Sáng 2-10, trong khuôn khổ Hội thảo Bất động sản (BĐS) với chủ đề “BĐS Cần Thơ lội ngược dòng, cơ hội cho nhà đầu tư cả nước” do Hiệp hội BĐS TP Cần Thơ tổ chức tại TP HCM, các vấn đề về tài chính và BĐS ở các thị trường lớn TP HCM, Hà Nội, TP Cần Thơ - Tây Nam bộ trong bối cảnh hiện nay đã được các chuyên gia giàu kinh nghiệm “mổ xẻ” và phân tích sâu sát.
Các chuyên gia nổi tiếng phân tích cơ hội đầu tư BĐS Cần Thơ và Tây Nam bộ.
Các chuyên gia nói gì về các kênh đầu tư hiện nay?
Lạm phát đang “bao trùm” và ảnh hưởng đến nền kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng không tránh khỏi nhưng vẫn trong tầm kiểm soát với 3,14% (theo thống kê của Trading Economics). Cùng với đó là khó khăn về nguồn vốn đã tác động trực tiếp đến các kênh đầu tư tại Việt Nam.
Phân tích diễn biến của các kênh đầu tư trong bối cảnh hiện nay, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế, cho biết: Nếu đánh giá về mức độ an toàn thì kênh tiền gửi ngân hàng là kênh an toàn nhất, ít chịu ảnh hưởng của biến động thị trường. Tuy nhiên lãi suất không mấy hấp dẫn, khi 5 năm trở lại đây, lãi suất tiền gửi ngân hàng vẫn duy trì ở mức trung bình 6-7%.
Thứ hai, là kênh ngoại tệ, năm nay tỷ giá có phần tăng trưởng nhưng chỉ 4%. Trái phiếu doanh nghiệp có sự tăng trưởng lợi nhuận hấp dẫn hơn, bình quân 8-8,5% trong 5 năm qua, nhưng bước sang năm 2022 thị trường trái phiếu đặc biệt là lĩnh vực BĐS cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi có nhiều doanh nghiệp lớn bị thanh, kiểm tra.
Thị trường chứng khoán trong 2 năm trở lại đây, từng được thăng hạng và chiếm sóng thị trường đầu tư, nay cũng không bảo toàn “ngôi vị” trước biến động mạnh mẽ của thị trường. Tính từ đầu năm đến nay, chứng khoán Việt Nam đã suy giảm 20%.
BĐS vẫn là kênh được đông đảo nhà đầu tư đón nhận tích cực. Ảnh: sưu tầm
Suy xét ở nhiều góc độ, đặc biệt là trong trung và dài hạn, BĐS vẫn là kênh đầu tư vừa đảm bảo được yếu tố an toàn trong từng giai đoạn thăng trầm của thị trường, vừa đáp ứng được mức lợi nhuận mong đợi của nhà đầu tư với bình quân 10-12%/năm trong 10 năm nay.
Tây Nam bộ kế thừa xu hướng đầu tư từ các thị trường lớn
Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc CBRE Việt Nam, thị trường BĐS ở các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề khan hiếm nguồn cung mới và mức giá đã tăng rất cao ở tất cả các phân khúc, nhất là sản phẩm căn hộ, vượt khả năng tài chính của nhà đầu tư cá nhân và cả người mua nhà ở.
Xuất phát từ nhiều lý do như dự thảo về Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) có nhiều nội dung mới, khi ban hành sẽ tác động đến thị trường; một số chính sách pháp lý mới góp phần ổn định thị trường, thanh lọc một số chủ đầu tư tài chính không vững vàng, làm giảm đáng kể nguồn cung mới ra thị trường trong khi nhu cầu ngày càng tăng cao, dẫn đến tình trạng mất cân đối quan hệ cung - cầu…
Bàn bạc về giải pháp nguồn vốn, TS Phạm Anh Khôi - Tổng Giám đốc Công ty Tài chính FINA, cho biết: Chính phủ đang đề xuất ban hành các giải pháp hữu hiệu hỗ trợ mở rộng các kênh huy động vốn cho thị trường BĐS, không quá lệ thuộc vào ngân hàng như các quỹ đầu tư, quỹ tín thác BĐS, phát hành trái phiếu… Đối với các doanh nghiệp uy tín, phát triển các dự án chất lượng, thì cơ hội tiếp cận nguồn vốn không khó.
Nguồn cung ở TP HCM trong 2 năm trở lại đây đã có sự dịch chuyển rõ rệt về cơ cấu sản phẩm: phân khúc tầm trung giảm liên tục, phân khúc bình dân dường như không có dự án mới, dẫn dắt thị trường là phân khúc cao cấp, hạng sang. Diễn biến tại Hà Nội cũng tương tự. Theo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2022 của CBRE Việt Nam, phân khúc cao cấp ở TP HCM chiếm 89% nguồn cung với 16.412 căn hộ, ở Hà Nội chiếm 55% nguồn cung với 8.165 căn hộ.
Căn hộ chung cư là xu hướng tất yếu và rất thịnh hành ở các thành phố lớn, trong đó có TP Cần Thơ. Ảnh: sưu tầm
Không nằm ngoài quy luật đô thị hoá, TP Cần Thơ dần nối gót 2 thị trường BĐS lớn của cả nước, thể hiện qua sự xuất hiện của các dự án quy mô lớn, chất lượng ngày càng được nâng tầm. Thậm chí có một số dự án được đề xuất triển khai lên đến 1.000ha, nhất là các dự án trong khu đô thị và dự án căn hộ phân khúc cao cấp, phục vụ tầng lớp trí thức, chuyên gia, doanh nhân có thu nhập cao… đang ngày càng gia tăng nhanh chóng ở thành phố này.
Cần Thơ đã và đang là thị trường dồi dào về sản phẩm và có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, chủ đầu tư lớn vào thị trường như: Tập đoàn Novaland, Đất Xanh, KITA, T&T, Sovico, Tân Á Đại Thành, Hòa Phát… trước bối cảnh hầu hết các đô thị lớn đều đang đối mặt với sự khan hiếm nguồn cung và giá sản phẩm nhà ở tăng cao, nhất là phân khúc căn hộ.
Theo ông Phạm Văn Luận - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội BĐS TP Cần Thơ, kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn TP Cần Thơ cũng trong năm 2022, dự kiến TP Cần Thơ sẽ phê duyệt 10 dự án nhà ở thương mại; 2 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích sàn xây dựng 50.000m2. Đến năm 2025, Cần Thơ sẽ có 96 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, khu tái định cư, nhà ở xã hội với 11.756 căn nhà ở riêng lẻ, nhà ở thương mại; 4.057 căn nhà tái định cư; 320 căn nhà ở xã hội.
Trong quý III-2022, TP Cần Thơ phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án căn hộ chung cư và 1 dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện kinh doanh. Xu hướng trong năm 2022 và 2023 tại Cần Thơ, căn hộ chung cư sẽ lên ngôi, trong đó điển hình là căn hộ cao cấp sẽ dẫn dắt thị trường.
Điều này dựa trên cơ sở, Cần Thơ là thành phố loại 1 trực thuộc Trung ương, đô thị hóa 73%, tốc độ phát triển kinh tế cao, 6 tháng đầu năm 2022, GRDP của TP tăng 8,04%, quý III tăng gần 10%, cao nhất trong 3 năm qua; thu hút đầu tư FDI cải thiện và nằm trong Top đầu cả nước về thu hút vốn FDI mới (vào lĩnh vực công nghiệp, năng lượng tái tạo).
Hạ tầng giao thông chính là yếu tố thúc đẩy thị trường BĐS Cần Thơ phát triển. Ảnh: sưu tầm.
Bên cạnh đó, Tây Nam bộ còn được Chính phủ đẩy mạnh đầu tư trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông với 7 tuyến đường cao tốc, tổng ngân sách lên đến 320.000 tỉ đồng, khi hoàn thành sẽ bổ sung gần 1.000km đường cao tốc tạo thành mạng lưới giao thông kết nối liên vùng và nội vùng. Từ đó, hỗ trợ thúc đẩy kinh tế - xã hội và thị trường BĐS thành phố phát triển, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư về miền Tây.
Không chỉ đa dạng về phân khúc sản phẩm, BĐS Cần Thơ còn sở hữu mức giá mềm so với mức giá hiện hữu của TP HCM hoặc Hà Nội. Điều này không chỉ tạo nên lợi thế về thanh khoản mà còn là nền tảng để nhà đầu tư tối ưu lợi nhuận tại một thị trường còn nhiều dư địa phát triển. Điển hình trong những năm qua, giá trị BĐS Cần Thơ tăng trưởng ổn định đạt từ 15-20%/năm, thời điểm trước dịch, một số dự án thanh khoản tốt, giúp nhà đầu tư thu lợi nhuận đến 50%. Theo đó thị trường thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, một số nhà đầu tư TP HCM, Hà Nội rót tiền vào Cần Thơ từ những năm 2018, đến nay đã đạt được tỷ suất lợi nhuận rất cao.
Nhận định về tiềm năng thị trường, các chuyên gia cho rằng, đang có dấu hiệu “ấm” dần lên nhờ các thông tin tích cực về nguồn vốn, thị trường được điều tiết cân bằng giúp nhà đầu tư an tâm hơn về tính pháp lý của dự án, các thị trường mới nổi đa dạng sản phẩm trong đó có Cần Thơ sẽ là nơi các nhà đầu tư quan tâm tìm kiếm cơ hội.