25/04/2013 - 10:15

Đọc “Kẻ chăn dắt”

Căm phẫn với tệ nạn chăn dắt trẻ em

 

Truyện dài “Kẻ chăn dắt” của nhà văn Đặng Chương Ngạn phản ánh một thế giới đen tối về số phận của những đứa trẻ lạc loài. Câu chuyện toát lên niềm day dứt của tác giả… Sách do NXB Văn Học và Phương Nam Book phát hành quý I năm 2013.

Trong lúc nhiều đứa trẻ cùng trang lứa được đến trường thì hàng ngày cậu bé Hy 6 tuổi phải cùng cha nuôi ăn bận rách rưới, rong ruổi khắp các ngõ đường ăn xin. Hai cha con Hy bị một nhóm chăn dắt trẻ em ăn xin lừa lên Sài Gòn và trở thành nô lệ của bọn chúng. Cha con Hy bị chia cách, cậu bé được đưa về một căn nhà tồi tàn, ẩm thấp, nơi có mụ Mập, gã Đầu Cua, Đầu Rơm, Cao Ngẵng, lão Mong… thường xuyên hành hạ, đánh đập bọn trẻ khi chúng không xin được tiền. Một ngày kia, Hy và những đứa trẻ trong nhà hoảng loạn khi chứng kiến cảnh cô bé mồ côi tên Châu bị tai nạn rồi bị bọn chủ bỏ mặc cho đến chết. Đau đớn, uất ức bọn trẻ đã cùng nhau nổi loạn và ý nghĩ đào thoát nhen nhóm trong tâm trí của Hy…

“Kẻ chăn dắt” cuốn hút độc giả theo dõi số phận nghiệt ngã của những đứa trẻ ăn xin và cuộc đào thoát ngoạn mục khỏi hang ổ bọn chăn dắt của cậu bé Hy. Nhiều tình tiết dữ dội trong câu chuyện như: cậu bé Hưng từ một đứa trẻ lành lặn bị bọn buôn người làm cho dị dạng với đôi chân khoèo, lưng gù, gương mặt teo tóp; hay cô bé mồ côi tên Châu bị bỏ mặc đến chết; hay cậu bé Hy bị sang tay qua nhiều tên chủ chịu cảnh bạo hành, bỏ đói mỗi khi kiếm ít tiền; và nhiều đứa trẻ khác bị bẻ gãy chân, chọc mù mắt, làm cho câm điếc để phục vụ cho việc xin tiền của bọn chăn dắt… Trong hoàn cảnh đen tối, khắc nghiệt ấy bọn trẻ đã nương vào nhau, bảo vệ nhau trước cái ác, hướng đến cuộc sống lương thiện và ấp ủ ước mơ có được mái ấm gia đình êm ấm.

Truyện khép lại với cảnh cậu bé Hy nhảy tàu, chạy trốn khỏi sự truy đuổi của bọn chăn dắt để tìm về nơi mình sinh ra khi biết được bí mật: “Hóa ra tôi có nhà, tôi có gia đình. Tôi vẫn có cha mẹ ruột. Tôi không phải là đứa trẻ mồ côi... thôn Giáng Trên là nơi tôi sinh ra. Cái thôn nhỏ an bình ấy có rất nhiều bức tường đẹp, xây bằng đá ong. Sân nhà ai cũng nở vàng hoa mướp…”(trang 143) đã khơi gợi về tương lai tươi sáng cho Hy, rồi em sẽ được trở về nhà, sẽ tìm lại được cha mẹ ruột của mình…

Xây dựng một câu chuyện dựa trên những sự kiện có thật về tệ nạn chăn dắt, bóc lột trẻ em đang diễn ra trong xã hội, truyện lên án sự bất nhân của những kẻ xấu cần phải được thẳng tay dẹp bỏ và nghiêm trị.

Bích Vân

 

Chia sẻ bài viết