13/01/2008 - 21:45

Giá cả leo thang:

Các trường tiểu học bán trú xoay xở như thế nào?

Theo chủ trương xã hội hóa giáo dục, học sinh (HS) học trong các trường tiểu học (TH) bán trú thì phải đóng tiền học. Nhà trường dùng nguồn tiền này tổ chức các hoạt động phục vụ việc chăm sóc sức khỏe và dạy văn hóa cho HS. Từ tháng 9-2007 đến nay, giá các loại thực phẩm, nhu yếu phẩm đều tăng, lãnh đạo các trường TH bán trú vừa đau đầu vì lo tiền chợ, vừa áy náy vì thu nhập của giáo viên bị sụt giảm.

Khổ sở vì trượt giá

Sau 3 tháng tựu trường, vào cuối tháng 11-2007, ba trường TH bán trú ở trung tâm quận Ninh Kiều là: Trần Quốc Toản, Lê Quý Đôn và Ngô Quyền đều phải tổ chức họp Ban đại diện Hội Phụ huynh học sinh (PHHS) để báo cáo cùng một nội dung: Với mức thu tiền ăn 7.000 đồng/ngày/HS, nhà trường khó duy trì được chất lượng bữa ăn chính và bữa xế cho HS.

Trường TH Trần Quốc Toản có số lượng HS bán trú nhiều nhất thành phố (1.311 em). Trong 3 tháng đầu năm học, nhà trường đã bị thâm tiền chợ gần 10 triệu đồng. Vì chỉ tính phần gạo, giá gạo ngon tăng 800 đồng/kg, mỗi ngày nhà trường nấu khoảng 200 kg thì phần trượt giá đã lên đến 160.000 đồng. Cô Mạc Cẩm Vân, Phó Hiệu trưởng Trường TH Trần Quốc Toản, cho biết: “Từ khi xuất hiện dịch cúm gia cầm, thực đơn của HS chỉ lẩn quẩn có thịt heo, thịt bò, tôm đất và cá thu, nhà trường không dám mua các loại cá khác vì sợ HS ăn bị mắc xương. Nhà bếp thường phải chế biến theo kiểu đồ món để các em ăn không bị ngán. Qua tính toán, Ban đại diện Hội PHHS thống nhất cho nhà trường được tăng 3.000 đồng/ngày/HS và duy trì mức này đến cuối năm học. Từ tháng 12-2007 nhà trường đã thu tiền ăn 10.000 đồng/ngày/HS. Hiện nay, giá ga, giá sữa và nhiều loại thực phẩm khác tiếp tục tăng nên nhà trường phải tính toán thực đơn theo từng ngày, thay vì tính hàng tuần như trước đây”.

Trường TH Lê Quý Đôn có số HS bán trú đứng thứ nhì TP Cần Thơ (1.251 em), tuy nhiên mức tiền ăn chỉ tăng 1.000 đồng/ngày/HS (8.000 đồng/ngày/HS). Phần tăng thêm chủ yếu tập trung vào bữa ăn chính 6.000 đồng/ngày/HS, còn bữa ăn xế vẫn giữ ở mức 2.000 đồng/HS/ngày. Thầy Trần Quang Khiêm, Hiệu trưởng Trường TH Lê Quý Đôn, nói: “Do có một bộ phận phụ huynh HS thu nhập thấp, trong các nguồn thu nhà trường đều gặp khó, nên Ban đại diện Hội PHHS đề ra phương án tăng tiền ăn dần dần. Vào ngày 12-1-2008, tại Đại hội PHHS học kỳ I, nhà trường đề nghị nâng mức tiền ăn thêm 1.000 đồng/ngày/HS (9.000 đồng/ngày/HS), nếu không nhà trường khó đảm bảo được chất lượng bữa ăn cho các em”.

Trường TH Kim Đồng, ở phường An Khánh, có 165 HS bán trú. Trường vừa đi vào hoạt động trong năm học 2007-2008 này, tất cả HS đều thuộc diện hộ tái định cư của quận. Nhà trường sợ tăng tiền ăn thì phụ huynh chỉ cho con học chương trình tiểu học một buổi, ảnh hưởng đến chất lượng học tập. Tranh thủ diện tích mặt bằng rộng, nhà trường đã nấu ăn bằng than đước và đặt mua thực phẩm từ các mạnh thường quân. Nhưng tháng 2-2008, nhà trường cũng phải tăng mức tiền ăn lên 9.000 đồng/ngày/HS, như các trường ở trung tâm quận Ninh Kiều. Do việc “ép” người bán hàng giữ giá như hồi đầu tháng 9-2007, nhà trường đã gặp phải tình trạng thực phẩm kém chất lượng. Cô Nguyễn Thị Thu Đông, Hiệu trưởng Trường TH Kim Đồng, cho biết: “Nhà trường buộc phải báo cáo tình hình khó khăn với UBND phường An Khánh, để được thống nhất tăng mức tiền ăn”.

Trong tình hình vật giá leo thang, ngoài việc đau đầu vì đảm bảo chất lượng bữa ăn và an toàn vệ sinh thực phẩm cho HS, lãnh đạo các trường tiểu học bán trú còn áy náy vì thu nhập của giáo viên bị sụt giảm so với năm học trước!

Thu nhập giáo viên tỷ lệ nghịch với giá!

Từ đầu năm học 2007-2008 này, giáo viên tiểu học dạy 2 buổi ngày không còn hưởng chế độ phụ cấp 260.000 đồng/tháng do ngân sách thành phố hỗ trợ (theo Quyết định số 29/2007/UBND của UBND TP Cần Thơ do đồng chí Võ Thanh Tòng, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, ký ngày 31-8-2007, về việc “Bãi bỏ một số nội dung... chế độ chi sự nghiệp”).

Cũng vào đầu năm học này, thù lao hỗ trợ dạy vượt giờ dành cho giáo viên TH cũng thay đổi. Ngày 20-11-2007, bà Huỳnh Thị Ngô Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT, đã ký Văn bản số 2132/SGD-ĐT-TCCB “Hướng dẫn cách tính trả tiền dạy vượt giờ chuẩn” thực hiện theo Thông tư Liên tịch số 35/2006 của Liên Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ. Trong đó, đối với bậc tiểu học tiền lương dạy thêm 1 giờ được tính như sau: 150% tiền lương tối thiểu nhân với hệ số lương và các khoản phụ cấp (nếu có), chia cho 101,2 giờ chuẩn quy định/tháng.

Ông Dương Lâm Tuấn, phụ trách Tiểu học (Phòng GD-ĐT quận Ninh Kiều), cho biết: “Cũng theo cách này, nhưng từ năm học 2006-2007 tính chia theo buổi học, mức thu nhập của giáo viên khá hơn. Với cách tính chia định mức giờ chuẩn, số tiền giáo viên được hưởng vừa thấp hơn, lại không đồng đều. Vì trong phân phối chương trình các môn nhạc, họa, thể dục do giáo viên bộ môn dạy, phần này giáo viên dạy lớp 2 buổi (bán trú) không được tính. Theo đó giáo viên khối 1, 4 và 5 được hưởng 12 giờ vượt chuẩn, giáo viên khối 2 được 8 giờ, nhưng giáo viên khối 3 chỉ được hưởng 4 giờ vượt chuẩn. Cụ thể: giáo viên hưởng mức lương 1.377.000 đồng/tháng (bậc 3,06 - mức lương năm 2007), nếu tính chia theo buổi thì mỗi tháng tiền dạy thêm buổi được trên 476.000 đồng/tháng. Nhưng nếu chia cho định mức giờ chuẩn và dạy ở khối 3 thì chỉ còn được hưởng hơn 80.000 đồng/tháng. Theo cách tính này, những giáo viên mới ra trường hưởng lương tập sự xem như chan chát”.

Ông Ngô Phú Lỳ, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Ô Môn, nói: “Sở GD-ĐT quy định thanh toán tiền dạy vượt giờ tiêu chuẩn của giáo viên vào tháng 2 và tháng 10 hằng năm, nhưng Phòng GD-ĐT Ô Môn giải quyết theo từng tháng nhằm giúp anh em đỡ khó khăn”. Cô Đặng Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường TH Số 2 phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn - là trường duy nhất ở vùng ĐBSCL đạt danh hiệu chuẩn Quốc gia mức 2, nói: “Lập xong bảng tiền thêm giờ cho giáo viên, tôi thật bức xúc vì có giáo viên chỉ nhận được tiền vượt giờ 77.900 đồng/tháng. Anh em không hề than. Nhưng với cương vị lãnh đạo nhà trường tôi rất ái ngại vì mục tiêu nâng cao chất lượng đòi hỏi thầy, cô giáo phải nỗ lực dạy tốt, song đời sống lại khó khăn hơn”.

Xoay quanh vấn đề này, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ Huỳnh Thị Ngô Minh cho biết: “Chúng tôi cũng rất bức xúc, nhưng không thể giải quyết được, vì đây là quy định của Bộ”.

Xoay xở cách nào?

Mô hình trường TH bán trú ra đời và phát triển theo chủ trương xã hội hóa giáo dục, nhà trường được thu học phí để trang trải các hoạt động nuôi, dạy HS. Theo quy định, các trường TH bán trú sử dụng 40% quỹ học phí để phục vụ các hoạt động phong trào, mua sắm dụng cụ phục vụ việc ăn, nghỉ của HS, 60% chi bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý và lương kèm mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế lực lượng hợp đồng (bếp trưởng, bếp phó, bảo mẫu, cấp dưỡng, tạp vụ, bảo vệ, nhân viên y tế, ...).

Ở quận Ninh Kiều, các trường TH bán trú thu được mức học phí 80.000 đồng/HS/tháng, nên giáo viên được hỗ trợ 450.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, mức lương dành cho lực lượng hợp đồng đã lạc hậu so với thời giá. Cô Mạc Cẩm Vân, Phó Hiệu trưởng Trường TH Trần Quốc Toản, cho biết: “Nhà trường có 47 nhân viên hợp đồng, lương từ 750.000 - 850.000 đồng/người/tháng, anh em được dùng bữa trưa nhưng phải đến trường từ 6 giờ. Nhà trường nhận thấy mức thu nhập này chưa tương xứng với công sức của các cô bảo mẫu, cấp dưỡng,... nhưng không có nguồn để tăng”. Còn Trường TH Số 2 phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn quy mô gần 900 HS bán trú, nhưng mức học phí chỉ 65.000 đồng/HS/tháng, nhà trường hỗ trợ giáo viên 400.000 đồng/tháng, còn lương bảo của mẫu, cấp dưỡng 510.000 đồng/tháng. Cô Đặng Thị Hằng, Hiệu trưởng, bộc bạch: “Để giữ chân lực lượng lao động gián tiếp, nhà trường tính thêm phần phụ cấp từ 150.000 đồng - 200.000 đồng/tháng, tùy theo công việc. Chế độ này nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, động viên thi đua. Tuy nhiên, trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp đang thu hút công nhân với mức lương gần gấp đôi, nếu xảy ra tình trạng mất lao động, nhà trường không biết xoay xở thế nào!”.

Công bằng mà nói, muốn cải thiện đời sống giáo viên và nhân viên phục vụ thì các trường TH bán trú chỉ còn biện pháp tăng mức thu học phí. Nhưng giá trần học phí cho HS bán trú phải được UBND thành phố quyết định. Mức học phí 80.000 đồng/HS/tháng, được thực hiện theo Quyết định số 23/2005/QĐ-UB của UBND TP Cần Thơ ban hành vào tháng 3-2005 (áp dụng từ năm học 2005-2006). Trong Quyết định số 23/2005/QĐ-UB còn quy định chế độ phụ cấp 260.000 đồng/người/tháng đối với giáo viên TH bán trú. Đến năm học 2007-2008 này, lãnh đạo thành phố đã bãi bỏ chế độ phụ cấp đối với giáo viên TH bán trú, nhưng không đề cập đến vấn đề tăng thu học phí thì các trường TH bán trú xoay xở như thế nào?

Trước thềm năm học 2007-2008, lãnh đạo thành phố đã có chủ trương chuyển Trường TH bán trú Ngô Quyền (phường An Cư) thành trường chất lượng cao, nhằm giải quyết áp lực đầu vào đối với một số trường TH bán trú trong nội ô quận Ninh Kiều. Tuy nhiên, chủ trương này không thể thực hiện, vì vướng Luật Giáo dục nên không thể chuyển trường công lập thành trường “tư thục”. Thiết nghĩ, trước thực trạng này, với những khó khăn, bức xúc của cán bộ, giáo viên bậc tiểu học, lãnh đạo thành phố nên xem xét mức trần học phí để các trường trong vùng đô thị được vận dụng, nhằm giải quyết thu nhập cho giáo viên và lực lượng hợp đồng. Đồng thời, nên xem xét chế độ hỗ trợ cho giáo viên TH bán trú hoặc dạy lớp 2 buổi/ngày, góp phần đảm bảo chất lượng dạy và học, ổn định cuộc sống cho giáo viên bậc tiểu học.

ĐÌNH KHÔI

Chia sẻ bài viết