03/07/2010 - 14:04

Truyện cổ tích bằng tranh

Cải biên hay... phá hoại?

Quyển “Sự tích trái dưa hấu” của NXB Mỹ Thuật. Ảnh: vatgia.com.vn

Gần đây, trên các quầy sách bắt đầu xuất hiện một số truyện cổ tích Việt Nam bằng tranh. Thoạt đầu, hiện tượng này có thể coi là tín hiệu vui cho văn hóa đọc, góp phần bảo tồn và phát huy dòng văn học dân gian của dân tộc. Tuy nhiên, một số truyện tranh cổ tích làm các bậc phụ huynh bức xúc khi đưa ngôn ngữ hiện đại, thêm thắt chi tiết phản cảm, thậm chí cả ngôn ngữ mắng chửi, lăng nhục nhau và bạo lực.

Trong truyện “Sự tích dưa hấu” nằm trong bộ “Truyện tranh cổ tích Việt Nam” của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục vừa xuất bản, khi bị đày ra đảo hoang, khi Mai An Tiêm an ủi vợ: “Nàng đừng lo! Trời sinh voi sinh cỏ, nhất định chúng ta sẽ vượt qua được thôi” thì vợ Mai An Tiêm “đáp trả”: “Anh nói đó nha” (!). Cùng với đó là chi tiết: một chú voi vừa đi vừa “múa hát líu lo” thì bị Mai An Tiêm bắn chết (hình minh họa khung tranh chìm trong màu máu đỏ tươi). Vợ Mai An Tiêm thì dùng nhan sắc để quyến rũ cá dưới sông. Đứa con thì kết bạn với chú hổ, dẫn về giới thiệu với mẹ, mẹ cậu bé dặn dò: “Con của mẹ giỏi quá? Biết chọn bạn chơi ghê! Khi nào chơi chán thì nói mẹ – nấu cà ri nhé con!” (!). Cũng truyện “Sự tích trái dưa hấu”, của NXB Mỹ Thuật và Công ty Nhã Nam phát hành năm 2010, thì có chi tiết “hạt dưa đỏ thắm” (?); Mai An Tiêm được tôn xưng là “Bố Cái Dưa Tây”, dưa của chàng “nổi tiếng khắp vùng châu Ái”. Dù ngoài đảo hoang nhưng NXB vẫn thêm chi tiết: “Họ cất được ngôi nhà lớn, có kẻ hầu người hạ”.

Trong truyện “Đeo nhạc cho mèo” (NXB Mỹ Thuật và Công ty Nhã Nam phát hành, 2010), họ hàng nhà chuột đã mắng nhiếc nhà mèo: “Đả đảo mèo ác ôn!”, “Mèo cút ngay khỏi làng chuột”, “Mèo nó đểu giả lắm!” và mắng... “Mèo là đồ chó!” (?). Họ nhà chuột đã tổ chức đại hội bàn cách chống lại mèo và bầu ra được một cả một hội đồng chống họ nhà mèo. Ban Thanh niên do chuột nhắt cầm đầu ra thành phố nhờ mối lái, “cò” mới mua được nhạc... Truyện “Cây tre trăm đốt”, thay vì chi tiết chính thống là anh Khoai phải ở đợ cho nhà phú hộ thì truyện lại tùy tiện thêm thắt rằng cô con gái phú hộ đi chợ thấy anh Khoai thì mê mẩn và “dụ dỗ”: “Về nhà ta ở nghe, nhà ta có nhiều đồ ăn ngon lắm!”. Còn anh Khoai thì hí hửng: “Sắp bị dụ!”...

Đó là chưa kể hình ảnh minh họa trong các truyện tranh này thường là “người chẳng ra người”, nhiều quyển thì từ tóc tai đến trang phục của các nhân vật đều giống hệt truyện tranh Nhật Bản.

Phải thừa nhận rằng trong khi thị trường sách tràn ngập truyện tranh nước ngoài đầy bạo lực, sex thì sáng kiến thể hiện truyện cổ tích bằng tranh với hình ảnh, màu sắc sinh động là một việc làm tích cực. Tuy nhiên, với cách làm này tùy tiện, coi thường nguyên bản thì những quyển truyện trên đã tạo ra sự bất cập về xu hướng thẩm mỹ và nhận thức thẩm mỹ của trẻ em nếu không muốn nói là phản giáo dục. Những quyển truyện tranh này đã bôi nhọ những bài học mà ông cha ta gửi gắm trong những câu chuyện cổ tích đầy tính nhân văn, làm cho trẻ em có nhận định sai lệch về truyện cổ tích, gieo rắc vào tâm hồn trẻ thơ những ý niệm về sự trả thù, giả tạo, bạo lực... sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của các em.

Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết