07/06/2009 - 20:42

Đảm bảo năng suất lúa vùng ĐBSCL

Cần có chiến lược và qui hoạch phù hợp, căn cơ

Hằng năm, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Theo các nhà khoa học và chuyên gia dự báo, trong 5- 10 năm tới, do nhiều tác động từ thiên nhiên, đất trồng lúa ĐBSCL bị ảnh hưởng nghiêm trọng, năng suất có thể giảm mạnh. Làm gì để đảm bảo nguồn cung lương thực, góp phần đảm bảo an ninh lương thực (ANLT) quốc gia? Đó là nội dung chính của Hội thảo “Chiến lược đảm bảo ANLT quốc gia và qui hoạch đất trồng lúa đến 2020, tầm nhìn 2030” vừa được tổ chức tại TP Cần Thơ. Báo Cần Thơ xin giới thiệu ý kiến của một số đại biểu tham dự Hội thảo.

* PGS.TS VŨ VĂN THẶNG– CỤC TRƯỞNG CỤC THỦY LỢI (BỘ NN&PTNT):

Đầu tư công trình thủy lợi đa mục tiêu

 

Đảm bảo vững chắc ANLT quốc gia cần xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững. Để đạt được các mục tiêu này, cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó xây dựng hệ thống thủy lợi được xem là giải pháp rất quan trọng nhằm chủ động sản xuất và ứng phó với biến đổi khí hậu trong tương lai.

Những năm gần đây, nghề nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh ở các tỉnh ven biển, nên nhiều công trình thủy lợi ngoài phục vụ tưới tiêu còn phục vụ nuôi trồng thủy sản như ở Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Hệ thống công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt vùng ĐBSCL như: Kênh dẫn nước ngọt Quản lộ- Phụng Hiệp, Tiếp Nhật và Ba Rinh- Tà Liêm, Bắc Bến Tre, Nam Măng Thít... tuy chưa thực sự hoàn chỉnh, khép kín nhưng đã phát huy hiệu quả, góp phần đưa nước ngọt đến các vùng khó khăn. Hệ thống đê, bờ bao ĐBSCL chống được lũ sớm và lũ tiểu mãn để bảo vệ sản xuất vụ hè thu và đông xuân... Các công trình thủy lợi góp phần tăng độ ẩm, điều hòa dòng chảy, cải tạo đất phèn chua, phèn mặn. Vùng đất Đồng Tháp Mười phèn chua được cải tạo đã sản xuất được 2 vụ lúa trong năm. Hay vùng đất ngọt hóa Gò Công, Quản lộ- Phụng Hiệp, Ba Lai, Nam Măng Thít, Ô Môn- Xà No ngoài dẫn ngọt còn là hệ thống giao thông nông thôn, thoát nước cho đô thị...

Hiện nay, hạ tầng thủy lợi chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Diện tích canh tác biến động, sự phát triển của đô thị, công nghiệp và sự chuyển dịch mạnh về sản xuất (nuôi trồng thủy sản vùng ven biển) tạo ra những yêu cầu mới đa dạng, tiêu thoát nước. Nhu cầu cấp nước sinh hoạt nông thôn, thành thị, tiêu thoát nước tại nhiều khu vực tăng nhanh chóng. Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư hạn chế nên một số hệ thống thủy lợi xây dựng thiếu hoàn chỉnh, đồng bộ, dẫn đến hiệu quả thấp, tu bổ, sửa chữa chưa kịp thời. Mặt khác, việc quản lý, khai thác công trình thủy lợi chưa tương xứng với cơ sở hạ tầng hiện có; nguồn nhân lực hạn chế chuyên môn, thiếu cán bộ vùng sâu, vùng xa. Để đảm bảo ANLT vùng, việc đầu tư các công trình thủy lợi vùng ĐBSCL phải đa mục tiêu: phục vụ nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn trái và các ngành kinh tế, gắn phát triển thủy lợi với kiểm soát lũ, xổ phèn, ngăn mặn, giữ ngọt, phát triển giao thông, xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ... Muốn đầu tư có hiệu quả, đồng bộ, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong khai thác nguồn nước hài hòa các lợi ích, huy động vốn và tăng cường sự tham gia của cộng đồng.

* TS. LÊ VĂN BẢNH – VIỆN TRƯỞNG VIỆN LÚA ĐBSCL:

Liên kết “4 nhà” nhằm tăng thu nhập cho người trồng lúa

 

Phần lớn đất ở ĐBSCL là đất nông nghiệp, gần 80% dân số ĐBSCL là nông dân. Cây lúa vừa là cây trồng chủ lực của vùng, vừa đảm bảo ANLT quốc gia và cung cấp sản lượng gạo xuất khẩu. Năng suất lúa của vùng được cải thiện vượt bậc. Nếu năm 1976, sản lượng lúa toàn vùng chỉ 4,2 triệu tấn thì đến năm 2008 đã đạt trên 20 triệu tấn.

Song, tình trạng sản xuất lúa, chế biến lúa- gạo của vùng còn nhiều bất cập. Là vùng sản xuất lúa gạo chủ lực, nhưng nông dân trồng lúa vẫn nghèo nhất và gặp nhiều khó khăn. Rủi ro trong sản xuất cao, trình độ canh tác của nông dân chưa đồng đều, sản xuất manh mún, thiếu tổ chức, làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng hạt gạo. Hơn nữa, việc bảo quản sau thu hoạch chưa được chú trọng và đầu tư một cách đồng bộ, khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, do thiếu liên kết “4 nhà” (nhà khoa học, nhà nước, nông dân và doanh nghiệp). Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế và xây dựng thương hiệu còn nhiều bất cập. Công tác nghiên cứu giống chưa đáp ứng nhu cầu, thiếu giống lúa năng suất và chất lượng cao thích nghi với đặc thù từng tiểu vùng sinh thái của ĐBSCL. Theo ước tính của Cục Trồng trọt (Bộ NN& PTNT), đến năm 2010, tổng sản lượng lúa hằng năm vùng ĐBSCL giữ ở mức 21 triệu tấn. Đất sản xuất lúa sẽ giảm do quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, áp lực sâu bệnh dịch hại lên mùa vụ ngày càng tăng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng rõ hơn.

Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 7 (Khóa X) “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” là quốc sách kịp thời cho phát triển nông nghiệp, đảm bảo ANLT, cải thiện nông thôn trong bối cảnh hội nhập. Tuy nhiên, để thực thi hiệu quả nghị quyết này, cần liên kết vùng trong sản xuất và nhất là liên kết “4 nhà”. Những liên kết này giúp cho việc xây dựng kế hoạch và hoạch định chiến lược sản xuất từ vùng đến địa phương để tìm sự đồng thuận, vừa đảm bảo mục tiêu phát triển, vừa gia tăng thu nhập cho nông dân. Mô hình liên kết “4 nhà” hiệu quả phải được phát huy và nhân rộng trên từng địa phương, khu vực. Mặt khác, tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và chọn giống, hướng đến việc xây dựng thương hiệu quốc gia, đồng thời tìm hướng đi mới cho thị trường lúa gạo Việt Nam.

* ÔNG NGUYỄN TIẾN DŨNG, PHÓ TGĐ TỔNG CÔNG TY LƯƠNG THỰC MIỀN NAM:

Chú trọng khâu bảo quản để điều tiết thị trường, đảm bảo cho nông dân có lời

 

Cơn sốt gạo tháng 4-2008 là bài học về hệ thống phân phối và sự liên kết “4 nhà”. Trong những năm gần đây, sản lượng lương thực không ngừng gia tăng. Song, thị trường xuất khẩu chưa ổn định, các DN lương thực chưa làm tốt công tác thăm dò thị trường nên không thể đưa ra dự báo chính xác cho nông dân, nhằm sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường. Thời gian qua, mạng lưới phân phối của tổng công ty và các DN bị bỏ ngỏ nên chất lượng hạt gạo không đảm bảo; đầu vào và đầu ra của hạt gạo chưa được quan tâm đúng mức.

Thông qua nhiều trung gian, lại thiếu kho dự trữ gạo nên việc bảo quản sau thu hoạch kém. DN chỉ có kho dự trữ lúa có thể bảo quản 2-3 năm, nhưng chưa có kho dự trữ gạo và công nghệ bảo quản. Trong những năm qua, nhiều địa phương chỉ tập trung vào khâu sản xuất, nâng cao sản lượng nhưng khâu sau thu hoạch lại bỏ ngỏ và hợp đồng tiêu thụ nông sản không được thực thi nghiêm túc.

Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 7 (Khóa X) “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” đề ra mục tiêu sản xuất lương thực vùng ĐBSCL tăng hằng năm 3,5- 4%, tương ứng khoảng 800.000 tấn lúa/năm. Do đó, các DN cần đầu tư đồng bộ, khép kín từ khâu thu mua- xay xát - đóng gói và bảo quản... để hạn chế tổn thất sau thu hoạch, đồng thời nâng cao chất lượng hạt gạo hướng đến xây dựng thương hiệu bền vững cho hạt gạo Việt Nam. Cần xem kinh doanh lương thực là nghề kinh doanh có điều kiện để hạn chế DN năng lực yếu kém, góp phần giải quyết căn bản vấn đề tiêu thụ lúa gạo cho nông dân ĐBSCL.

Các nhà khoa học và nông dân thực tế đồng lúa ở vùng trồng lúa TP Cần Thơ. Ảnh: A.KHOA. 

Theo Bộ NN&PTNT, toàn vùng ĐBSCL cần có kho dự trữ 4 triệu tấn. Riêng Tổng công ty Lương thực miền Nam được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng hệ thống kho đạt 1 triệu tấn để dự trữ thường xuyên. Tổng công ty đã triển khai xây dựng tại vùng ĐBSCL và sẽ hoàn thành vào năm 2010. Việc xây dựng kho trữ có ý nghĩa rất quan trọng, giúp cho các DN có điều kiện mua lúa hàng hóa của nông dân vào vụ thu hoạch rộ. Mặt khác, nông dân sẽ an tâm sản xuất. Tránh tình trạng như nhiều năm qua khi vào vụ thu hoạch, giá lúa sụt giảm, đến khi nhu cầu xuất khẩu thì giá gạo tăng, lúc này nông dân đã bán hết lúa. Nếu có kho, nông dân có thể gửi lại kho vừa điều tiết nguồn cung cho thị trường vừa đảm bảo giá bán có lời cho người trồng lúa.

GIA BẢO- THẢO TRANG (lược ghi)

Chia sẻ bài viết