04/09/2008 - 08:12

Nguyện vọng 2 ở các trường cao đẳng

Cân nhắc khi chọn ngành, thận trọng khi làm hồ sơ

Các trường cao đẳng, trung cấp đang bước vào giai đoạn “nước rút” của đợt nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 (NV2), đợt 2. Trong những ngày này, không ít thí sinh vẫn đang băn khoăn chọn ngành sao cho vừa phù hợp điểm, vừa đúng sở thích, nhu cầu xã hội... Còn các trường thì không khỏi lo lắng tình trạng hồ sơ “ảo”... Phóng viên Báo Cần Thơ đã lược ghi một số ý kiến của đại diện các trường xung quanh đợt tuyển sinh NV2, đợt 2 này.

ÔNG HUỲNH NGỌC CHINH- TRƯỞNG PHÒNG ĐÀO TẠO, TRƯỜNG CĐ KINH TẾ - KỸ THUẬT CẦN THƠ: Thí sinh nên chú ý để nộp đúng phiếu báo

- Khi nộp hồ sơ qua đường bưu điện, thí sinh sẽ được nhân viên Bưu điện hướng dẫn ghi hồ sơ. Thực tế cho thấy, khi làm hồ sơ, thí sinh thường mắc một số lỗi, như: quên ghi ngành xin xét tuyển hoặc ghi ngành nhưng không ghi chuyên ngành. Mỗi chuyên ngành, ngành có điểm chuẩn khác nhau. Nếu thí sinh không đăng ký rõ, trường sẽ giải quyết bằng cách chọn ngành, nghề thay cho thí sinh. Những ngành nghề trường chọn là những ngành, nghề có khả năng trúng tuyển cao, nhưng có thể không đúng với sở thích của các em.

Thí sinh đang làm hồ sơ xét tuyển vào các ngành đào tạo của Trường Cao đẳng Cần Thơ. Ảnh: B.NG  

Vì vậy, khi đăng ký qua đường Bưu điện, thí sinh nên đăng ký ngành nghề rõ ràng (ngành, chuyên ngành), ghi đầy đủ vào phiếu kết quả. Các thí sinh không đậu đại học nhưng có mức điểm bằng hoặc cao hơn điểm sàn cao đẳng (theo qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo), sẽ nhận được 2 phiếu: số 1 và số 2. Phiếu số 1 dùng để nộp xét NV2, phiếu số 2 dùng để nộp xét NV 3. Thí sinh nên chú ý để nộp đúng phiếu bởi nếu dự tuyển NV2 mà nộp phiếu số 2 thì hồ sơ sẽ bị loại.

ÔNG QUÁCH KIM LỘC, PHÓ PHÒNG TUYỂN SINH, TRƯỜNG CĐ CẦN THƠ: Cân nhắc để chọn ngành phù hợp, vừa sức

- Hiện nay, trường đã nhận trên 2.000 hồ sơ của thí sinh đăng ký dự tuyển đợt 2 của trường. Khi nộp hồ sơ, thí sinh cần chú ý đến điểm sàn. Một số thí sinh có điểm thấp hơn điểm sàn qui định nhưng vẫn nộp vào trường. Tất nhiên, những hồ sơ này đều bị loại; thí sinh vừa tốn kém, vừa mất công.

Trường chỉ tổ chức thi tuyển sinh vào các ngành sư phạm ở bậc cao đẳng. Đối với các ngành ngoài sư phạm bậc cao đẳng và các ngành đào tạo ở bậc trung cấp, trường đều xét tuyển (riêng ngành trung cấp Mầm non có thi môn năng khiếu). Khi chọn ngành để nộp hồ sơ dự tuyển, thí sinh nên cân nhắc, chọn những ngành phù hợp với điểm thi, khả năng của mình. Thực tế cho thấy, nếu chọn ngành phù hợp, thí sinh có điểm thi thấp vẫn có cơ hội trúng tuyển. Những năm qua, các ngành luôn có số lượng hồ sơ cao là: Kế toán, Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin (khối A), Khoa học môi trường (khối B), Việt Nam học, Văn hóa Du lịch (khối C, D), Cử nhân Anh văn (khối D). 2 ngành Công nghệ may và Thư viện thông tin có số lượng hồ sơ dự tuyển ít hơn, tỷ lệ chọi thấp hơn.

ÔNG NGUYỄN VĂN ĐỨC - TRƯỞNG PHÒNG ĐÀO TẠO, TRƯỜNG CĐ NGHỀ CẦN THƠ: Chú ý đến nhu cầu xã hội khi chọn ngành, nghề

- Năm 2008, ở bậc cao đẳng, trường có một số ngành mới, như: Điện Công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Quản trị mạng máy tính. Ở bậc trung cấp nghề, trường cũng có một ngành mới là: Kế toán doanh nghiệp, thời gian đào tạo 2 năm. Hiện nay, trường nhận trên 700 hồ sơ đăng ký dự tuyển và thời gian nhận hồ sơ còn kéo dài đến hết tháng 9-2008. Tuy nhiên, trường vẫn lo tình trạng hồ sơ “ảo”, gây khó khăn cho việc tuyển sinh.

Ở bậc cao đẳng, thí sinh thường “ưa chuộng” và nộp hồ sơ khá nhiều vào những ngành: Quản trị mạng máy tính, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí. Trong khi đó, ngành Hàn lại khó tuyển sinh dù nhu cầu của doanh nghiệp về ngành nghề này khá cao. Nguyên nhân là do thí sinh ngại ngành Hàn nặng nhọc, thu nhập không cao... Sau khi xét tuyển, trường sẽ tư vấn cho thí sinh để chuyển ngành. Ở bậc trung cấp, học sinh tốt nghiệp THCS có thể tham gia học 3 năm và học sinh tốt nghiệp THPT học 2 năm để lấy bằng trung cấp nghề bậc 3/7.

Qua nhiều năm làm công tác tuyển sinh, tôi thấy, khi làm hồ sơ dự tuyển, thí sinh thường mắc phải những lỗi: ghi địa chỉ không chính xác, thiếu giấy khám sức khỏe, ghi ngành dự tuyển không chính xác... Đồng thời, thí sinh cũng nên cân nhắc, chọn ngành phù hợp với điểm số và khả năng cũng như sự yêu thích của bản thân mình.

BÍCH NGỌC (ghi)

Chia sẻ bài viết