30/11/2015 - 21:19

QUẢN LÝ NƯỚC THẢI KHU CÔNG NGHIỆP

CẦN ĐẦU TƯ CÔNG NGHỆ CHUYÊN SÂU

Thời gian qua, sự phát triển của các khu công nghiệp (KCN) góp phần quan trọng vào quá trình tăng trưởng kinh tế của đất nước, song việc xử lý nước thải trong các KCN là thách thức lớn đối với các tỉnh, thành trong cả nước. Với dự án AKIZ về "Chiến lược quản lý nước thải tổng hợp cho các KCN", thuộc nhiệm vụ hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức, các chuyên gia tham gia dự án đã nghiên cứu các giải pháp công nghệ phục vụ xử lý nước thải tại Việt Nam và đề xuất các khung pháp lý trong xây dựng chiến lược quản lý nước thải, đảm bảo phát triển bền vững cho các KCN.

* Quản lý nước thải tổng hợp

 Nhân viên Nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Thốt Nốt lấy mẫu nước thải để tiến hành kiểm tra.

Dự án AKIZ về "Chiến lược quản lý nước thải tổng hợp cho KCN" được triển khai từ năm 2010-2015. Dự án do Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Cộng hòa Liên bang Đức, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng các đối tác công nghiệp Đức tài trợ với tổng ngân sách hơn 1 triệu Euro. Dự án AKIZ với 6 tiểu dự án thành phần, bao gồm: Khung pháp lý trong xây dựng chiến lược quản lý nước thải cho KCN và lập mô hình tài chính; Khử độc nước thải thuốc trừ sâu bằng các phương pháp khác nhau; Giải pháp xử lý kỵ khí và phục hồi năng lượng từ nước thải chế biến thủy sản. Phục hồi nguyên liệu bằng phương pháp màng lọc; Quan trắc nước thải di động cho KCN; Chiến lược quản lý bùn nước thải.

Các KCN của Việt Nam tập trung nhiều loại hình sản xuất như chế biến thực phẩm, chế biến thủy hải sản, nước giải khát, dệt may, da giày... Theo các chuyên gia AKIZ, chất lượng nước thải trong các KCN sẽ khác nhau tùy theo loại hình sản xuất của doanh nghiệp và sẽ dẫn đến sự khác biệt trong hàm lượng bùn thải. Bùn thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp cần xử lý để khử ô nhiễm, ngăn chặn tiến trình phân hủy vi sinh vật, giúp giảm thiểu thể tích lưu trữ và vận chuyển. Bùn thải sau khi đã qua xử lý có thể được tái sử dụng trong nông nghiệp để cải tạo đất, tái sử dụng nhiệt hoặc sẽ được thải loại an toàn các chất cặn lắng. Đối với các KCN tập trung, trong quá trình lựa chọn công nghệ xử lý bùn thải cần phân tích loại bùn, hàm lượng bùn, các yêu cầu của hệ thống xử lý tập trung và phi tập trung, xây dựng mức đầu tư cho công nghệ xử lý và khả năng tái sử dụng hay thải loại chất cặn lắng.

Trong quá trình xử lý nước tại các KCN, yêu cầu quan trắc môi trường để đưa ra giải pháp công nghệ phù hợp được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Tiến sĩ Wolfgang Genthe, Giám đốc Hợp phần 5 của Tiểu dự án AKIZ, cho biết: "Công tác quan trắc tại các KCN ở ĐBSCL khá phức tạp do ảnh hưởng của mạng lưới sông ngòi và lượng nước thủy triều lên xuống. Vấn đề quan trắc là đầu vào quan trọng nhất cho việc thực hiện các chính sách và đề xuất các giải pháp công nghệ xử lý nước thải cho các KCN. Do đó, các vấn đề về quan trắc cần đẩy mạnh thực hiện nhất là việc quan trắc online nhằm đảm bảo công tác quan trắc được thực hiện thường xuyên, liên tục, đảm bảo yêu cầu đề ra. Việc quan trắc thường xuyên sẽ giúp xác định chất lượng nguồn nước thải, xác định trong nước có kim loại nặng, có độc tố hay không và cần sử dụng phương pháp gì để xử lý loại bỏ các độc tố, đảm bảo nước thải sau khi xử lý và thải ra môi trường phải đạt các tiêu chuẩn an toàn theo quy định".

* Chọn giải pháp công nghệ phù hợp

Trước năm 2008, hầu hết các KCN tại Việt Nam đều chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Trên 10% các KCN có nhà máy xử lý nước thải tập trung nhưng công nghệ lạc hậu. Một số KCN có nhà máy xử lý nước thải nhưng công suất thiết kế thấp không xử lý hết lượng nước thải ra. Hiện nay, việc đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các KCN được quan tâm hơn, nhằm góp phần giải quyết vấn đề môi trường trong KCN. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 9-2015, cả nước có 179 KCN có nhà máy xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động với tổng công suất 804.727 m3/ngày đêm và 29 nhà máy xử lý nước thải tập trung đang trong quá trình xây dựng với công suất 86.050 m3/ngày đêm. Số lượng các KCN có nhà máy xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động bằng 84% số KCN đang hoạt động trên cả nước, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2014.

Các chuyên gia dự án cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện các quy định và chính sách về môi trường tại Việt Nam, các nhà đầu tư, doanh nghiệp gặp một số thách thức do các quy định về quản lý và thải loại nước thải nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau. Khi một chủ đầu tư muốn xây dựng một nhà máy xử lý nước thải trong KCN phải nghiên cứu rất nhiều văn bản hướng dẫn và mất nhiều thời gian để triển khai thiết kế, thi công, vận hành theo đúng quy định. Theo bà Sandra Kreuter, Điều phối viên Dự án AKIZ tại Đức, sự phát triển doanh nghiệp trong các KCN sẽ ảnh hưởng đến yêu cầu đầu tư hạ tầng xử lý nước thải, quyết định thuộc tính và thể tích nước thải cần xử lý. Sự tăng giảm doanh nghiệp cũng liên quan đến việc điều chỉnh chi phí xử lý nước thải doanh nghiệp phải chi trả. Do đó, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cần phải dự báo trước tình trạng phát triển các KCN trong trung và dài hạn để có thể xác định nhu cầu đầu tư hạ tầng xử lý nước thải tập trung cho các khu, cụm công nghiệp và chọn lựa giải pháp công nghệ phù hợp với tiến trình phát triển công nghiệp của các địa phương.

Qua khảo sát tại các KCN, các chuyên gia của dự án AKIZ đã soạn thảo và chuyển giao Sổ tay thực hành quản lý nước thải tổng hợp KCN để các địa phương, Ban quản lý các KCN, các doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN có thể áp dụng vào quá trình quản lý nước thải tại các KCN và tại nhà máy sản xuất. Ông Nguyễn Văn Long, Điều phối viên Dự án AKIZ, cho biết: "Dự án đang bước vào giai đoạn kết thúc và sẽ tiến hành báo cáo các kết quả nghiên cứu với Bộ Khoa học và Công nghệ vào tháng 12-2015. Các kết quả nghiên cứu này sẽ được Bộ Khoa học và Công nghệ trình Chính phủ làm cơ sở đàm phán với Chính phủ Đức về việc triển khai các dự án ODA liên quan trong giai đoạn tiếp theo về quản lý môi trường trong các KCN. Trong đó, tiểu dự án thành phần của Dự án AKIZ về quan trắc nước thải di động cho KCN cần được đầu tư chuyên sâu về công nghệ và triển khai rộng rãi tại các KCN. Bởi lẽ, việc nâng cao năng lực quan trắc sẽ đáp ứng yêu cầu thiết kế nhà máy xử lý nước thải, định hình cách thức xử lý nước thải, xử lý khu vực ô nhiễm, đảm bảo an toàn cho con người và hệ sinh thái".

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết