15/09/2009 - 20:50

Xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao ở TP Cần Thơ

Cần chọn hướng đột phá...

UBND TP Cần Thơ vừa tổ chức Hội nghị sơ kết Chương trình xây dựng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) TP Cần Thơ đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Tại hội nghị này, lãnh đạo thành phố, đại diện các sở, ngành đã tập trung bàn giải pháp xây dựng nền NNCNC của TP Cần Thơ…

* MÔ HÌNH NNCNC CỦA THÀNH PHỐ...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, tháng 6 năm 2008, UBND thành phố đã có Quyết định số 1294/QĐ-UBND về việc phê duyệt Chương trình xây dựng và phát triển NNCNC TP Cần Thơ đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 (gọi tắt là Chương trình NNCNC). Trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT đã xây dựng được nội dung Chương trình NNCNC; chủ yếu là xây dựng mạng lưới 3 khu NNCNC, 3 trạm NNCNC (vệ tinh của các khu NNCNC) và 12 dự án ưu tiên thực hiện.

Cá tra đang là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP Cần Thơ. Để nâng cao chất lượng của sản phẩm nông nghiệp này cần hướng đến sản xuất sản phẩm cá tra sạch. Ảnh: ANH KHOA 

Các khu NNCNC gồm: khu NNCNC trung tâm điều phối hoạt động của mạng lưới, cấu trúc có đầy đủ các tiểu khu chức năng và được đặt tại Trung tâm Giống nông nghiệp TP Cần Thơ. Nhiệm vụ chính của khu NNCNC này là hợp tác với các viện-trường và doanh nghiệp để tiếp thu, nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trong cải tạo, sản xuất, nhân giống cây trồng và vật nuôi; đào tạo và huấn luyện kỹ thuật mới; chuyển giao công nghệ, trình diễn công nghệ; chịu trách nhiệm tiêu chuẩn hóa, làm công tác thông tin, quảng bá và thương mại hóa các sản phẩm của mạng lưới. Bên cạnh đó, thành phố xây dựng 2 khu NNCNC phụ trợ thành lập trong Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ và Công ty Nông nghiệp Sông Hậu. Các khu phụ trợ này có nhiệm vụ ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực sản xuất giống đại trà, vào quy trình canh tác, nuôi trồng, tồn trữ và chế biến nông sản. Đồng thời, phối hợp với khu NNCNC trung tâm để thực hiện các chức năng ứng dụng sản xuất thử, triển lãm, dịch vụ và thương mại. Còn 3 trạm NNCNC dự kiến được đặt tại quận Thốt Nốt và các huyện Vĩnh Thạnh, Phong Điền. Các trạm NNCNC này là các vệ tinh của các khu NNCNC; thực hiện các chức năng thông tin và trình diễn các sản phẩm, dịch vụ của khu NNCNC, chuyển giao và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao thông qua công tác khuyến nông-khuyến ngư.

Có 12 dự án ưu tiên thực hiện trong Chương trình NNCNC được phân ra thành 3 nhóm dự án. Đó là, nhóm dự án về phát triển nông nghiệp đô thị và nông nghiệp sinh thái như: dự án ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống và sản xuất giống cây, con nông nghiệp; dự án ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống và sản xuất các loại rau an toàn phục vụ tiêu dùng nội địa (khu đô thị); dự án ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống, nuôi trồng và sản xuất các loại sinh vật cảnh (hoa kiểng, chim và cá cảnh) và thành lập khu sinh vật cảnh.

Ngoài ra, ở nhóm dự án này còn có dự án phát triển nguồn nhân lực ngành nông nghiệp, tập hợp và hình thành nhóm tư vấn giải pháp công nghệ kỹ thuật; dự án tăng cường cơ giới hóa trong các khâu sản xuất và dự án nhân giống, phục hồi và xây dựng vườn cây ăn quả đặc sản kết hợp du lịch sinh thái. Nhóm dự án về quản lý chất lượng và tiêu chuẩn hóa nông-thủy sản như: dự án ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng và xây dựng tiêu chuẩn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm; dự án ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng và xây dựng tiêu chuẩn trong nuôi trồng thủy sản. Nhóm dự án về hỗ trợ sản xuất, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm nền NNCNC như: dự án phát triển thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao; dự án triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ra sản xuất đại trà; dự án xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp và dự án ứng dụng công nghệ hiện đại vào các công đoạn sau thu hoạch (tồn trữ, chế biến, phân phối) để nâng cao chất lượng nông sản.

* CẦN XÁC ĐỊNH HƯỚNG ĐỘT PHÁ

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn, trong cơ cấu kinh tế của thành phố, ngành nông nghiệp đứng ở vị trí thứ 3. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đã góp phần lớn vào việc bảo đảm an sinh xã hội, một bộ phận người dân thành phố vẫn còn sống ở nông thôn và phụ thuộc vào nghề nông. Ông Nguyễn Thanh Sơn, phân tích: “TP Cần Thơ phải tiếp tục duy trì và phát triển ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, trong tình hình diện tích đất nông nghiệp của thành phố ngày càng thu hẹp, nếu như thành phố tiếp tục sản xuất theo truyền thống mà không có chương trình cụ thể thì giá trị sản phẩm nông nghiệp sẽ ngày càng thu hẹp, năng suất lao động thấp và lợi thế cạnh tranh không cao. Nhận ra vấn đề này, Thành ủy và UBND thành phố đã có chủ trương xây dựng Chương trình NNCNC. Chương trình NNCNC này phải đáp ứng được trước nhu cầu phát triển của công nghiệp và đô thị đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải nâng cao lên về chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, vai trò của TP Cần Thơ được xác định là trung tâm của vùng, trong đó ngành nông nghiệp không thể nào “bung ra” bằng sản phẩm thương mại, mà tới đây phải tập trung vào sản phẩm dịch vụ để cung ứng, hỗ trợ cho vùng...”.

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, qua hơn 1 năm triển khai Chương trình NNCNC, đến nay các dự án khu NNCNC và dự án ưu tiên thực hiện mới trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chọn đơn vị tư vấn xây dựng đề cương thực hiện các dự án, giới thiệu và kêu gọi đầu tư... Thành phố chọn Trường Đại học Cần Thơ, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Phân viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp xây dựng đề cương thực hiện các dự án. Trong quá trình thực hiện Chương trình NNCNC, có một số khó khăn như: nguồn nhân lực của ngành nông nghiệp thành phố hạn chế về số lượng và chất lượng, đơn vị tư vấn chưa có kinh nghiệm trong việc xây dựng nền NNCNC, việc xúc tiến đầu tư liên kết với nguồn lực bên ngoài để thực hiện các dự án còn chậm...

Đại diện một số sở, ngành TP Cần Thơ phản ảnh, hiện nay các dự án ưu tiên thực hiện còn dàn trải và ngân sách thành phố khó đáp ứng hết các dự án... Ông Võ Thành Sang, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, cho biết: “12 dự án ưu tiên thực hiện trong Chương trình NNCNC thể hiện qua 3 nhóm dự án, đối với nhóm dự án về phát triển nông nghiệp đô thị và nông nghiệp sinh thái TP Cần Thơ cần phải chuyển hướng đi theo hướng đột phá, mang tính đặc thù. Tuy nhiên, 6 dự án của nhóm này còn tràn lan, Sở NN&PTNT cần nghiên cứu chọn những dự án mang tính khả thi, hiệu quả...”.

Theo bà Nguyễn Ý Nguyện, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Cần Thơ, Sở KH&CN sẽ cùng với ngành nông nghiệp thành phố cố gắng thực hiện các dự án của Chương trình NNCNC. Ở ĐBSCL, cây trồng, vật nuôi rất đa dạng, do đó việc thành phố tập trung cho những loại cây, con nào cần được cân nhắc kỹ. Sở KH&CN mong muốn cùng với ngành nông nghiệp lựa chọn những dự án đi sâu vào những vấn đề chủ lực. Nhưng do cây trồng, vật nuôi đa dạng hóa nên việc xác định những vấn đề chủ lực cũng còn lúng túng...

Tại Hội nghị sơ kết Chương trình xây dựng và phát triển NNCNC TP Cần Thơ đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phạm Thanh Vận, cho rằng: Quá trình thực hiện Chương trình NNCNC ở TP Cần Thơ còn lúng túng là do nhận thức và hiểu biết của các cấp các ngành về NNCNC còn hạn chế; khó khăn về vốn trong điều kiện Nhà nước đầu tư nhỏ giọt và chưa có nhà đầu tư tham gia thực hiện các dự án. Mặt khác, thành phố chưa có chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư vào lĩnh vực NNCNC... Trong thời gian tới, thành phố cần tập trung thực hiện một số dự án có tính thiết thực, khả thi và hiệu quả cao; tăng cường liên kết, đặt hàng các viện, trường đối với một số dự án. Đồng thời, cần kêu gọi những nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm và tâm huyết để đầu tư vào các dự án. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp của thành phố; tăng cường phổ biến ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp; tổ chức và thực hiện tốt mô hình liên kết “5 nhà” để có bước phát triển vững chắc...

HỒNG BẢO

Chia sẻ bài viết