18/02/2023 - 19:35

Các tỉnh thành Trung Quốc chi lớn cho phòng chống COVID-19 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Dữ liệu do các chính quyền địa phương Trung Quốc công bố gần đây cho thấy, 20 trong số 31 tỉnh thành nước này đã chi tổng cộng hơn 353 tỉ nhân dân tệ (tương đương 51,5 tỉ USD) cho công tác phòng chống đại dịch COVID-19 vào năm 2022. Con số này dự kiến tăng cao hơn nữa trong bối cảnh SARS-CoV-2 còn diễn biến phức tạp ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Người dân Trung Quốc xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 hồi đầu tháng 12 năm ngoái. Ảnh: Getty Images

Trong đó, Quảng Ðông, nơi có 127 triệu dân và là tỉnh có nền kinh tế lớn nhất Trung Quốc, là nơi chi nhiều nhất cho công tác phòng chống COVID-19. Dữ liệu cho thấy, Quảng Ðông hồi năm 2022 chi tổng cộng 71,1 tỉ nhân dân tệ (hơn 10 tỉ USD) cho các biện pháp phòng dịch như tiêm vaccine, xét nghiệm và trợ cấp khẩn cấp cho những người bị virus Corona ảnh hưởng, tăng gần 57% so với năm 2021. Khoản chi tiêu này tương đương với khoảng 0,6% GDP của tỉnh vào năm 2022.

Thủ đô Bắc Kinh giữ vị trí “á quân” khi chi 26,4 tỉ nhân dân tệ, chủ yếu cho việc kiểm soát và phòng ngừa đại dịch, tương đương với khoảng 111% ngân sách chăm sóc sức khỏe của thành phố trong năm ngoái. Còn Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc, đã chi 16,8 tỉ nhân dân tệ cho các biện pháp phòng chống COVID-19 tương tự, gồm cả việc xây dựng các bệnh viện dã chiến. Theo báo Guardian, 2 tháng phong tỏa toàn diện Thượng Hải đã khiến nền kinh tế thành phố này suy giảm 0,2% vào năm 2022.

Trong gần 3 năm đóng cửa do COVID-19, các chính quyền địa phương Trung Quốc đã phải hứng chịu áp lực nặng nề trong việc thực thi các biện pháp kiểm soát SARS-CoV-2 nghiêm ngặt. Họ đã phải trả tiền cho việc xét nghiệm hàng loạt thường xuyên, hỗ trợ cho các trường hợp bị cách ly bắt buộc và chi cho nhiều dịch vụ khác trong thời gian bị phong tỏa, dẫn đến chi tiêu tăng vọt trong bối cảnh “thu không bằng chi”. Cơ quan xếp hạng tín dụng toàn cầu DBRS Morningstar (Canada) hồi tháng đầu tháng 12 năm ngoái cho biết, tình trạng thâm hụt của các chính quyền địa phương đã trở thành mối lo ngại chính. Một số nơi thậm chí còn vướng các khoản “nợ ẩn” từ các công cụ tài chính đặc biệt. Song, các khoản nợ này không bao giờ được thừa nhận chính thức trên bảng cân đối của chính quyền địa phương.

Chính tình hình tài chính yếu kém của các chính quyền địa phương đã trở thành lực cản đối với tình hình tài chính chung của Trung Quốc. Thâm hụt ngân sách tổng thể của Trung Quốc, gồm cả thâm hụt của chính quyền trung ương và địa phương, đạt mức 944 tỉ USD trong 10 tháng đầu năm 2022, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Theo DBRS Morningstar, thâm hụt cao hơn trong khi tăng trưởng GDP thấp hơn dự kiến dẫn đến nợ chính phủ nói chung của Trung Quốc trong năm ngoái đạt mức 50,6% GDP, cao hơn đáng kể so với mức 38,1% GDP trong năm 2019.

Kể từ khi đột ngột hủy bỏ chính sách “Zero COVID” hồi tháng 12 năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp khác nhau để kích thích tăng trưởng kinh tế. Bắc Kinh cũng đã công bố các biện pháp nhằm giúp các công ty bất động sản dễ dàng huy động vốn sau khi mức đầu tư vào lĩnh vực này vào năm 2022 giảm 10%. Lĩnh vực bất động sản chiếm gần ¼ GDP của Trung Quốc vào năm 2021 nhưng động thái siết chặt quản lý thị trường bất động sản của Bắc Kinh hồi năm ngoái đã gây ảnh hưởng nặng nề đối với nền kinh tế nước này.

Các nhà kinh tế tại ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs (Mỹ) dự báo, tăng trưởng của Trung Quốc năm 2023 sẽ đạt 6,5%, từ đó thúc đẩy nhu cầu toàn cầu thêm 1%. Hiện nước này đang cố gắng vực dậy nền kinh tế đang bị chùng xuống khi mà tăng trưởng chỉ đạt mức 3% vào năm 2022, giảm mạnh so với mức 8,4% vào năm 2021.

Chia sẻ bài viết