16/07/2012 - 20:49

TP CẦN THƠ

Cần đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau THCS

Sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ nhận câu hỏi tư vấn, hướng nghiệp từ học sinh phổ thông tại buổi tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh do trường tổ chức. Ảnh: B.NG

Những năm gần đây, ngoài mạng lưới trường THPT ngày càng mở rộng, TP Cần Thơ còn quan tâm phát triển các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trung tâm dạy nghề... tạo cơ hội lựa chọn cho nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THCS...

Con gái út chị Nguyễn Thị Thùy, nhà ở xã Trường Long, huyện Phong Điền vừa nộp hồ sơ vào lớp 10 Trường THPT Phan Văn Trị. Chị nói: “Gia đình làm ruộng nên nuôi chị nó học ở Đại học Cần Thơ đã khó khăn lắm rồi. Vì vậy, nhiều người khuyên cho nó nghỉ, đi học nghề, mau kiếm việc làm, giúp được cha mẹ, nhưng vợ chồng tôi thấy con ham học, lại xin cha mẹ cho chạy xe đi về mỗi ngày, không phải ở trọ học tốn kém như trước đây nên tôi cũng ráng lo cho con”. Chuyện mở rộng mạng lưới trường lớp và hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn đã mở ra nhiều cơ hội học tập cho học sinh vùng ven. Hiện nay, toàn TP Cần Thơ có 23 trường THPT ở đều khắp các quận, huyện. Nếu như trước kia, huyện Phong Điền chỉ có một trường THPT Phan Văn Trị thì nay có thêm Trường THPT Giai Xuân để chia sẻ áp lực. Khởi sắc nhất, có lẽ là quận Cái Răng. Cách đây khoảng 10 năm, quận Cái Răng chưa có Trường THPT thì nay có đến 2 trường THPT đẹp, qui mô lớn và hiện đại là THPT Trần Đại Nghĩa và THPT Nguyễn Việt Dũng. Ngoài ra, trên địa bàn quận Cái Răng còn có Trường Phổ thông Việt Mỹ Cần Thơ... Việc mở rộng hệ thống các trường THPT đã tạo điều kiện cho nhiều học sinh có cơ hội học cao hơn sau khi tốt nghiệp THCS...

Theo thống kê của ngành giáo dục TP Cần Thơ, kết thúc năm học 2011-2012, toàn thành phố có 12.233 học sinh được xét tốt nghiệp. Trong đó, có khoảng 80% học sinh trúng tuyển vào 23 trường THPT công lập trên địa bàn TP Cần Thơ. Nhiều người băn khoăn, 20% học sinh tốt nghiệp THCS còn lại sẽ như thế nào? Anh Nguyễn Văn Phong, ở xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Con tôi mới 15 tuổi khi tốt nghiệp THCS nên còn quá nhỏ để có thể đi làm. Vợ chồng tôi cố gắng làm lụng để nuôi cháu học ít nhất là hết THPT cho có học vấn với người ta”. Quan niệm như anh Phong, chị Giao không phải là hiếm trong bối cảnh hiện nay khi nhà nhà đều mong muốn con cái đi học. Hơn nữa, nhiều người còn muốn con cái phải thi đậu đại học...

Theo kế hoạch tuyển sinh lớp 10 của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ, 20% học sinh còn lại sẽ vào học các trường phổ thông dân lập, tư thục, các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề và các trường trung cấp... Và thực tế, nếu các em không đậu khi dự thi hoặc không được xét tuyển vào các trường THPT công lập, các em vẫn còn nhiều cơ hội lựa chọn khác. Bà Võ Thị Hạnh Diệu, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Việt Mỹ Cần Thơ, cho biết: “Năm học 2012-2013, Trường Phổ thông Việt Mỹ được Sở Giáo dục và Đào tạo cho phép tuyển sinh 3 lớp. Theo qui định của trường, mỗi lớp có tối đa là 20 học sinh để các em thuận lợi trong tiếp thu bài học. Với cơ sở vật chất hiện đại, Trường Phổ thông Việt Mỹ Cần Thơ có khả năng thực hiện mô hình bán trú, nội trú, chất lượng cao. Buổi sáng, trường thực hiện giảng dạy theo chương trình của Bộ GD&ĐT, buổi chiều học sinh sẽ được học chương trình Anh văn. Nhờ vậy, sau khi tốt nghiệp THPT, hầu hết học sinh đều có trình độ tiếng Anh khá tốt, có thể du học”. Ngoài Trường Phổ thông Việt Mỹ Cần Thơ, hiện ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ còn có các trường ngoài công lập khác, như: Phổ thông Thái Bình Dương, Trường Quốc văn Cần Thơ hay Trường Tư thục Nguyễn Bỉnh Khiêm có thể tuyển hàng trăm học sinh vào học lớp 10.  

Nếu học sinh không có điều kiện vào học các trường dân lập, tư thục thì các em có thể lựa chọn vào học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trung tâm dạy nghề đã có mặt ở đều khắp các quận, huyện. Ông Lê Hoàng Định, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thới Lai, cho biết: “Theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2012-2013, trường tuyển khoảng 80% các em vào lớp 10”. 20% học sinh còn lại có thể vào học ở Trường Trung cấp Nghề Thới Lai hay Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Thới Lai. Chúng tôi gặp em Nguyễn Hoàng Thanh, nhà ở xã Thới Lai đến tham khảo thông tin ở Trường Trung cấp Nghề Thới Lai, em nói: “Do hoàn cảnh gia đình đơn chiếc nên em muốn học một nghề ở gần nhà để không phải tốn kém tiền của cha mẹ. Khi vào học nghề, em sẽ đăng ký học thêm chương trình bổ túc để sau khi tốt nghiệp lớp học nghề, em cũng có chứng chỉ hoàn thành chương trình THPT. Sau này, có điều kiện, em tiếp tục học liên thông lên cao hơn”. Trường hợp như Hoàng Thanh không phải là hiếm khi các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc học lực yếu. Ở một số trung tâm giáo dục thường xuyên của các quận trung tâm thành phố, nhiều học sinh còn chọn học bổ túc để có thời gian tập trung ôn thi đại học ngay sau khi vào lớp 10...

Theo ông Nguyễn Quí Đôn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, việc tổ chức tuyển sinh nhằm phân luồng học sinh, đa dạng hóa các loại hình học tập, từ đó, đẩy nhanh tiến độ phổ cập giáo dục bậc trung học trên địa bàn thành phố. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng trong quá trình nâng cao trình độ dân trí của thành phố trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, thực tế những năm qua, các luồng trên vẫn chưa thu hút được nhiều thí sinh. Vì vậy, nên chăng ngành giáo dục thành phố cần có những giải pháp cụ thể hơn trong thời gian tới để phân luồng hiệu quả.

HÀ THANH

Chia sẻ bài viết