01/07/2019 - 12:17

Cải thiện môi trường sống của đồng bào dân tộc Khmer 

Kể từ khi Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Kiên Giang triển khai chương trình “Nâng cao sức khỏe cộng đồng” và dự án “Hỗ trợ cải thiện nhà ở, nước sạch, vệ sinh đối với hộ nghèo”, diện mạo vùng nông thôn có đông đồng bào dân tộc Khmer của huyện vùng sâu Gò Quao đã có nhiều đổi thay theo hướng xanh, sạch, đẹp. 

Bà Hồ Thị Kim Năm (bên trái), huyện Gò Quao có nguồn nước sạch sử dụng nhờ được vay vốn để mua bồn chứa nước mưa.

Năm 2016, dự án “Hỗ trợ cải thiện nhà ở, nước sạch, vệ sinh đối với hộ nghèo” và chương trình “Nâng cao sức khỏe cộng đồng” chính thức được phát động trong Hội LHPN các cấp của tỉnh Kiên Giang, nhiều địa phương thực hiện khá tốt. Đối với địa bàn huyện Gò Quao - vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các tiêu chí, nhất là tiêu chí về môi trường còn chưa hoàn thiện, chương trình có ý nghĩa rất quan trọng.

Theo bà Trương Kim Ánh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Gò Quao, thực hiện chương trình này, các cấp Hội LHPN trong huyện làm cầu nối, giúp các chị em hội viên thiếu vốn được vay vốn ưu đãi xây mới, nâng cấp, sửa chữa công trình vệ sinh, mua sắm cơ sở vật chất nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và các bệnh liên quan. Hơn 3 năm qua, các cấp Hội LHPN của huyện Gò Quao đã tạo điều kiện cho gần 500 hộ được vay trên 3,7 tỉ đồng, xây dựng khoảng 190 cầu vệ sinh tự hoại kết hợp với sửa chữa nhà ở.

Chị Võ Thị Nghiệp, Chủ tịch Hội LHPN xã Định An, huyện Gò Quao, cho biết: Từ khi triển khai chương trình, chị em trong xã đã tiếp cận nguồn vốn cải thiện nhà ở, nhà vệ sinh, nước sạch, giúp cho chị em, nhất là với trẻ nhỏ không bị các bệnh về đường ruột hay bị ghẻ lở.

Hiệu quả rõ rệt nhất mà chương trình mang lại phải kể đến những đổi thay ở các phum sóc đông đồng bào Khmer sinh sống. Thói quen làm cầu tiêu trên sông hoặc ao hồ dần được thay thế bằng các nhà vệ sinh tự hoại vừa đảm bảo sức khỏe, vừa thực hiện nếp sống văn minh. Bà con dân tộc Khmer có ý thức hơn trong việc giữ vệ sinh môi trường cho gia đình và cộng đồng. Hướng tới thực hiện tiêu chí vệ sinh môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Chị Danh Thị Hoàng, Chi hội trưởng Phụ nữ ấp An Minh, xã Định An, cho biết: Trước kia kinh tế gia đình khó khăn, gia đình không có đủ vốn để xây cầu vệ sinh. Khi Hội LHPN xã phát động chương trình vay vốn, chị Hoàng mạnh dạn vay để xây nhà vệ sinh cho sạch sẽ, bảo vệ sức khỏe con cháu trong nhà. Sau đó chị Hoàng còn tham gia vận động chị em trong phum sóc cùng nhau thực hiện để giữ vệ sinh môi trường chung. Chị Thị Thuộc, ngụ ấp An Minh, xã Định An, chia sẻ: Nhờ có Hội LHPN đã cho gia đình chị vay vốn xây nhà vệ sinh, gia đình không còn phải dùng cầu trên ao như trước đây, không phải lo ô nhiễm và bệnh tật, gia đình chị rất phấn khởi.

Bà Trương Kim Ánh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Gò Quao, cho biết: Đến nay có gần 250 hộ Khmer của huyện Gò Quao đã tiếp cận với hai chương trình này. 100% các gia đình sau khi nhận vốn, trong vòng một tháng hoàn thành đúng cam kết sử dụng tiền để xây dựng nhà vệ sinh; 100% hoàn vốn trước thời hạn. Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện Gò Quao còn kết hợp với Công ty Đại Thành triển khai thêm chương trình hỗ trợ hội viên mua bồn trữ nước trả dần trong 6 tháng để cải thiện tình trạng sử dụng nước ở những khu vực vùng sâu. Bình quân hằng năm, có khoảng 1.000 bồn chứa được bán ra, tương đương số tiền từ 1,5 - 2 tỉ đồng. Chị Hồ Thị Kim Năm, ngụ ấp 3, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, cho biết, trước kia không có bồn nước thì chị phải ra sông lấy nước về sử dụng giặt giũ, nay có bồn trữ nước mưa xài rất tiện lợi và sạch sẽ.

Nhờ có hai chương trình trên, đến nay tại các phum sóc của huyện Gò Quao không còn bắt gặp hình ảnh cầu tiêu, chuồng trại trên sông. Bà con dù nghèo hay giàu đều tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng. Thói quen trữ nước sạch sinh hoạt từng bước hình thành. Tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nay đã hoàn thiện. Toàn huyện đã có 8/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Bài, ảnh: PHƯƠNG ANH

Chia sẻ bài viết