27/05/2008 - 15:46

Trường Trung học cơ điện và kỹ thuật nông nghiệp Nam Bộ

Các ngành, nghề tuyển sinh năm 2008

Kỳ tuyển sinh năm 2008, Trường Trung học Cơ điện và Kỹ thuật nông nghiệp Nam Bộ tuyển 950 học sinh. Trong đó, tuyển 400 học sinh hệ chính qui cho các ngành trung cấp chuyên nghiệp; 550 học sinh cho các ngành bậc trung cấp nghề. Năm nay, ở bậc trung cấp nghề, trường mở thêm 3 ngành mới. Đối tượng tuyển sinh của trường là những học sinh đã tốt nghiệp THCS, THPT ở ĐBSCL.

* Các ngành đào tạo bậc trung cấp chuyên nghiệp:Gồm 7 ngành: Sửa chữa khai thác thiết bị cơ khí (ô tô- xe máy), Điện công nghiệp

- Điện dân dụng, Trồng trọt- Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi Thú y, Nuôi trồng thủy sản, Chế biến và Bảo quản thủy sản, Kế toán doanh nghiệp. Thời gian đào tạo: 2 năm (đối với học sinh đã tốt nghiệp THPT); 3 năm (đối với học sinh tốt nghiệp THCS). - Ngành Sửa chữa khai thác thiết bị cơ khí:

Trang bị cho học sinh kiến thức cơ bản về kỹ thuật sửa chữa ô tô, máy kéo; giúp người học đọc và vẽ được các bản vẽ cơ khí, biết sử dụng các dụng cụ đo... Ngành này cũng cung cấp cho người học kỹ năng quản lý, điều hành, phục vụ sản xuất, kỹ thuật, sửa chữa xe máy trong tổ. Với kiến thức đó, người học có thể trực tiếp tham gia sửa chữa các bộ phận, hệ thống của ô tô, máy kéo với trình độ tay nghề tương đương thợ bậc 3/7... Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp: có thể làm việc tại các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau có sửa chữa ô tô, máy kéo hoặc tự tạo việc làm.- Ngành Điện Công nghiệp- Điện dân dụng: Trang bị cho học sinh kiến thức để có thể đọc và vẽ được các bản vẽ, cách lắp ghép, cách sử dụng các loại dụng cụ đo; hiểu biết các nguyên lý cấu tạo và hoạt động của các loại máy điện, máy đo điện và kỹ thuật điện thông dụng. Học sinh còn được trang bị kỹ năng khảo sát, thiết kế, lập kế hoạch vật tư và nhân lực, điều hành và tổ chức thi công các mạng hạ áp công suất vừa và nhỏ. Sau khi tốt nghiệp, học sinh có thể làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất chế biến nông sản, các dịch vụ cơ điện, hoặc tự tạo việc làm. - Ngành Trồng trọt- Bảo vệ thực vật: Giúp học sinh có được kiến thức và biết vận dụng những kiến thức về giống, đất, phân bón, mùa vụ, bảo vệ thực vật vào thực tế sản xuất. Học sinh còn được trang bị thêm kiến thức về quản trị doanh nghiệp, ngoại ngữ, tin học, pháp luật, kỹ thuật cơ sở của ngành. Sau khi tốt nghiệp, người học có thể làm việc tại các doanh nghiệp, các nông trường, trạm, trại, hợp tác xã hoặc trực tiếp xây dựng kinh tế hộ gia đình. - Ngành Chăn nuôi Thú y: Cung cấp cho học sinh những kiến thức về đặc điểm sinh trưởng và phát triển của các loại gia súc, gia cầm, các loại thức ăn và cách chế biến, kỹ thuật nuôi dưỡng, lai tạo, truyền giống, chăm sóc và điều trị bệnh gia súc, gia cầm... Trong quá trình học, học sinh còn được trang bị những kiến thức về quản trị doanh nghiệp, ngoại ngữ, tin học. Sau khi tốt nghiệp, học sinh có thể làm việc tại các doanh nghiệp, nông trường, trạm, trại hay độc lập xây dựng kinh tế hộ gia đình. - Ngành Nuôi trồng thủy sản: Trang bị cho người học kiến thức cơ bản, cơ sở và kỹ năng thực hành nghề nghiệp liên quan nuôi trồng thủy sản. Sau khi tốt nghiệp, người học có khả năng tổ chức sản xuất về nuôi trồng thủy sản; tự tạo việc làm hoặc làm việc ở nông trường, trạm trại nuôi trồng thủy sản, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản. - Ngành Kế toán doanh nghiệp: Học sinh được trang bị kiến thức, kỹ năng liên quan đến ngành Hạch toán- Kế toán để nắm vững lý luận cơ bản và kỹ năng thực hành, tổ chức công tác hạch toán- kế toán ở các doanh nghiệp. Học sinh tốt nghiệp ngành này có thể làm kế toán viên tại các đơn vị, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các cơ quan thuộc khu vực quản lý Nhà nước. - Ngành Chế biến và Bảo quản thủy sản: Trong quá trình học, học sinh được trang bị kiến thức và kỹ năng thực hành trong các lĩnh vực có liên quan đến công nghệ chế biến như: thiết bị máy phục vụ chế biến, các quy trình sản xuất... Sau khi tốt nghiệp, học sinh có khả năng thực hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực chế biến thủy sản, tự tạo việc làm.

* Các ngành đào tạo bậc trung cấp nghề:Hiện nay, trường đào tạo 14 ngành nghề chính qui, với 5 nhóm nghề, gồm: Điện (Điện dân dụng

- Điện xí nghiệp...), Cơ khí chế tạo (Tiện, phay...), Sửa chữa thiết bị xe máy (Công nghệ ô tô, Cấp thoát nước Nông thôn - Đô thị...), Nông nghiệp (Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi thú y...) và Chế biến (Chế biến thủy sản, Công nghệ Đường mía...). Trong đó, có 3 nghề mới: Điện tử- Điện lạnh, Quản trị mạng, Kế toán Tin học.

Hiện nay, tất cả các ngành đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề của trường đều có thể liên thông lên cao đẳng, đại học. Hạn chót nhận hồ sơ dự tuyển là 30-8-2008. Thí sinh nộp hồ sơ tại Trường Trung học Cơ điện và Kỹ thuật nông nghiệp Nam Bộ, Lộ tẻ Ba Xe, phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ.

Đối tượng tuyển là học sinh tốt nghiệp THCS trở lên. Thời gian đào tạo: từ 18 đến 24 tháng, tùy ngành.- Nghề Điện tử- Điện lạnh: Trang bị cho học sinh các kiến thức về cấu tạo, nguyên lý làm việc, tính năng kỹ thuật, kỹ thuật kiểm tra, sửa chữa những hư hỏng thông thường của thiết bị điện tử dân dụng, máy và thiết bị lạnh. Tính toán, lắp đặt được các thiết bị điện tử, điện lạnh theo sơ đồ thiết kế. Sau khi tốt nghiệp, người học làm được các công việc lắp đặt, sửa chữa, vận hành, bảo dưỡng các thiết bị lạnh trong công nghiệp và dân dụng. - Kế toán Tin học: Học sinh được cung cấp kiến thức cơ bản về quản trị doanh nghiệp, tổ chức sản xuất và dịch vụ kinh doanh, thị trường, hạch toán và phân tích hoạt động kinh doanh... để xây dựng, lựa chọn phương án kinh doanh hợp lý, tổ chức quản lý điều hành sản xuất và dịch vụ kinh doanh trong doanh nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, có thể làm việc tại các bộ phận quản lý của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, như: công ty, nông trường, trạm trại, hợp tác xã... - Quản trị mạng: Trang bị cho học sinh những kiến thức chuyên môn và năng lực thực hành Word, Excel, lắp ráp và cài đặt máy tính, thiết kế web... Người học còn biết lắp ráp cài đặt máy vi tính, quản trị cơ sở dữ liệu. Chương trình đào tạo còn rèn luyện cho người học khả năng làm việc độc lập, theo nhóm và ứng dụng kỹ thuật công nghệ vào công việc. Sau khi tốt nghiệp, người học có thể làm việc ở các đơn vị có sử dụng mạng nội bộ, mạng internet; có khả năng tự tạo việc làm hoặc tiếp tục học lên trình độ cao hơn.

BÍCH NGỌC (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết