17/09/2013 - 22:18

Ông La Minh Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ (C.T.C):

Cần liên kết để giảm áp lực hàng tồn kho

Kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) làm ăn thua lỗ, giải thể. Những DN còn trụ lại được cũng không khả quan do kinh doanh không hiệu quả, hàng tồn kho nhiều… Làm thế nào để tiêu thụ hàng tồn kho là vấn đề nhiều DN trăn trở. Ông La Minh Hồng, Tổng Giám đốc C.T.C, cho biết:

- Dù ngành chức năng đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế và DN nhưng tình hình kinh doanh của không ít DN vẫn chưa khả quan do người dân thắt chặt chi tiêu, hàng hóa không tiêu thụ được. Các DN Cần Thơ cũng không thoát khỏi tình cảnh này, hàng hóa, dịch vụ hiện nay cung đã vượt cầu. Tồn kho hàng hóa ở nhiều DN kinh doanh địa ốc, sắt thép, xi măng, xe các loại, hàng điện máy, điện tử, máy tính, mỹ phẩm, quần áo thời trang, đồ dùng… ngày một tăng cao. Doanh thu các mặt hàng thiết yếu cho tiêu dùng hằng ngày cũng bắt đầu giảm đáng kể. Giải quyết hàng tồn kho, tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm là giải pháp để DN có nguồn tài chính từ doanh thu bán hàng nhằm trang trải, thanh toán các khoản chi phí cần thiết… Đây là yếu tố sống còn đối với DN trong tình hình hiện nay.

* Nhưng DN làm cách nào để giảm áp lực từ hàng tồn kho, thưa ông?

- Trong khi chờ nền kinh tế tốt hơn, để tồn tại, DN cần phải tự thân suy nghĩ và tìm các giải pháp tích cực đẩy mạnh bán ra.  Muốn vậy cần có sự kết hợp giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, hệ thống bán lẻ… Các bên phải cùng thỏa thuận chia sẻ khó khăn, giảm lợi nhuận để giữ khách hàng thông qua các chương trình khuyến mãi, giảm giá, làm tốt dịch vụ bán hàng. Chẳng hạn, đối với hàng hóa thông dụng, thiết yếu hằng ngày, DN, siêu thị có thể xây dựng các chương trình giảm giá cho khách hàng, phần mất đi lợi nhuận do giảm giá này được chia sẻ giữa nhà cung cấp và người bán. Ví dụ, một sản phẩm giảm giá 10%, thì siêu thị giảm 5% tiền huê hồng đối với nhà cung cấp, nghĩa là mỗi bên chịu giảm lợi nhuận 5% để giữ doanh thu, giữ được khách hàng. Với hàng hóa không thông dụng, có thể khuyến khích các nhà sản xuất, các nhà cung cấp giảm giá thật nhiều, thậm chí giảm giá "khủng" để kích thích sức mua. Song song đó, cần hỗ trợ DN, đơn vị phân phối sản phẩm về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, thông tin, quảng cáo, mở rộng hệ thống phân phối, điểm bán hàng… để đạt được doanh thu mong đợi. Ngoài ra, DN có thể xây dựng các chương trình chăm sóc khách hàng, khách hàng thân thiết. Các DN nên đăng ký tham gia chương trình xúc tiến thương mại, bình ổn giá… để đưa hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng tại nông thôn và đưa hàng tận tay công nhân tại các khu công nghiệp. Đây là hình thức các DN đẩy mạnh bán ra thông qua các kênh phân phối mới.

Trong khi chờ nền kinh tế tốt hơn, DN cần phải tự thân suy nghĩ và tìm các giải pháp tích cực trong việc đẩy mạnh bán ra để tồn tại. Ảnh: THU HOÀI

* Theo ông, để đạt được doanh thu bán hàng như mong đợi, nhà sản xuất, phân phối, bán hàng cần phải có sự kết nối như thế nào?

- Kinh tế khó khăn, các DN chủ động kết nối với nhau cũng là cách giải quyết hàng tồn kho. Khi kết nối chặt chẽ giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, giữa người nuôi trồng và nhà chế biến, đầu ra sản phẩm của DN này là nguyên liệu đầu vào của DN kia, sản phẩm của DN kia sẽ là đầu vào của siêu thị hay chợ truyền thống… cho đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng thì việc tiêu thụ sản phẩm sẽ dễ dàng hơn. Mỗi DN có những điều kiện và hoàn cảnh riêng phải đối mặt, trong khi giải quyết hàng tồn kho có rất nhiều cách, không có một công thức chung để áp dụng cho tất cả các DN. Vì vậy, mỗi DN phải tự đánh giá sản phẩm, hàng hóa tồn kho của mình thuộc loại nào để có các hình thức khuyến mãi, giảm giá nhằm đẩy mạnh bán ra, thu hồi đồng vốn, khi cần thiết cũng cần phải bán dưới giá thành, chịu lỗ để tái cơ cấu lại DN.

Để việc đẩy mạnh bán ra đạt được hiệu quả, các DN là nhà sản xuất, nhà cung cấp, nhà phân phối phải có sự liên kết với nhau trên cơ sở chia sẻ những khó khăn chung. Cụ thể là phải giảm lợi nhuận, tăng cường dịch vụ bán hàng, mở rộng thêm kênh phân phối kể cả thị trường ngách. Có như vậy, các khó khăn sẽ từng bước được giải quyết.

* Xin cảm ơn ông!

THU HOÀI (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết