27/07/2016 - 20:04

Cần liên kết và đầu tư bài bản !

Trong xu thế hội nhập, các thị trường tiêu thụ nông sản lớn, như: Mỹ, Nhật Bản, Singapore… sẽ mở rộng cửa cho nông sản ĐBSCL. Song, để rộng đường xuất khẩu, sản xuất, tiêu thụ nông sản ĐBSCL rất cần liên kết chặt chẽ, đầu tư bài bản theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ theo đúng quy định kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn mác, điều kiện bảo quản,…

Theo các chuyên gia kinh tế, hàng nông sản ĐBSCL đa dạng và phong phú, nhưng khó cạnh tranh bởi thiếu sự đầu tư về mẫu mã, quy trình đóng gói, chất lượng không đồng đều. Xoài cát Hòa Lộc, chôm chôm Java hay nhiều loại nông sản khác… đã có thương hiệu, nhưng sản phẩm đạt chất lượng cao còn rất ít, điều kiện bảo quản chưa tốt, dễ hư hỏng trong quá trình vận chuyển nên không được khách hàng chấp nhận khiến nhiều lúc bán với giá thấp. Ngoài ra, nông sản xuất khẩu phải đáp ứng các tiêu chí về chất lượng an toàn, tiện lợi, đảm bảo dinh dưỡng và thân thiện môi trường…, đòi hỏi các doanh nghiệp tăng cường đầu tư trang thiết bị, liên kết sản xuất xây dựng và hình thành vùng nguyên liệu để cung ứng sản lượng nông sản lớn.

Các diễn giả cùng chia sẻ kinh nghiệm tạo sản phẩm giá trị gia tăng từ nông sản trên thế giới đến các tổ chức, doanh nghiệp,... trên địa bàn TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL. 

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, tình trạng phá vỡ hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp còn diễn ra khiến doanh nghiệp, công ty chế biến nông sản thua lỗ... Cái chính ở đây không phải do lỗi nông dân mà chủ yếu là thiếu sự liên kết chặt chẽ, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên… Sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn VietGAP có lúc bị đánh đồng về chất lượng và độ an toàn so với sản phẩm nông sản thông thường không được sản xuất theo quy trình. Ngoài ra, khi không có nhãn chung, giá trị thương hiệu nông sản không được tính vào giá bán sản phẩm. Sự không rõ ràng về thương hiệu dẫn đến người tiêu dùng không phân biệt được chất lượng; nguồn hàng cung cấp không ổn định, khâu quản lý, điều hành, phân phối thiếu chuyên nghiệp, không hiệu quả... nên chưa tạo được niềm tin sử dụng thực phẩm sạch trong đại bộ phận người tiêu dùng. Đây cũng là lý do khiến nhiều loại nông sản của Việt Nam khó tiêu thụ ngay chính tại thị trường nội địa, nông dân sản xuất cũng như người tiêu dùng đều chịu thiệt thòi.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là tham gia vào TPP ngoài chú trọng đầu tư cho công tác xúc tiến thương mại thị trường, phát triển hệ thống phân phối chuyên nghiệp và bảo vệ thương hiệu nông sản cần xây dựng các chính sách, cải thiện cơ chế tài chính, cải thiện hạ tầng,… Trong đó đẩy mạnh xây dựng chuỗi cung ứng, ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động cho các tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả chuỗi liên kết cung ứng dịch vụ đầu vào và tiêu thụ nông sản. Muốn thực hiện điều này, các ngành chức năng tại địa phương vùng ĐBSCL cần phối hợp tốt với các cơ quan có chuyên môn tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, kỹ năng tiếp cận thị trường. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nông dân trong các tổ hợp tác, hợp tác xã về lợi ích khi tham gia liên kết sản xuất.

Để có chuỗi cung ứng nông sản hiệu quả, khả năng cạnh tranh cao, cần sự tham gia của các doanh nghiệp đủ năng lực và tâm huyết. Các ngành chức năng cần hỗ trợ cho nông dân thực hiện liên kết sản xuất với doanh nghiệp để tạo ra nguồn hàng đa dạng và ổn định với số lượng lớn. Mặt khác, làm cầu nối liên kết hỗ trợ đầu ra trong kết nối cung cấp nông sản cho cho nhà phân phối, siêu thị… Tích cực xây dựng và quản lý nhãn hiệu, tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc sản, quản lý về chất lượng sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao hơn của thị trường. Song song đó, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân sản xuất theo quy trình từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, thu hoạch, sau thu hoạch, chế biến, bao bì, bảo quản, vận chuyển gắn với tiêu thụ, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Hỗ trợ cho nông dân trong chứng nhận VietGAP để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, thương hiệu, nhất là các sản phẩm an toàn được chứng nhận để người tiêu dùng biết và sử dụng ngày càng nhiều. Tăng cường vai trò của các doanh nghiệp phân phối bán lẻ trong chuỗi cung ứng, nghiên cứu các sản phẩm mới, các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, môi trường, thị hiếu của người tiêu dùng để xác định được nhu cầu của thị trường trong nước và nước ngoài.

Bài, ảnh: Phú An

Chia sẻ bài viết