08/10/2013 - 08:23

Cần chiến lược phát triển bền vững ngành vật liệu xây dựng ĐBSCL

Theo nhận định của các chuyên gia ngành vật liệu xây dựng (VLXD), hiện nay nguồn nguyên liệu để sản xuất VLXD ở nước ta, nhất là vùng ĐBSCL còn rất hiếm trong khi nhu cầu sử dụng VLXD để xây dựng và phát triển hạ tầng xã hội rất lớn. Đây cũng là vấn đề được các đại biểu thảo luận tại Hội thảo "Phát triển bền vững ngành VLXD vùng ĐBSCL" trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Vietbuild Cần Thơ 2013.

VLXD là yếu tố trực tiếp tạo thành thực thể công trình, và được xem là "lương thực" của ngành xây dựng. Theo thống kê của Hội VLXD Việt Nam, VLXD chiếm trên 60% chi phí xây dựng công trình. Giá trị sản lượng VLXD chiếm 7-8% GDP nước ta, năm 2012 doanh thu của ngành này đạt 190.000 tỉ đồng. Những năm qua, Nhà nước ta rất quan tâm đầu tư phát triển VLXD. Đến nay, ngành công nghiệp VLXD nước ta được phát triển cả về số lượng và chất lượng, đa dạng sản phẩm, mẫu mã…Tuy nhiên, vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế trong việc phát triển ngành VLXD. Theo Tiến sĩ Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam, do nguồn nguyên liệu để sản xuất VLXD vùng ĐBSCL còn khan hiếm nên việc đầu tư, năng lực sản xuất không đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng, nhiều loại VLXD phải đưa từ các vùng lân cận, kể cả những loại VLXD nhập khẩu. Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng đẩy giá VLXD vùng ĐBSCL lên cao, ảnh hưởng rất lớn đến đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, chất lượng các công trình thấp. Đường giao thông nông thôn làm bằng bê tông còn ít, đường nhựa là chủ yếu, còn lại là đường cấp phối đá dăm, nhiều địa phương vẫn còn đường đất… mùa mưa gây khó khăn cho người dân đi lại. Vì vậy, cần có giải pháp căn cơ đối với việc quy hoạch và phát triển ngành VLXD ĐBSCL.

Triển lãm Quốc tế Vietbuild Cần Thơ 2013 thu hút sự tham gia trưng bày nhiều sản phẩm VLXD mới của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tại Hội thảo "Phát triển bền vững ngành VLXD vùng ĐBSCL" nhiều giải pháp đã được đặt ra nhằm phát triển ngành VLXD vùng này. Tiến sĩ Trần Văn Huynh cho rằng, để phát triển ngành VLXD bền vững phải bắt đầu từ quy hoạch. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 124/2007/NĐ-CP về quản lý vật liệu xây dựng, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm về quản lý Nhà nước việc lập và duyệt quy hoạch phát triển VLXD trên địa bàn tỉnh. Đến nay, cả nước đã có 53 tỉnh, thành đã xây dựng quy hoạch phát triển VLXD. Riêng ĐBSCL mới có 3 tỉnh là Vĩnh Long, Bến Tre, Long An đang xây dựng quy hoạch, các tỉnh còn lại vẫn chưa triển khai, do vậy cần tập trung khẩn trương thực hiện. Theo Tiến sĩ Trần Văn Huynh, đi đôi với việc lập quy hoạch cần khai thác triệt để những ứng dụng công nghệ khoa học tiên tiến vào sản xuất VLXD ở các nhà máy, xí nghiệp…nhằm giảm tiêu hao năng lượng, chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, có thể sử dụng phế thải công nghiệp, nông nghiệp làm nhiên liệu, nguyên liệu sản xuất, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản; phát triển sản xuất sử dụng vật liệu xây không nung… vừa bảo vệ môi trường sinh thái vừa góp phần thúc đẩy ngành VLXD phát triển.

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28-4-2010 phê duyệt Chương trình phát triển VLXD không nung đến năm 2020 nhằm tạo bước đột phá cho ngành VLXD đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao của xã hội; sử dụng hiệu quả tài nguyên đất nông nghiệp, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường. Theo đó, phát triển các cơ sở sản xuất với quy mô công suất hợp lý, công nghệ tiên tiến; từng bước nội địa hóa chế tạo thiết bị cho dây chuyền sản xuất vật liệu xây không nung; đa dạng hóa về kích thước sản phẩm cho phù hợp với thực tế thi công các công trình xây dựng đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Việc phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung, góp phần giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.

Ông Ngô Thanh Lâm, Giám đốc PR Công ty Cổ phần Xi măng Tây Đô, cho biết: Theo lộ trình phát triển chung của cả nước, trong tương lai ngành xây dựng sẽ chọn những loại VLXD thân thiện với môi trường đưa vào sử dụng tại các công trình xây dựng trên cả nước. Trong đó, gạch xây không nung là một trong những loại VLXD được chọn làm thí điểm để từng bước thay thế gạch xây bằng đất nung sản xuất theo phương pháp thủ công, lỗi thời, gây ô nhiễm môi trường và hao phí tài nguyên đất. Tuy nhiên, sản xuất gạch xây không nung của các nhà máy sản xuất đang gặp khó khăn về giá thành sản phẩm.

Các diễn giả là lãnh đạo các Hội, Viện, Trường… tại hội thảo đã chia sẻ nhiều nội dung xoay quanh việc phát triển ngành VLXD như: Nhìn tổng quan về sự phát triển của ngành VLXD vùng ĐBSCL; giới thiệu một số sản phẩm VLXD công nghệ mới nhất trong năm 2013; giải pháp tiết giảm chi phí cho ngành VLXD không nung… Ngoài ra, hội thảo còn cung cấp cho các DN nhiều thông tin bổ ích về những giải pháp thi công mới với nhiều sản phẩm công nghệ tiên tiến; các doanh nghiệp còn có cơ hội tiếp cận và trải nghiệm những sản phẩm VLXD mới phù hợp với xu thế phát triển của đô thị thời hội nhập.

Để ngành VLXD Việt Nam và ĐBSCL phát triển bền vững cần những giải pháp căn cơ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành chức năng và các doanh nghiệp ngành VLXD. Mặt khác, các tỉnh, thành ĐBSCL cần sớm có quy hoạch ngành VLXD, chính sách thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp này. Có như vậy ngành công nghiệp VLXD mới đủ sức đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, phát triển bền vững và vươn ra thế giới…

Bài, ảnh: THU HOÀI

 

Chia sẻ bài viết