quyết 08/2011/QH13 của Quốc hội về ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và cá nhân (gọi tắt là Nghị định 101). Theo đó, các DN nhỏ và vừa, DN sử dụng nhiều lao động sẽ được giảm 30% thuế thu nhập (TTN) DN phải nộp năm 2011. Theo nhiều DN trên địa bàn TP Cần Thơ, việc giảm thuế như trên là một động thái của Chính phủ trong việc đồng hành khó khăn cùng DN, tạo động lực để DN tăng tốc trong năm mới. Tuy nhiên, theo nhiều DN, trong bối cảnh khó khăn chồng chất hiện nay, việc trợ lực bằng việc giảm 30% TTN DN như trên là rất cần thiết nhưng chưa đủ để DN vượt khó, đóng góp nhiều hơn trong phát triển kinh tế – xã hội.

DN hoạt động ngành dệt may thuộc đối tượng được giảm 30% thuế TNDN. Ảnh: TUYẾT NHUNG 

Theo nhận định của nhiều DN trên địa bàn TP Cần Thơ, năm 2011 là một năm nhiều khó khăn. Bởi DN phải chịu nhiều áp lực từ giá nguyên liệu đầu vào tăng, lãi suất ngân hàng cao, lương căn bản được điều chỉnh tăng... Trong khi đó, sức mua hàng hóa trên thị trường có xu hướng giảm, đẩy nhiều DN vào tình trạng sản xuất sút kém, không đủ vốn để duy trì sản xuất...

Ông Võ Tấn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH XD TM VT Phan Thành, cho biết: phần lớn các DN nhỏ và vừa năng lực tài chính không đủ mạnh nên hầu hết phải vay vốn để đầu tư kinh doanh, đáp ứng nguồn cầu trên thị trường. Từ năm 2010, DN đã gặp khó khăn về nguồn vốn. Sang năm 2011, lãi suất cho vay của ngân hàng tăng cao, cộng với chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ tiếp tục gây áp lực lớn cho các DN trong tiếp cận các nguồn vốn. Khi lãi suất ngân hàng tăng, chi phí đầu vào tăng dẫn đến giá thành sản phẩm phải tăng. Không chỉ vậy, giá cả hàng hóa tăng cao, xã hội thực hiện việc tiết kiệm chi nên sức mua hàng giảm. Hàng hóa tiêu thụ chậm, nhiều khoản nợ tồn đọng của khách hàng chưa thể thu hồi... Dây chuyền trên như “vòng lẩn quẩn” dẫn DN rơi vào tình cảnh “khó khăn chồng chất khó khăn”. Ông Trần Chí Gia, Giám đốc Công ty Cổ phần May Meko, cho biết: Gánh nặng chi phí đầu vào khiến cho DN làm ăn khó khăn. Năm 2011, mức lương tối thiểu của người lao động được điều chỉnh tăng, DN phải tăng thêm khoản chi. Thêm vào đó giá nguyên liệu, vật tư... đều tăng, đây là bài toán khó tạo sức ép lớn cho các DN...

Trước tình hình khó khăn chung của các DN, Chính phủ đã có những giải pháp nhằm chặn đà suy giảm kinh tế, đồng thời hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh. Nghị định 101 vừa được Chính phủ ban hành là một ví dụ, tạo động lực để DN nỗ lực vượt khó. Theo Nghị định này, DN nhỏ và vừa sẽ được giảm 30% số TTN DN phải nộp năm 2011 bằng cách trừ số TTN từ kinh doanh xổ số, kinh doanh bất động sản, kinh doanh tài chính, kinh doanh chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm và thu nhập từ sản xuất hàng hóa, kinh doanh dịch vụ thuộc dạng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt... Ngoài ra, Nghị định cũng quy định giảm 30% số TTN DN phải nộp 2011 của DN sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế-xã hội. Đến ngày 20-12-2011, Nghị định 101 mới chính thức có hiệu lực nhưng nhiều DN đón nhận với sự phấn khởi cao. Ông Phạm Đắc Lợi, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần May Tây Đô, cho biết: Chính sách giảm thuế TNDN của nhà nước rất phù hợp, giúp các DN giảm một phần chi phí không nhỏ trong giai đoạn khó khăn. Từ đó, DN có thể đảm bảo tốt hơn đời sống cho người lao động. Chứng tỏ nhà nước luôn quan tâm, đồng hành với cộng đồng DN. Đây cũng là sự động viên, khích lệ rất lớn cho DN, giúp DN tạo bước phát triển tốt trong năm 2012.

Giảm 30% thuế TNDN là một tín hiệu vui. Nhưng theo một số DN, giải pháp này chưa thực sự “đủ mạnh”. Nhà nước cần có thêm nhiều biện pháp hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn sắp tới. Theo ông Võ Tấn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH XD TM VT Phan Thành, với các DN vừa và nhỏ, lợi nhuận thu về hàng năm không nhiều. Vì thế, số tiền thuế được giảm so với thuế nhà đất hay tiền thuê đất trong chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của DN không bao nhiêu. Đặc biệt, giá đất mỗi năm cứ mỗi tăng là một trong những áp lực lớn đối với doanh nghiệp. Vì thế, Chính phủ nên xem xét có biện pháp hỗ trợ về thuế nhà đất và giá đất. Theo ông Võ Tấn Dũng, bất cứ DN nào cũng mong muốn làm tròn nghĩa vụ đối với các cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, Chính phủ có thể xem xét hỗ trợ DN giãn nộp thuế, giải quyết không phạt (xóa lãi phạt) trong một khoảng thời gian nhất định để tạo điều kiện DN có thời gian xoay xở chi phí để hoàn thành nghĩa vụ. Có làm được như vậy mới thật sự giúp DN đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, có đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Ông Trần Chí Gia, Giám đốc Công ty Cổ phần May Meko, chia sẻ: Giúp DN phát triển tốt hơn, Nhà nước cần có các biện pháp giảm lãi suất cho vay từ phía ngân hàng cũng như có mức thuế phù hợp hơn đối với từng loại hình kinh doanh. Song song đó, nhà nước cần có những giải pháp mang tính chiến lược lâu dài để giúp DN có thể vượt qua những khó khăn trước mắt như: giảm thuế giá trị gia tăng, cho DN vay vốn với chính sách ưu đãi để giúp DN trả lương cũng như giữ chân người lao động, củng cố thị trường, nâng cao sức cạnh tranh trong giai đoạn hiện nay...

T. TRINH - T. NHUNG

Chia sẻ bài viết