02/10/2010 - 21:18

"Ca sĩ kiêm nhạc sĩ" nửa mùa !

“Ca sĩ kiêm nhạc sĩ” Bảo Thy đang được cư dân mạng phong tặng danh hiệu “Nữ hoàng đạo nhạc”. Ảnh: vtc.vn

Gần đây, các chương trình ca nhạc sân khấu hay trên màn ảnh nhỏ thường xuyên nghe giới thiệu: “Ca khúc do chính ca sĩ sáng tác và trình bày”. Phải chăng việc sáng tác nhạc thể hiện sự “đa tài” của một số ca sĩ trẻ hiện nay? Có một số thành công ít ỏi nhưng đa phần các “ca sĩ kiêm nhạc sĩ” kiểu này đã làm cho nhạc Việt thêm tuột dốc và “xuống giá”.

Số ca sĩ có những sáng tác được người yêu nhạc đón nhận đến nay vẫn đếm trên đầu ngón tay: Lê Cát Trọng Lý với “Chênh vênh”, Mạnh Quân với “Thiên đường gọi tên” trong chương trình “Bài hát Việt”, Lam Trường với “Cho bạn, cho tôi”... Dù những ca khúc này chưa thật sự xuất sắc nhưng giai điệu, ca từ trong sáng, dễ nghe và quan trọng là “thuần Việt”.

Hàng loạt ca sĩ trẻ hiện nay đang có xu thế “biến” mình thành nhạc sĩ. Trong chương trình “Album vàng” tháng 9-2010, nữ ca sĩ Đ.N. tự quảng cáo album sắp ra mắt tập hợp những ca khúc do chính cô tự sáng tác và trình bày. Nhưng khi cô hát bài “Baby Milo” trong album thì người nghe “cười ra nước mắt”. Ca khúc gì mà tiết tấu ngang ngang, chỉ nghe tiếng nhạc “ù ù”. Ca từ có nhiều câu vô nghĩa, tiếng Tây-ta lộn xộn: “Baby là anh đó, baby thật xinh trai. Baby đội nón hiphop, áo Baby Milo cùng quần tụt. Baby làm quen bé, baby thật ga lăng. Baby tặng bé chocolate thơm ngon với chú gấu xinh Teddy. Và rồi mến thật nhiều, nhớ thật nhiều. Nhểnh mặt lời nói ngại ngùng lời nói ngại ngùng của baby. Rồi rất muốn gặp baby, rất muốn được yêu thương. Được baby xinh trai chở đi ăn kem nè”...

Điểm chung của những ca khúc “tự sáng tác” là từ ngữ “Tây – ta, Việt – Hoa hỗn độn”. Nhạc thì lủng củng, ngang ngang, không cảm xúc. Đáng trách nhất là sự pha trộn vô tội vạ tiếng nước ngoài: “I’m sorry so sorry...” (trong “Sorry” – B.T.), “Baby, don’t leave me alone...” (trong “Bối rối” – Đ.N.), “Honey! I’m sorry ... Can you feel my heart beat now...” (trong “Lạnh lùng”- Đ.N)... Các “ca sĩ kiêm nhạc sĩ” này bộc lộ lỗ hổng lớn kỹ năng dùng tiếng Việt. Có lúc “bí” từ ngữ quá nên kéo một từ mà ngân đến 2, 3 khoảng âm và đệm vào những tiếng “ứ, ư”...

Một ca sĩ trẻ luôn có những sáng tác dưới trung bình nhưng lại tuyên bố: “Không biết những ca sĩ khác thì sao nhưng với tôi, sáng tác ca khúc quá dễ!”. Than ôi! Sáng tạo nghệ thuật phải có một quá trình khổ luyện và một trái tim nồng nhiệt với nghệ thuật, chứ chỉ qua vài lớp học nhạc sơ cấp sao có thể làm nhạc sĩ!?

Đáng trách hơn, là kiểu muốn làm “ca sĩ kiêm nhạc sĩ” còn đạo nhạc, ăn cắp giai điệu, ý tưởng của các ca khúc nước ngoài mà một số người “xào nấu” lại. Đã có không ít “chàng”, “nàng” đã được mệnh danh là “Ông hoàng đạo nhạc”, “Nữ hoàng đạo nhạc”!

Thật ra, hiện tượng trên không chỉ chuyện muốn nổi tiếng, chứng tỏ tài năng, bản lĩnh của mình của những ca sĩ “ráng” làm nhạc sĩ- mà còn vì lợi nhuận. Nếu may mắn, ca khúc được khán giả trẻ thích, được các công ty nhạc chuông mua lại thì lợi nhuận càng cao.

Chuyện “ca sĩ kiêm nhạc sĩ” nửa mùa đã và đang làm cho bộ mặt nhạc Việt thêm “xấu xí”. Đáng lo là đối tượng hướng đến là tuổi mới lớn, đang định hình nhân cách và cần có định hướng về chân – thiện - mỹ. Những ca khúc nội dung nhảm nhí, sáo rỗng, ca ngợi lối sống ích kỷ... đang tạo nên những tác động xấu đối với giới trẻ.

Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết