05/09/2011 - 20:53

KHUYẾN KHÍCH NÔNG DÂN SỬ DỤNG VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP HÀNG VIỆT

Cần chấn chỉnh hệ thống phân phối

Nông dân rất mong muốn các doanh nghiệp đổi mới hệ thống phân phối, tạo điều kiện để họ có thể tiếp cận được các loại vật tư nông nghiệp giá rẻ.

Thị trường nông thôn với nhiều tiềm năng tiêu thụ hàng thiết yếu, hàng tiêu dùng hằng ngày, trong đó các loại thiết bị, vật tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực chi phối đến đời sống người nông dân. Song, hiện việc khuyến khích tiêu thụ các loại thiết bị, vật tư nông nghiệp hàng Việt Nam chưa được doanh nghiệp quan tâm đúng mức. Nhiều ý kiến cho rằng, để các loại thiết bị, vật tư nông nghiệp “gốc Việt” chiếm được niềm tin của nông dân, các doanh nghiệp cần chấn chỉnh lại hệ thống phân phối đối với những loại hàng hóa này...

* Cần đổi mới hệ thống phân phối hàng Việt

Sau hơn 2 năm kể từ khi Bộ Chính trị phát động cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, người tiêu dùng trong nước đã có sự chuyển biến tích cực trong ý thức sử dụng hàng Việt và ủng hộ hàng Việt. Nhiều sản phẩm hàng Việt ngày càng được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng sử dụng và đánh giá có chất lượng cao, không thua kém gì hàng nhập khẩu cùng loại. Nhiều sản phẩm hàng Việt là các loại thiết bị, vật tư nông nghiệp, hiện cũng được nhiều người tiêu dùng ở nông thôn ưa chuộng sử dụng và đánh giá nó có chất lượng không thu kém gì hàng nhập khẩu cùng loại. Song, theo nhiều cửa hàng kinh doanh các loại thiết bị, vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ, hiện nhiều các loại hàng thiệt bị, vật tư nông nghiệp nhập ngoại vẫn đang chiếm thế cạnh tranh tại nhiều vùng nông thôn. Đáng chú ý là các loại máy móc nông ngư cơ, thức ăn chăn nuôi, phân bón, lưới phục vụ đánh bắt thủy sản...

Ông Phạm Phước Phong, Chủ Cơ sở Năm Tấn, sản xuất-kinh doanh các loại chài, lưới và dụng cụ đánh bắt thủy sản (ở Làng chài lưới Cầu Sắt Thơm Rơm, quận Thốt Nốt), cho biết: “Trước đây, các sản phẩm lưới do Việt Nam sản xuất bằng cách đan thắt thủ công chất lượng khá tốt được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng. Nhưng những năm gần đây, khi nhiều cơ sở trong nước chuyển sang sản xuất bằng máy, có lẽ do sử dụng thiết bị máy móc có công nghệ lạc hậu, lưới làm ra hay bị chạy chỉ (nhất là lưới bén) dẫn đến hiệu quả đánh bắt thủy sản giảm. Cơ sở sản xuất lại không chịu quan tâm khắc phục nhược điểm trên. Chính vì vậy, phần lớn người tiêu dùng khi mua lưới phục vụ đánh bắt thủy sản đều chọn mua hàng nhập ngoại từ Thái Lan và Trung Quốc. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, phần lớn các cơ sở kinh doanh cũng đều nhập hàng từ nước ngoài về rồi gia công thành sản phẩm hoàn chỉnh bán lại cho người tiêu dùng”.

Nhiều sản phẩm vật tư hàng nhập ngoại hoặc hàng của các tập đoàn nước ngoài làm ăn tại Việt Nam sản xuất đã chiếm ưu thế không chỉ bởi đơn thuần do yếu tố chất lượng mà còn do hệ thống phân phối hàng tốt, giá bán cạnh tranh và có chính sách chăm sóc khách hàng. Theo ông Nguyễn Mạnh Vân, Chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Nguyễn Vân ở thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, nhiều loại phân bón do Việt Nam sản xuất có chất lượng không thua kém gì hàng nhập ngoại cùng loại. Nhưng phải nhìn nhận rằng, chất lượng của một số loại phân bón sản xuất trong nước vẫn chưa thật sự tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng và ngay cả giới kinh doanh, nhất là đối với những thương hiệu còn mới, lạ. Trong khi đó, đối với những thương hiệu đã quen thuộc với người tiêu dùng thì lại đang có xu hướng bị giảm sức cạnh tranh và giảm sự tin yêu của người tiêu dùng do giá bị đẩy lên cao so với nhiều loại phân bón nhập khẩu. Hệ thống phân phối hàng của nhiều doanh nghiệp Việt đến nông dân đã qua quá nhiều trung gian làm cho giá bị đội lên cao so với thực tế. Ông Nguyễn Mạnh Vân phân tích: “Nhiều doanh nghiệp sản xuất vật tư trong nước công bố giá bán buôn hàng khá rẻ, nhưng đa số các cửa hàng bán lẻ khó tiếp cận được nguồn hàng này mà thường phải mua hàng qua một số đầu mối trung gian, với mức giá đã bị đội lên rất nhiều”. Anh Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ một cửa hàng kinh doanh thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi ở huyện Phong Điền cũng cho rằng: “Hệ thống phân phối bán hàng còn nhiều bất cập chính là một trong những nguyên nhân làm cho nhiều loại thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đang yếu thế cạnh tranh và để cho sản phẩm của các tập đoàn nước ngoài chiếm lĩnh thị trường. Nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước còn quá chú trọng việc chăm sóc các đại lý bán hàng mà ít quan tâm chăm sóc nông dân. Trong khi đó, các tập đoàn nước ngoài họ có chiến lược kinh doanh khá hay, họ biết chăm sóc nông dân. Nhằm khuyến khích nông dân sử dụng sản phẩm, họ sẵn sàng liên kết với nông dân để cung cấp nguồn thức ăn giá rẻ và cho nông dân chăn nuôi gia công cho họ...”. Rõ ràng, để hàng Việt chiếm ưu thế và bám rễ sâu vào thị trường nông thôn, các doanh nghiệp trong nước không chỉ phải tiếp tục cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm mà cần phải đổi mới tư duy, sớm khắc phục những hạn chế trong hệ thống phân phối hàng và quan tâm chăm sóc tốt khách hàng.

* Nông dân phải là “Thượng đế”

Theo nhiều nông dân, khi muốn chọn mua các loại thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, vấn đề họ quan tâm nhiều nhất đó là sản phẩm có đem lại hiệu quả sử dụng cao hay không? Chính vì vậy, dù tin tưởng ở chất lượng và có thói quen sử dụng một sản phẩm nào đó, nhưng nông dân cũng sẵn sàng thay đổi nếu nhận thấy giá của nó tăng cao so với nhiều sản phẩm cùng loại, dẫn đến hiệu quả sản xuất không đạt như mong muốn. Anh Tống Văn Nhiều ở ấp Trường Trung A, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, cho biết: “Trước đây, hầu như tôi đều sử dụng các loại phân bón nhập ngoại, nhưng 2-3 năm nay, thấy nhiều loại phân bón sản xuất trong nước như: phân Urê Phú Mỹ, phân NPK Đầu Trâu... có chất lượng cao, giá lại rẻ hơn nhiều loại phân nhập ngoại nên tôi chuyển sang sử dụng. Sử dụng các loại phân này riết rồi như quen, giờ hầu như không muốn chuyển sang các loại phân bón khác. Tuy nhiên, hiện giá bán lẻ phân Urê Phú Mỹ (do Việt Nam sản xuất) đang cao hơn 10.000-20.000 đồng/bao so với nhiều loại Urê nhập ngoại từ Trung Quốc (các năm trước giá Urê Phú Mỹ thường thấp hơn Urê Trung Quốc khoảng 10.000 đồng/bao). Hiện giá nhiều loại phân NPK Đầu Trâu cũng đang ở mức khá cao. Là người Việt Nam, tôi luôn muốn ủng hộ hàng Việt, nhưng ngược lại cũng muốn các doanh nghiệp hàng Việt có chính sách giảm giá bán để khuyến khích nông dân sử dụng”. Ông Võ Văn Hải ở xã Thới Tân, huyện Thới Lai cũng cho rằng, ông rất quan tâm đến việc sử dụng các loại sản phẩm hàng Việt Nam và ủng hộ các loại vật tư nông nghiệp sản xuất trong nước. Tuy nhiên, do các doanh nghiệp bán hàng theo kiểu “đứt đoạn” cho các đại lý và cửa hàng bán lẻ, sau đó nông dân mua lại của các cửa hàng bán lẻ và nhiều người phải mua chịu đến cuối vụ mới trả nên giá bị đẩy lên rất cao. Chính vì vậy, ông Hải rất mong các doanh nghiệp trong nước chấn chỉnh hệ thống phân phối hàng tới tay nông dân tạo điều kiện để nông dân mua được hàng giá rẻ.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Nông dân rất mong muốn các doanh nghiệp đổi mới hệ thống phân phối, tạo điều kiện để họ có thể tiN

Chia sẻ bài viết