05/04/2010 - 21:30

Ông Đàm Hồng Hải, Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm:

Các bậc phụ huynh không nên cho trẻ sử dụng kẹo mút phát sáng

Những ngày vừa qua, không ít phụ huynh bất ngờ, băn khoăn trước thông tin kẹo mút phát sáng có chứa chất cực độc có thể gây ung thư, đột biến gien... Đây là mặt hàng bày bán ở các cổng trường học, các em học sinh rất ưa thích vì giá rẻ, mẫu mã đẹp, lại phát ra ánh sáng. Phóng viên Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với ông Đàm Hồng Hải, Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Cần Thơ, về vấn đề này. Ông Đàm Hồng Hải cho biết:

- Kẹo mút phát sáng là loại kẹo có phần đầu là viên kẹo bình thường và được gắn với một chiếc que nhựa. Trong que nhựa này có chứa một hỗn hợp dung dịch hóa chất, có khả năng phát ra ánh sáng khi tạo ra một kích xúc (khi xoe tròn que kẹo, bẻ gãy thân que, lắc nhẹ là nó phát ra ánh sáng).

* Xin ông nói rõ hơn về loại dung dịch hóa chất trong thân cây kẹo?

- Dung dịch này gồm có chất PAH (Poly aromatic hyratecarbon), dung môi Phtalate ester và chất chỉ thị màu. Khi hai chất đầu kết hợp với nhau sẽ có phản ứng oxy hóa, tạo năng lượng phát sáng trên thân cây kẹo, với màu sắc khác nhau tùy vào loại chất chỉ thị màu có sẵn. Hiện tượng này là một dạng phản ứng quang hóa (Chemiluminesce) không sinh nhiệt. Trong ngành sư phạm, chương trình giảng dạy cho học sinh về nguyên lý phát quang có thể áp dụng nhiều hóa chất khác nhau để có phản ứng tạo ra ánh sáng. Đặc biệt là chất hydrogen peroxide (H2O2) tác dụng với chất phenyl oxalate ester (chứa trong ống nhựa tạo ra ánh sáng nhiều màu).

Kẹo mút phát sáng với bao bì thiết kế nhiều màu sắc bắt mắt. 

Đối với chất PAH, là một dạng hóa chất đa vòng thơm, tùy theo cấu trúc của công thức phân tử mà có những tên khác nhau và mức độ gây độc tùy thuộc từng loại khác nhau như: Benzopyren, có nhiều trong khói thuốc lá, trong chất đốt không hoàn toàn, khói xe. Chúng cũng có thể hiện diện trong các loại ngũ cốc, thịt chiên rán... nhưng ở mức không đáng kể. Tiêu chuẩn Benzopyrene trong nguồn nước uống là dưới 0,2 ppb (0,2 phần tỷ); chất Naphthalene (thành phần chính của viên băng phiến), benzo-fluoranthene, Fluorene (tiêu chuẩn trong nguồn nước uống là dưới 400 ppb); tiêu chuẩn các chất trên trong không khí là dưới 4ppb... Một số chất PAH cũng được dùng trong công nghiệp như dung môi các chất nhũ dầu. Các chất này có khả năng gây ung thư phổi, gan, đột biến gien, gây quái thai khi tiếp xúc lâu dài - đặc biệt qua đường hô hấp. Một số công trình nghiên cứu cho rằng khi bà mẹ tiếp xúc thường xuyên với hóa chất dạng này ở liều cao thì đứa trẻ sinh ra sẽ có chỉ số thông minh (IQ) thấp.

* Tại sao ngành chức năng tiến hành kiểm tra, thu hồi và tiêu hủy sản phẩm kẹo mút phát sáng, thưa ông?

- Việc Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bộ Y tế chỉ đạo cho ngành y tế cả nước kiểm tra, thu hồi và tiêu hủy loại kẹo phát sáng này nhằm để ngăn ngừa tác hại có thể xảy ra khi trẻ em sử dụng nó. Trong quá trình sử dụng, các em có thể vô tình nhiễm dung dịch có trong thân que kẹo vào miệng, đây là yếu tố nguy cơ cao có thể dẫn đến tác hại cho sức khỏe về lâu dài. Đặc biệt ở những đứa trẻ “nghiện” dùng sản phẩm này. Hơn nữa, các sản phẩm này thuộc diện trôi nổi trên thị trường, không có đăng ký kiểm tra chất lượng.

* Nhân đây ông có khuyến cáo gì đối với phụ huynh học sinh và các chức năng?

- Trước hết, chúng tôi muốn đề nghị các bậc phụ huynh không nên cho trẻ em mua và ăn loại kẹo mút phát sáng này. Đối với các loại bánh kẹo khác, khi chọn mua cần xem nhãn mác, nguồn gốc (cảnh giác cao đối với các sản phẩm của Trung Quốc). Phần lớn các sản phẩm này được bày bán ở gần trường học, vì thế phụ huynh và thầy cô nên có lời khuyên và giải thích độ độc hại đối với sản phẩm kẹo mút phát sáng để các học sinh có ý thức không mua loại kẹo này ăn.

Theo tôi biết, Đoàn kiểm tra liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm TP Cần Thơ do thanh tra Sở Y tế chủ trì đã ra quân kiểm tra, tịch thu các loại kẹo này. Chi cục ATVSTP đã có công văn ngày 31-3-2010 về kế hoạch giám sát, kiểm tra gởi cho các quận, huyện. Chúng tôi đề nghị Đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP cấp quận, huyện cần khẩn trương tiến hành kiểm tra tình hình mua bán sản phẩm bánh kẹo tại địa phương. Đặc biệt, trạm y tế kết hợp với các ban, ngành ở phường, xã, thị trấn có động thái kiểm tra, phát hiện và thu hồi, tiêu hủy sản phẩm này (chú ý các điểm mua bán bánh kẹo xung quanh cổng trường).

* Xin cảm ơn ông!

HUỆ HOA (thực hiện)

Chia sẻ bài viết