03/01/2008 - 22:54

Các bệnh viện đang cần máu cứu người!

Theo các cơ quan chức năng, các bệnh viện đang đối mặt với nguy cơ thiếu máu cấp cứu và điều trị bệnh. Thông thường, mỗi tháng các bệnh viện ở TP Cần Thơ cần khoảng 1.500 đơn vị máu. Dịp Tết, tai nạn giao thông, ẩu đả... xảy ra nhiều hơn và nhu cầu truyền máu tăng gần gấp đôi so với ngày thường. Nhưng vào thời điểm này, người đi hiến máu lại quá ít...

Thiếu máu cấp cứu và điều trị bệnh

Những ngày cuối tháng 12-2007, tại Trung tâm Huyết học- Truyền máu (TTHH-TM) khu vực Cần Thơ, mọi người đều tất bật với công việc vận động người dân hiến máu. Có đơn vị thông báo là vận động được 150 đơn vị máu, cán bộ Trung tâm hăm hở lên đường để rồi ra về chỉ với 50 đơn vị máu.

 Sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Cần Thơ đang hiến máu nhân đạo. Ảnh: B.NGỌC

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Huỳnh, Quyền Giám đốc TTHH-TM khu vực Cần Thơ, cho biết: “Vào tháng 3 (Tháng Thanh niên), tháng 4 (Ngày Toàn dân tham gia hiến máu) lượng máu hiến lại thừa. Nếu trung tâm nhận máu nhiều, sử dụng không kịp, phải hủy, cho nên có lúc chúng tôi phải thông báo ngừng lấy máu. Nhưng tháng Tết, khi nhu cầu máu cung cấp cho các bệnh viện tăng lên, chúng tôi phải tăng cường, đi khắp nơi vận động, lại ít có người hiến máu. Lý do: Năm hết, Tết đến nhiều người sợ hiến máu sẽ... gặp xui. Sinh viên, lực lượng hiến máu nhiều nhất cũng bận học thi rồi về quê ăn Tết, khiến cho nguồn máu không đủ cung cấp cho điều trị. Đến ngày 31-12-2007, Trung tâm chỉ còn dự trữ khoảng 40 đơn vị máu, trong đó nhóm máu A, AB đã hết. Nhu cầu điều trị, cấp cứu cần khoảng 50 đơn vị máu/ngày, nhưng mấy hôm nay, mỗi ngày TTHH-TM khu vực Cần Thơ chỉ lấy được khoảng 30 đơn vị máu. Tết Nguyên đán sắp đến, trong tủ TTHH-TM khu vực Cần Thơ cần phải có khoảng 1.000 đơn vị máu dự trữ thì mới đáp ứng nhu cầu.

Hai đơn vị tiêu thụ lượng máu nhiều nhất là Bệnh viện Đa khoa Trung ương (BVĐKTƯ) Cần Thơ và Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) TP Cần Thơ. Bình quân một tháng BVĐKTƯ Cần Thơ sử dụng từ 700 -1.000 đơn vị máu. Những dịp Tết, nhu cầu sử dụng máu tăng lên gấp đôi, có khi gấp ba. Bác sĩ Đặng Quang Tâm, Giám đốc BVĐKTƯ Cần Thơ, cho biết: “Những ngày Tết tuy lượng bệnh có giảm so với thông thường (vì những bệnh nhân bệnh nhẹ, mãn tính xuất viện về nhà ăn Tết) nhưng bệnh nhân bị tai nạn giao thông, ẩu đả lại tăng. Đây lại là những bệnh đa thương, cần rất nhiều máu để truyền cứu sống bệnh nhân”. Ngày 31-12-2007, bệnh viện chỉ còn 97 đơn vị máu. Trong đó, nhóm máu O là 50 đơn vị, nhóm máu A là 2 đơn vị, nhóm máu B là 34 đơn vị và nhóm máu AB là 11 đơn vị. Trước đó, ngày 29-12-2007, bệnh viện đã truyền 34 đơn vị máu AB để cứu sống sản phụ Nguyễn Thị Mỹ Lệ ở Bệnh viện TX Ngã Bảy chuyển lên bị băng huyết trong tình trạng nghiêm trọng và phải phẫu thuật cấp cứu. Đây có lẽ là bệnh nhân được truyền máu nhiều nhất từ trước đến nay tại đây.

 Sản phụ Nguyễn Thị Mỹ Lệ được cứu sống nhờ truyền máu kịp thời.
Ảnh: Đ.LÝ
Trong trường hợp khác, ngày 31-12-2007, BVĐKTƯ Cần Thơ có trường hợp bệnh nhân Bùi Ngọc Hầu, bị đa chấn thương đang cần truyền từ 10-12 đơn vị máu A. Nhưng trong tủ dự trữ chỉ còn vỏn vẹn 2 đơn vị máu A. Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Thy ở Khoa Huyết học, BVĐKTƯ Cần Thơ, cho biết: “Lượng máu trong người bệnh nhân còn quá ít hồng cầu để vận chuyển ôxy, cung cấp cho não, tim, phổi... Nếu không được truyền máu kịp thời dẫn đến suy đa cơ quan”. Khoa Huyết học phải cấp tốc điện thoại khắp nơi tìm máu cứu bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Thy cho biết thêm: “Bình quân mỗi nhóm máu phải dự trữ trong tủ từ 50 đơn vị trở lên, riêng nhóm máu AB (nhóm máu hiếm) phải có khoảng 20 đơn vị thì chúng tôi mới yên tâm. Nhưng khi bệnh viện liên hệ với TTHH-TMKV Cần Thơ để nhận thêm nhóm máu A, AB, thì Trung tâm bảo chờ... Hiện nay nhóm máu A, AB còn quá ít khiến chúng tôi rất lo lắng. Chúng tôi chỉ ưu tiên cho cấp cứu, ca mổ thông thường phải hoãn lại để chờ máu”.

Xung quanh vấn đề thiếu nguồn máu cung cấp cho các bệnh viện, bác sĩ Nguyễn Ngọc Huỳnh, Quyền Giám đốc TTHH-TM khu vực Cần Thơ, trăn trở: “Hiện nay lượng máu dành cho cấp cứu cũng thiếu hụt. Chúng tôi đang phải chạy vạy khắp nơi để kiếm máu”. Tuy nhiên, tìm người hiến đã khó, tìm được đúng nhóm máu cần truyền càng khó hơn..., đặc biệt với người bị tai nạn giao thông có nhóm máu AB. Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Thy ở BVĐKTƯ Cần Thơ tỏ ra lo lắng: “Đứng trước những bệnh nhân có nhóm máu AB cần truyền máu gấp mà máu trong tủ dự trữ không còn, tìm người hiến máu có cùng nhóm máu cũng không có. Chúng tôi đành lấy máu nhóm khác để truyền cho bệnh nhân (gọi là truyền thế nhóm). Mỗi năm bệnh viện có khoảng 10 ca phải truyền thế nhóm như vậy. Biết rằng việc truyền thế nhóm sẽ gây tác dụng phụ như sốt, vàng da, tán huyết... cho bệnh nhân nhưng nếu thiếu máu bệnh nhân sẽ chết nên chúng tôi đành chọn giải pháp này”.

Mong có thêm nhiều người hiến máu nhân đạo

TTHH-TM khu vực Cần Thơ cung cấp máu cho BVĐKTƯ Cần Thơ, 6 bệnh viện ở tỉnh, thành (TP Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu) và khoảng 40 bệnh viện tuyến quận, huyện. Trong đó, TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang là hai địa phương mà Trung tâm cung cấp 100% lượng máu sử dụng, 4 nơi còn lại Trung tâm chỉ cung cấp khoảng 10%. Năm 2007, các tỉnh, thành trên thu gom được khoảng gần 40.000 đơn vị máu, tăng khoảng 10% so với năm 2006, trong đó máu người tình nguyện chiếm 85% và 15% còn lại là máu của người hiến máu chuyên nghiệp. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Huỳnh, Quyền Giám đốc TTHH-TM khu vực Cần Thơ, nói: “Đáng mừng nhất là tỷ lệ người hiến máu tình nguyện mỗi năm mỗi tăng. Trung tâm đã cung cấp khoảng 90% nhu cầu máu phục vụ cho điều trị và chăm sóc sức khỏe nhân dân TP Cần Thơ (tỷ lệ này ở cả nước chỉ khoảng 50%)”.

Người dân có thể đăng ký hiến máu ở Hội Chữ thập đỏ gần nhất hoặc đến Trung tâm Huyết học-Truyền máu khu vực Cần Thơ, số 4 Châu Văn Liêm,  quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, phong trào hiến máu nhân đạo có nhiều bước tiến so với trước đây nhưng chưa mang tính tự nguyện cao, chủ yếu phụ thuộc rất lớn vào sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo các đơn vị và công tác tuyên truyền vận động. Hiện nay, số người tự nguyện 3 tháng đến hiến máu một lần còn rất ít. Nguy cơ các bệnh viện thiếu máu phục vụ cho công tác cấp cứu và điều trị bệnh đang trong tình trạng báo động.

Xin kết thúc bài viết bằng thông điệp: “Hiến máu là cho thêm sự sống, cho thêm tiếng cười và vòng tay yêu thương”, “Một đơn vị máu có thể cứu sống được nhiều người bệnh”. Nhân dịp năm mới, mong sẽ có nhiều người dân thực hiện nghĩa cử cao đẹp này.

HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết