Hiện nay, ĐBSCL đang vào mùa thu hoạch rộ vụ lúa hè thu 2021. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong vùng; đồng thời, các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch nên tiểu thương, doanh nghiệp gặp khó trong việc vận chuyển, thu mua lúa trong dân. Do đó, lượng lúa còn tồn đọng khá lớn và rất cần sự hỗ trợ để tiêu thụ lúa từ các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương và doanh nghiệp tại vùng ĐBSCL.
Lúa chờ thương lái
Thu hoạch lúa hè thu tại TP Cần Thơ vào cuối tháng 6-2021.
Theo Cục Trồng trọt (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), trong những ngày cuối tháng 7 và đầu tháng 8-2021, nông dân vùng tứ giác Long Xuyên thu hoạch rộ vụ lúa hè thu. Lúa đã thu hoạch với sản lượng lớn, nhưng thương lái “vắng bóng”, gần như không có ghe đến thu mua. Tại tỉnh An Giang và Kiên Giang, vụ lúa hè thu này sản xuất trên 800.000ha, đang vào mùa thu hoạch, với sản lượng khá lớn. Thế nhưng gần nửa tháng qua, thương lái vẫn không xuất hiện thu mua lúa nên bà con đang lo lắng.
Anh Thanh Tùng, một thương lái thu mua lúa ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ, cho biết: “Hơn nửa tháng qua, hầu hết các ghe mua lúa phải nằm nhà. Do người điều khiển ghe không có giấy kiểm dịch, xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 nên gặp khó trong việc đưa ghe đi thu mua lúa. Bên cạnh đó, hầu hết các tỉnh trong vùng đang thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, việc kiểm tra nghiêm ngặt, nên thương lái cũng ngán ngại. Hơn nữa, nhiều thương lái cũng sợ bị lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 nên thà chịu mất nguồn thu nhập mà được đảm bảo an toàn sức khỏe…”.
Còn anh Minh Lâm, chủ một cơ sở thu mua lúa gạo ở xã Đông Thành, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Trong 2 tuần qua, nhà kho của anh đã đóng cửa nghỉ thu mua lúa. Do lúa ở vùng Vĩnh Long, TP Cần Thơ đã thu hoạch xong. Còn nhóm thương lái (thu mua lúa giao cho nhà kho Minh Lâm) cũng không đưa ghe lên An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp để thu mua lúa, vì thương lái chưa đủ thủ tục, điều kiện an toàn về phòng, chống dịch COVID-19. Hầu hết thương lái quyết định đậu ghe, chờ dịch bệnh được kiểm soát an toàn sẽ thu mua lúa trở lại…
Trước tình hình trên, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, nói: “Hiện thời là lo tiêu thụ lúa hè thu, hơn một tháng nữa lúa thu đông sớm sẽ chín tới và tiếp tục cho thu hoạch. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại hiện nay là thị trường gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo tạm thời chưa có đầu ra. Các nhà kho không mở cửa thu mua thì thương lái làm sao dám về đồng mua lúa. Vừa qua có ý kiến đề xuất Bộ NN&PTNT trình Chính phủ giải pháp tạm trữ, kêu gọi các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo trong vùng tăng cường thu mua lúa của nông dân trong lúc này. Tôi nghĩ đó là giải pháp cần thiết, cấp bách tháo gỡ nút thắt khâu tiêu thụ lúa trong thời gian này cho nông dân”.
Cần giải pháp cấp bách
Vụ lúa hè thu năm 2021, TP Cần Thơ xuống giống được gần 75.200ha, cao hơn gần 3.000ha so với kế hoạch. Do giá lúa giảm cộng thêm giá vật tư nông nghiệp, phân bón tăng cao nên lợi nhuận của nông dân trồng lúa vụ hè thu không đạt như mong muốn. Bên cạnh đó, các loại dịch hại trên lúa cũng xuất hiện nhiều hơn do trời nắng nóng đã làm cây lúa không phát triển tốt. Từ đó ảnh hưởng đến năng suất và giá bán vào cuối vụ. Với chi phí sản xuất tăng khiến lợi nhuận của nông dân sản xuất vụ hè thu giảm, chỉ đạt khoảng 1-1,5 triệu đồng/công. Mặc dù, diện tích lúa hè thu đã thu hoạch dứt điểm vào đầu tháng 7-2021, tuy nhiên đến nay sản lượng lúa, gạo vẫn còn tồn đọng trong dân và các doanh nghiệp. Nguyên nhân do tình hình xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Điển hình như Công ty CP Hoàng Nhật Minh (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) hiện vẫn còn tồn đọng 1.600 tấn gạo chưa xuất khẩu được.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết: Tổng sản lượng gạo các tỉnh phía Nam trong tháng 8 này dự kiến đạt 2,022 triệu tấn, trong đó có 1,12 triệu tấn gạo hàng hóa; sang tháng 9-2021, tổng sản lượng gạo là 2,51 triệu tấn, trong đó, có 1,6 triệu tấn gạo hàng hóa. Riêng ở ĐBSCL, đến ngày 22-7-2021 vụ hè thu 2021 đã xuống giống được 1,5 triệu héc-ta. Đến nay đã thu hoạch được 483.000ha, với năng suất 5,86 tấn/ha. Như vậy, ĐBSCL còn trên 1 triệu héc-ta lúa đang chờ thu hoạch với sản lượng dự kiến gần 6 triệu tấn. Sản lượng lúa còn khá lớn, trong khi việc tiêu thụ hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19.
Tại cuộc họp trực tuyến về hoạt động của tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản của Bộ NN&PTNT (ngày 3-8-2021), ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề xuất với Chính phủ cho thu mua tạm trữ lúa, gạo vào kho dự trữ quốc gia. Việc mua tạm trữ lúa, gạo nhằm để kích cầu, giúp nông dân yên tâm sản xuất vụ lúa thu đông 2021 tiếp theo.
Nhiều doanh nghiệp thu mua, chế biến lúa gạo xuất khẩu tại ĐBSCL cũng cho rằng đề xuất mua lúa gạo tạm trữ của Bộ NN&PTNT là đúng. Nhưng để doanh nghiệp mua lúa tạm trữ thì phải được ngân hàng cho vay vốn. Bộ NN&PTNT cần đề xuất Chính phủ có chỉ thị cho các ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp vay thêm vốn ngoài hạn mức tín dụng. Từ đó, doanh nghiệp sẽ có đủ điều kiện thu mua lúa hè thu tạm trữ, đồng thời tái tạo nguồn vốn, hỗ trợ nông dân đầu tư sản xuất cho vụ mùa thu đông tiếp theo…
Bài, ảnh: HÀ VĂN