04/07/2013 - 20:34

Buồn ngay đầu vụ hè thu!

Vùng áp thấp trên Biển Đông hồi giữa tháng 6 vừa qua không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động khai thác nhưng phương hại lớn đến vùng nội đồng của tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu. Trời ui ui rồi mưa dầm cả tuần làm trà lúa hè thu xanh um như cỏ phút chốc bị "ủ dột" trong nước. Không để lúa bị "chết ngộp", nhà nông lại ì ạch dùng máy "tát nước" để cứu vãn tình thế nguy cấp. Song, những gì còn sót lại sau mưa tạnh, nước rút,…khiến những người "một nắng hai sương" buồn rười rượi…

Đồng ngập nước

Đưa chúng tôi thực tế đồng lúa ở ấp 4, Tân Dân, Tân Thời, Tân Hiệp thuộc TP Cà Mau… vừa bị ngập trong đợt mưa dầm giữa tháng 6, anh Quách Thanh Nhã, Phó Chủ tịch UBND xã An Xuyên, TP Cà Mau, cho hay, mấy trận mưa đầu vụ làm An Xuyên thiệt hại hàng trăm héc-ta lúa, có nơi mất trắng. Trà lúa hè thu này, xã xuống giống hơn 1.100 ha nhưng có hơn 659 ha bị thiệt hại (456 ha bị thiệt hại hoàn toàn, còn lại thiệt hại từ 50% trở lên…

Trò chuyện cùng ông Phạm Hoàng Anh, nông dân vùng trồng lúa Tân Hiệp mới biết, đợt mưa vừa qua làm ngập toàn bộ 1,2ha lúa nhà ông khiến ông phải sạ lại. Ông cho hay đây là lần sạ thứ 3 kể từ đầu vụ hè thu. Lần đầu mới sạ, mạ gặp nắng cục bộ, úa vàng. Lần 2 xuống giống không đạt vì bị lũ chim, chuột, dế… cắn phá dữ dội. Ông cho trục lại toàn bộ đồng lúa nhà mình sạ lại lần thứ 3. Mạ xanh um bất ngờ bị mưa, ngập không còn thấy đọt. Khơi lại chuyện sạ lúa, ông Hoàng Anh van vái: "Lạy trời đừng sự cố gì nữa cho tôi nhờ. 3 lần sạ lại, chi phí mọi thứ "ngốn" của tôi hơn 15 chai (15 triệu đồng) rồi".

Cùng cảnh ấy, lão nông Lữ Vũ Bình, Trưởng ban nhân dân ấp Tân Hiệp vừa bị thiệt hại hơn 70% do lúa bị ngập trên cánh đồng hơn 1ha nhà mình. Ông than vãn: "Làm lúa giờ khó ăn lắm vì vật tư nông nghiệp, giống, nhân công…cái gì cũng tăng. Vậy mà ông trời hổng thương cứ "làm tình làm tội" hoài. Với đà này, cuối vụ làm có trúng thì cũng không còn dư bi nhiêu, có khi phá huề".

Cánh đồng mẫu lớn Hồng Dân liên kết, hỗ trợ của  AGPPS tạo điều kiện để tam nông tỉnh Bạc Liêu bứt phá. 

Trà lúa hè thu 2013, Cà Mau dự kiến xuống giống trên 35.250 ha ở những vùng ngọt phía Bắc như: Trần Văn Thời, Thới Bình, U Minh. Song, mưa dầm cả tuần giữa tháng 6 làm ngập phần lớn ruộng lúa, chủ yếu giai đoạn từ 20-25 ngày tuổi. Qua rà soát, thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh này, đã có hơn 11.700ha lúa ngập phải sạ lại lần 2. Nặng nhất là huyện Trần Văn Thời, Thới Bình. Nhà nông kiên quyết tốn thêm chi phí sạ lại lúa chứ không để đất hoang, kỳ vọng "trời thương" cho được mùa, được giá vào cuối vụ.

"Tới họng" mà nuốt không trôi

Cùng cảnh lúa ngập như Cà Mau là vùng Tam giác Ninh Quới, thuộc huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) gồm một phần thị trấn Ngan Dừa, xã Ninh Hòa, Ninh Quới và Ninh Quới A. Vụ hè thu 2013 đang cao điểm thu hoạch thì bất ngờ xuất hiện mưa dầm. Hàng ngàn héc-ta lúa của hơn 9.000 nông hộ vùng này bị nước "bủa vây". Trong số ấy, mưa dồn dập đã làm khoảng 500ha lúa cận ngày thu hoạch ở vùng này phải "chèm bẹp" trong nước. Nhà nông trong vùng phải thu hoạch vội để gỡ gạc lại chi phí. Ông Võ Công Cuộc, ấp Ninh Điền (xã Ninh Quới) vừa thu hoạch thủ công 7 công lúa ngập, trách móc: "Chỉ vài hôm nữa là tới ngày thu hoạch vậy mà bị "trời hại" làm lúa đổ ngã hết, phải thuê nhân công giá gấp đôi so với thuê gặt bằng máy. Lúa ướt, giá thấp, sau khi bán hết chỉ thu lại vốn đầu tư. Đúng là "tới họng ăn mà nuốt không trôi"!".

Cách nhà ông Cuộc không xa, bà Nguyễn Thị Khanh, ấp Ninh Lợi (xã Ninh Quới) vừa thu hoạch xong 11 công lúa sập, ngao ngán cho biết: "Đồng lúa lễnh lãng nên máy gặt đập liên hợp không vào được, phải thuê gặt tay giá gấp đôi. Tới lúc gặt xong, tôi phơi liên tục 3 ngày liền nhưng lúa trở màu ngà ngà, đen muốn hơn da tay của ông xã nhà tôi. Thấy lúa xấu quá nên tụi thương lái "chãnh chẹ", mua 3kg mà chỉ 10.000 đồng, rẻ như rau tươi. Vô thế kẹt phải bán cho họ cứ biết sao bây giờ. Với giá ấy, không bị thâm vốn là hên".

Vài nơi tại Cà Mau, nhà nông phải mua mạ cấy lại ruộng lúa bị ngập để kịp thời vụ.

Cũng như nhiều loại cây trồng khác, làm lúa vô cùng vất vả và đối mặt nhiều rủi ro, đặc biệt thời tiết và dịch bệnh. Hơn 3 tháng trời ròng rã lúa mới cho thu hoạch. Song, những nhà nông dãi nắng dầm sương chưa chắc đã thu được lợi nhuận như mong muốn vì có những chuyện bất thường do "ông trời". Bà con cam chịu vì chuyện của thiên nhiên. Song, khi hạt lúa đã chất đầy trên sân, người trồng lúa cũng không định đoạt được "chiến lợi phẩm". Ông Trịnh Hoàng Thái, ấp Tà Ben (xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân), ủ rũ: "Lúa đã vào tận nhà nhưng muốn bán phải thông qua "cò" trung gian, nếu không sẽ rất khó bán hoặc bán cho tụi thương lái mua giá "tầm bậy tầm bạ". Tính ra, "làm cò lúa" ngon hơn trồng lúa, rảo rảo đi ăn nhậu mà có tiền, "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" như tụi tui nhưng thu nhập quá hẻo".

Gỡ khó cho nhà nông

Để giúp người trồng lúa lãi 30%, những năm gần đây Chính phủ hai lần hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp thu mua tạm trữ lúa gạo. Vậy nhưng, đâu đó ở ĐBSCL không riêng gì Cà Mau và Bạc Liêu, nông dân vẫn than thân trách phận vì giá bán thấp, một mặt do nhà nông thiếu thông tin, chưa chủ động tìm kiếm đầu ra, phải thông qua "cò lúa", một mặt do bị cánh "hàng xáo" hè nhau ép giá… Thấy được những thiệt thòi của nhà nông, trong tháng 2-2013 vừa qua, Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) quyết định đầu tư và khởi công xây dựng nhà máy chế biến gạo Vĩnh Lộc (xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân). Vốn xây dựng nhà máy này đến 200 tỉ đồng, khi hoàn thành sẽ đạt công suất 200.000 tấn lúa mỗi năm. Dự kiến giai đoạn 1 của nhà máy này sẽ hoàn thành vào tháng 8-2013 này. Cùng với việc xây dựng, AGPPS còn phối hợp chính quyền địa phương và nông dân tỉnh Bạc Liêu triển khai kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Đây là hướng đi chiến lược để tam nông Bạc Liêu bứt phá, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.

Nông dân Danh Hoành, ấp Tà Ben (xã Ninh Hòa), phân tích: Nông dân trong vùng có 3 cái lợi lớn khi hợp tác với AGPPS. Trước hết là được AGPPS đầu tư lúa giống, các loại vật tư nông nghiệp (thu tiền vào cuối vụ lúa với giá rẻ hơn giá tại địa phương từ 10 - 13%), không sợ mua nhầm hàng giả, hàng nhái kém chất lượng. Kế đó, nhà nông như tụi tui được hỗ trợ kỹ thuật sản xuất suốt vụ làm lúa, nhờ đó giảm được chi phí sản xuất, hạn chế dịch bệnh. Quan trọng hơn, chúng tôi được AGPPS bao tiêu toàn bộ lúa gạo theo giá thị trường, không phải lệ thuộc tụi "cò lúa" hoặc cánh "hàng xáo" "thừa nước đục thả câu" nữa.

Vụ hè thu 2013, AGPPS đã xây dựng vùng nguyên liệu bao tiêu lúa chất lượng cao gần 500ha tại huyện Hồng Dân và sẽ mở rộng lên 6.000ha ở vụ đông xuân tại 5 huyện, lần lượt là: Hồng Dân, Phước Long, Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu); Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) và Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang). Trong đó, Bạc Liêu chiếm 70% diện tích. Công ty cũng được Chính phủ giao xây dựng thương hiệu gạo Việt với tổng kinh phí 2.994 tỉ đồng ở những vùng lúa này . Hiện, có 3 loại giống được công ty xây dựng thương hiệu, đó là: OM 4218, OM 5451 và OM 7347. Đáng mừng hơn, chất lượng gạo của 3 loại giống trên đều được thị trường Nhật Bản chấp nhận. Vì vậy, cho dù thị trường lúa gạo thế giới biến động, nhưng gạo thương hiệu Việt với nhóm giống nêu trên vẫn giữ được giá cao – Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc AGPPS, cho biết.

Tỉnh Bạc Liêu có diện tích trồng lúa hơn 86.000ha, sản lượng đạt 950.000 tấn mỗi năm, sản lượng lúa hàng hóa mỗi năm hơn 400.000 tấn. Riêng tại Hồng Dân, tổng sản lượng lúa toàn huyện chỉ có 204.000 tấn/năm nhưng công suất chế biến của nhà máy chế biến gạo Vĩnh Lộc đạt 200.000 tấn. Đây là điều kiện tốt để thúc đẩy sản xuất lúa hàng hóa trong vùng phát triển mạnh thời gian tới. Ông Đặng Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lương thực Vĩnh Lộc, cho biết: Công ty cam kết xây dựng nhà máy chế biến gạo Vĩnh Lộc không chỉ trở thành một trung tâm sản xuất gạo chất lượng cao mà còn là trung tâm dịch vụ, một điểm sáng kinh tế để nâng cao mức sống của người dân trong khu vực… Chúng tôi xác định, đây chính là một nhà máy của bà con nông dân vì theo kế hoạch, sau ba năm đi vào hoạt động và có lãi, đến năm thứ 4 nhà máy sẽ được cổ phần hóa cho bà con nông dân trong vùng nguyên liệu. Theo đó, nông dân có cơ hội trở thành những chủ nhân thực sự và gắn bó thiết thân với nhà máy gạo ngay trên mảnh đất quê hương mình. Ông Võ Văn Út, Bí thư huyện ủy Hồng Dân, cho biết: "Ít có doanh nghiệp nào mạnh dạn đầu tư làm ăn trực tiếp với người nông dân như AGPPS. Công ty đã đưa trí thức về tận ruộng để chỉ dẫn nhà nông canh tác, tập tành cho bà con cách làm ăn mới trên cơ sở tôn trọng, hợp tác bền vững, lấy chữ tín làm đầu"...

Tính cả vùng giáp ranh, tổng sản lượng lúa hàng năm ở Cà Mau và Bạc Liêu trên 1,4 triệu tấn. Trong khi đó, vùng này hiện còn quá ít nhà máy có kế hoạch dài hạn cùng nông dân như AGPPS. Điều đó cũng đồng nghĩa, một vài nơi trong vùng, cánh nhà nông vẫn còn gặp tình cảnh "đục nước béo cò" hoặc tư thương ép giá sau mỗi vụ thu hoạch. Trong điều kiện vận chuyển còn bị hạn chế như hiện nay, cánh "hàng xáo" trôi nổi với phương tiện nhỏ có thể luồng lạch vào tận ruộng lúa thu mua với giá có lời nhiều nhất cho họ và họ cũng có thể guồng bỏ nhà nông khi thị trường lúa gạo chao đảo, bất lợi cho việc thu mua…

Bài, ảnh: HỮU TÙNG

Chia sẻ bài viết