05/09/2010 - 08:32

Cần cơ chế đặc thù để thu hút FDI ở ĐBSCL

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp 27% GDP cả nước, trong đó khu vực I (nông – lâm nghiệp) đóng góp khoảng 40% của cả nước. Sự chuyển dịch mạnh mẽ của kinh tế nội ngành vùng ở ĐBSCL thể hiện khá rõ nét trong 5 năm gần đây. Tuy nhiên, nhiều quy hoạch phát triển không còn phù hợp với thực tại, hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, các dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh doanh chất lượng nguồn nhân lực,… đang trở thành lực cản trong thu hút đầu tư của vùng. Hơn nữa, nhiều dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp.

* Còn nhiều rào cản

Theo Cục Đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính đến 20-8-2010, toàn vùng ĐBSCL có 524 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký hơn 8,43 tỉ USD. Trong năm năm gần đây, thu hút đầu tư vào vùng ĐBSCL đã cải thiện đáng kể. Năm 2004, vốn FDI vùng ĐBSCL chỉ chiếm 3,5% số dự án cả nước (với 161 dự án) và chiếm 3,09% vốn FDI so cả nước (khoảng 1,31 tỉ USD). Còn tính về số lượng dự án hiện tại so với năm 2004 đã tăng hơn 3 lần, nhưng vốn FDI cũng chỉ chiếm khoảng 4,3% số dự án và 4,4% vốn FDI so cả nước. Nhiều tỉnh đặt kỳ vọng vào thu hút vốn FDI nhằm cải thiện chất lượng tăng trưởng kinh tế của địa phương và tiếp cận công nghệ mới. Tuy nhiên, thực tế các dự án FDI đầu tư tại ĐBSCL đa phần có quy mô nhỏ, công nghệ trung bình và sử dụng nhiều lao động phổ thông, nên việc chuyển giao công nghệ là rất khó.

 Công ty TNHH Kwong Lung Meko (KCN Trà Nóc, TP Cần Thơ) 100% vốn Đài Loan và cũng là doanh nghiệp FDI đầu tiên đầu tư vào Cần Thơ.

Tỉnh Long An là địa phương dẫn đầu về số dự án FDI (324 dự án), TP Cần Thơ xếp vị trí thứ 2 với 50 dự án, kế đến là tỉnh Tiền Giang (24 dự án), Trà Vinh (23 dự án), Bến Tre (20 dự án), Kiên Giang (18 dự án)... Tuy nhiên, tiến độ giải ngân nguồn vốn FDI của vùng rất chậm và cũng chỉ chiếm hơn 4% vốn thực hiện so với cả nước. Như tại tỉnh Bến Tre, riêng 8 tháng năm 2010 giải ngân đạt 41,1 triệu USD (đạt 270% kế hoạch đề ra)... nhưng cũng chưa đạt đến 50% trên tổng vốn đăng ký (trên 138,6 triệu USD). Long An dẫn đầu về vốn FDI vùng với hơn 3,5 tỉ USD, Kiên Giang 2,79 tỉ USD; TP Cần Thơ trên 690 triệu USD... nhưng tỷ lệ giải ngân vốn chưa tới 50%...

TP Cần Thơ là đô thị trung tâm vùng ĐBSCL, vốn FDI thực hiện mới đạt khoảng 23% trên tổng vốn đăng ký. Các dự án FDI đầu tư vào Cần Thơ đa phần ở khu công nghiệp (KCN) tập trung với 22 dự án, vốn đăng ký hơn 687,4 triệu USD, đến cuối tháng 8-2010, vốn thực hiện mới khoảng 119,4 triệu USD và giải quyết việc làm cho 5.000 lao động. Thành phố có một số dự án lớn như Dự án Nhà máy lọc dầu Cần Thơ (KCN Ô Môn) có diện tích 250 ha, công suất 2 triệu tấn dầu thô/năm, vốn đầu tư 538 triệu USD được cấp phép đầu tư vào tháng 5-2008. Đây là dự án liên doanh giữa Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Viễn Đông (góp 30% vốn điều lệ) với Tập đoàn SEMTECH Hoa Kỳ góp 70% vốn lớn nhất Cần Thơ lúc đó. Song, do Tập đoàn SEMTECH không thực hiện cam kết rót vốn đầu tư, nên đến tháng 11-2009, UBND TP Cần Thơ chấp thuận cho chủ đầu tư (Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Viễn Đông) tìm liên doanh khác và giảm diện tích dự án xuống còn 50 ha, vốn đầu tư còn 350 triệu USD. Trong buổi làm việc mới đây (tháng 8-2010) với chủ đầu tư Nhà máy lọc dầu Cần Thơ, lãnh đạo thành phố yêu cầu chủ đầu tư thực hiện dự án đúng cam kết đầu tư và gia hạn đến cuối tháng 9-2010, nếu không triển khai sẽ xem xét thu hồi dự án.

Theo các chuyên gia, hiện nay, chiến lược thu hút đầu tư và dự án kêu gọi ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL gần giống như nhau. Dự án đầu tư quy mô nhỏ, có những dự án vốn đăng ký lớn, nhưng nhiều năm không thực hiện. Thu hút vốn FDI quan trọng là giải ngân nguồn vốn, nhưng phải là vốn của nhà đầu tư nước ngoài bỏ ra, mới tạo ra sự dịch chuyển thực sự. Vốn FDI càng lớn, rủi ro càng cao, có nhiều doanh nghiệp FDI kêu lỗ trong quá trình hoạt động, nhưng lại rất ít doanh nghiệp chịu giải thể. Nếu tỷ trọng FDI càng lớn trong GDP sẽ khiến nền kinh tế đó phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài, vì lợi nhuận làm ra phần lớn thuộc về nhà đầu tư nước ngoài.

* Cần cơ chế đặc thù để thu hút vốn FDI

Năm 2003, theo Cục Đầu tư nước ngoài, FDI vào ĐBSCL chỉ có 88,7 triệu USD với 28 dự án. Còn trong 8 tháng đầu năm, vùng ĐBSCL thu hút thêm 51 dự án FDI mới, với tổng vốn đăng ký hơn 1,49 tỉ USD. Đồng thời, 9 dự án đăng ký mở rộng sản xuất, tăng vốn hơn 17,2 triệu USD. Tính chung 8 tháng, tổng vốn FDI vào ĐBSCL đạt trên 1,51 tỉ USD. Riêng tháng 8-2010, tỉnh Cà Mau thu hút 1 dự án FDI mới với vốn đăng ký 773 triệu USD của Hoa Kỳ đầu tư Dự án đường ống dẫn khí Lô B- Ô Môn. Trong số 13 tỉnh, thành vùng, có 3 địa phương gồm: Đồng Tháp, Hậu Giang và Bạc Liêu không thu hút thêm dự án FDI mới.

Ông Lê Viết Thái, Trưởng ban Thể chế kinh tế Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nói: “Cơ sở hạ tầng, chất lượng lao động, chất lượng dịch vụ hỗ trợ... là những lực cản lớn trong thu hút đầu tư của vùng ĐBSCL. Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát tiển vùng, nhưng lại thiếu đồng bộ, thiếu nguồn để thực hiện và những cơ chế, chính sách này vẫn nằm trên giấy. Cải thiện chất lượng thu hút đầu tư vào ĐBSCL cần thực hiện đồng bộ và phải thay đổi cách nhìn về vùng, xác định cho đúng vai trò, vị trí của vùng trong sự phát triển chung của cả nước”. Theo ông Thái, cần làm rõ vai trò đảm bảo an ninh lương thực của vùng và để các địa phương chọn lựa sự phát triển, vùng đất, con người sẽ quyết định làm gì trên mảnh đất của mình. Đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, phải có chính sách đặc biệt cho người trồng lúa, đảm bảo đời sống cho những người giữ vai trò này. Tới đây, khi hạ tầng giao thông vùng liên thông, đường bộ và đường thủy được đầu tư đồng bộ sẽ cải thiện đáng kể việc thu hút đầu tư vào vùng ĐBSCL. Do vậy, việc xây dựng chính sách thu hút vốn đầu tư vào vùng phải đảm bảo tính bền vững và chất lượng của quá trình phát triển, vận hành theo cơ chế thị trường, đảm bảo quyền tự quyết của các nhà đầu tư.

Tiến sĩ Javier Revilla Diez (Trường Đại học Hannover, CHLB Đức), một chuyên gia có nhiều công trình nghiên cứu về sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, cho rằng: “Phát triển kinh tế vùng là làm thế nào để sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có của vùng đó. Đồng thời phát triển kinh tế phải song hành với phát triển xã hội. Có như vậy, trong quá trình tăng trưởng kinh tế thì tất cả các tầng lớp nhân dân trong vùng đều được hưởng lợi. Việt Nam đang đứng trước trở ngại về phát triển vùng, do nguồn lực tài chính cho sự phát triển này ngày càng eo hẹp, nên chưa thể phát triển đồng bộ”. Theo Tiến sĩ Diez, những đô thị tập trung bao giờ cũng chiếm ưu thế hơn trong việc mời gọi đầu tư. Các DN đầu tư vào vùng là lợi nhuận, chứ không phải nhân công giá rẻ, hay chính sách ưu đãi đầu tư. Cái mà DN quan tâm hàng đầu là chất lượng cuộc sống, cơ sở hạ tầng viễn thông, chất lượng các trường đại học trong vùng; còn trình độ lao động, các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư được xếp vị trí sau cùng. DN biết rất rõ tiềm năng, hạn chế của từng vùng khi quyết định đầu tư, bởi họ có đội ngũ chuyên nghiệp để thu thập những tin tức liên quan đến vấn đề này.

Theo các chuyên gia, thu hút vốn FDI trong các lợi ích về vốn, lao động, công nghệ, ngoại tệ, quản lý... cần đặt tiêu chí công nghệ lên hàng đầu để nền kinh tế tăng trưởng bền vững hơn. Bởi nhà đầu tư đưa vào nhà máy hiện đại, nhưng chỉ sử dụng lao động phổ thông, xu hướng chuyển giao công nghệ ngày càng ít (do doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tăng) sẽ không cải thiện được chất lượng tăng trưởng như mục tiêu đề ra trong thu hút vốn FDI. Mặt khác, các địa phương cần liên kết vùng để phát triển và dựa vào lợi thế của từng tiểu vùng mà mời gọi đầu tư. Đây là vấn đề quyết định trong thu hút đầu tư, có như vậy mới chắt lọc dự án, đảm bảo an toàn môi trường và sinh kế của người dân nhằm mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL theo hướng bền vững.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết