 |
Ngoại trưởng Ấn Độ Pranab Mukherjee (trái) và người đồng cấp Pakistan Shah Mahmood Qureshi trong cuộc họp ở New Delhi hôm 26-11. Ảnh: AFP |
Loạt vụ tấn công khủng bố ở thành phố Mumbai (Ấn Độ) hôm 27-11 làm tăng thêm sức ép lên tân chủ nhân Nhà Trắng trong việc phải nỗ lực tìm kiếm một giải pháp mang tính khu vực cho Nam Á. Sự việc xảy ra khi Ấn Độ và Pakistan, hai quốc gia láng giềng thù địch, đang dần cải thiện quan hệ dưới sự thúc đẩy của Mỹ. Tuy nhiên, những tiến bộ gần đây trong quan hệ giữa hai nước có thể gặp trục trặc nếu New Delhi phát hiện Islamabad “nhúng tay” vào các hoạt động khủng bố ở Ấn Độ.
Cũng như người tiền nhiệm George Bush, Tổng thống đắc cử Mỹ Barack Obama muốn thuyết phục Pakistan hạn chế chạy đua vũ trang với Ấn Độ và tập trung nhiều hơn vào cuộc chiến chống khủng bố, cụ thể là tàn quân Taliban và Al Qaeda, đang lộng hành ở các khu vực bộ tộc giáp biên giới Afghanistan. Theo ông Obama, Washington cần đóng vai trò trực tiếp hơn trong việc tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình giữa Ấn Độ và Pakistan.
Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari cũng hiểu rằng sẽ có nhiều lợi ích cho nền kinh tế đang đối mặt với khủng hoảng của Pakistan nếu tăng cường thương mại với Ấn Độ. Do vậy, phát biểu trên truyền hình ở Islamabad cuối tuần rồi, ông Zardari còn đề xuất chính sách “không tấn công hạt nhân trước” với Ấn Độ, bất chấp ý tưởng này gây bất bình trong quân đội Pakistan. Xa hơn, ông Zardari đề nghị phi vũ khí hạt nhân khu vực Nam Á bằng một hiệp ước (Ấn Độ và Pakistan đều có vũ khí hạt nhân). Vào đêm xảy ra khủng bố ở Mumbai, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi đang ở thăm Ấn Độ và vừa hoàn tất các cuộc đàm phán với người đồng cấp Ấn Độ Pranab Mukherjee về chống khủng bố, tăng cường thương mại và chương trình miễn thị thực cho công dân hai nước, bước tiến dài trong nỗ lực bình thường hóa quan hệ.
Tuy nhiên, cuộc tấn công ở Mumbai lập tức làm xấu đi mối quan hệ mới được cải thiện này, đồng thời gây khó khăn cho kế hoạch hòa giải của Mỹ ở khu vực. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tuyên bố các cuộc tấn công ở Mumbai do một tổ chức ở nước ngoài thực hiện, đồng thời dọa rằng các nước láng giềng “sẽ phải trả giá” nếu để bọn khủng bố sử dụng lãnh thổ của mình làm bàn đạp tấn công Ấn Độ. Tuy không đề cập đến Pakistan, nhưng mọi người đều biết Thủ tướng Singh đang ám chỉ quốc gia nào. Thời báo Hindustan của Ấn Độ cho biết cơ quan an ninh nước này đã bắt được 3 tay súng, trong đó có một tên quốc tịch Pakistan, khai nhận là thành viên nhóm Hồi giáo cực đoan Lashkar-e-Taiba, có trụ sở tại Pakistan. Bọn chúng gồm 12 tên đã thâm nhập Ấn Độ bằng đường biển. Hải quân Ấn Độ cũng bắt giữ 2 tàu buôn Pakistan mà các tay súng khai đã dùng để thâm nhập vùng biển Ấn Độ.
Dưới thời Tổng thống Bush, Mỹ đã cải thiện quan hệ với Ấn Độ và hai nước vừa hoàn tất thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự. Quan hệ giữa Mỹ với Pakistan cũng đang tiến triển, khi Washington mới đây ca ngợi Islamabad hợp tác tốt hơn trong việc truy tìm các tay súng Al Qaeda ở khu vực biên giới. Tuy nhiên, Pakistan không giấu giếm lo ngại khi Mỹ quá gần gũi với Ấn Độ. Một quan chức chính phủ Pakistan giấu tên nói: “Chúng tôi không còn xem Mỹ là một nhà trung gian trung lập nữa”.
Cái khó của Washington là làm sao duy trì được quan hệ thân thiết với Ấn Độ mà không làm mất lòng Pakistan, để nước này tiếp tục ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Nếu không khéo dung hòa mối quan hệ này thì Mỹ sẽ đánh mất vai trò nhà trung gian hòa bình cho Nam Á.
N.MINH (Theo NYTimes, BBC)