04/05/2013 - 20:11

Bước phát triển của thành phố đầu nguồn sông Hậu

Thành phố Long Xuyên nhìn từ trên cao.

Không chỉ là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của tỉnh An Giang, TP Long Xuyên có vai trò quan trọng vùng ĐBSCL. Đặc biệt, thành phố đầu nguồn sông Hậu nằm trên trục hành lang kinh tế đô thị quốc gia và quốc tế, đầu mối giao thương hàng hóa trong tỉnh và khu vực. Những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Long Xuyên đã  tập trung mọi nguồn lực để xây dựng, phát triển thành phố quê hương Bác Tôn ngày thêm giàu đẹp…

Giai đoạn 1999 - 2009, thành phố đã có những bước phát triển vượt bậc. Nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao; đô thị phát triển rộng hơn, hiện đại hơn, kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật khá hoàn thiện. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội từng bước phát triển, chất lượng đời sống người dân ngày càng nâng cao. Ghi nhận và đánh dấu bước phát triển của thành phố, sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân Long Xuyên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 474/QĐ-TTg công nhận thành phố Long Xuyên là đô thị loại II trực thuộc tỉnh An Giang với vai trò là “Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và dịch vụ; là tỉnh lỵ của An Giang; là đầu mối giao thông quan trọng của vùng ĐBSCL và cả nước”.

Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng bình quân của Long Xuyên đạt 14,22%, cao hơn bình quân của tỉnh. Huy động các nguồn lực xã hội triển khai được 13 dự án chợ, siêu thị, trung tâm thương mại với tổng vốn đầu tư 230 tỉ đồng; nhiều khu đô thị mới được hình thành, hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ… Những kết quả trên là điều kiện quan trọng để đến năm 2015, Long Xuyên xây dựng hoàn chỉnh các tiêu chí đô thị loại II và phấn đấu được công nhận đô thị loại I vào năm 2020. Cụ thể, năm 2011, GDP bình quân đầu người đạt 55,6 triệu đồng, gấp đôi so với bình quân của tỉnh. Về cơ cấu kinh tế, tỷ trọng khu vực thương mại – dịch vụ chiếm 71,49%, công nghiệp – xây dựng 25,1%, riêng tỷ trọng khu vực nông nghiệp giảm chỉ còn 3,41%. Năm 2012, mặc dù đối mặt với không ít khó khăn, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10,32%; GDP bình quân đầu người 62,5 triệu đồng; thu ngân sách đạt 474 tỉ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,71%...  Đặc biệt, thời gian qua thành phố thu hút và hình thành nhiều hoạt động thương mại – dịch vụ chuyên nghiệp trên địa bàn: Siêu thị Metro, Co.opmart, Vinatex Mart, Điện máy Chợ Lớn, Siêu thị Nguyễn Kim… Lĩnh vực tài chính - tín dụng ngày càng phát triển. Cụm công nghiệp Mỹ Quý là một trong những thành công về mời gọi đầu tư của TP Long Xuyên, thu hút được 4 doanh nghiệp thuê 13,2 héc-ta, lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp tại đây. Tổng vốn đầu tư gần 415 tỉ đồng, công suất chế biến biến 28.000 tấn nguyên liệu/năm. Các nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu ở Cụm công nghiệp Mỹ Quý góp phần giải quyết việc làm cho gần 8.000 lao động.

Thành phố Long Xuyên cũng tập trung mọi nguồn lực để đầu tư các công trình, dự án trọng điểm góp phần chỉnh trang đô thị, tạo sự thông thoáng cho việc lưu thông vào các dịp lễ, Tết, thu hút khách tham quan, du lịch. Có thể kể đến: Khu hành chính thành phố, kè hai bên bờ sông Long Xuyên, đường tránh TP Long Xuyên, đường giải thoát giao thông Nam Trà Ôn, đường trục Đông Thạnh, chợ Long Xuyên, Trung tâm Thương mại Mỹ Xuyên; dự án thoát nước và xử lý nước thải, hoa viên nghĩa trang, dự án Khu đô thị Tây Sông Hậu...

Đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, song phải nhìn nhận rằng kết cấu hạ tầng của thành phố vẫn chưa thật sự theo kịp nhu cầu phát triển, đáp ứng kỳ vọng của chính quyền và nhân dân. Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi như: Rạch Cái Sơn, Tầm Bót, Bà Bầu, Ông Mạnh… Muốn phát triển bền vững, đạt mục tiêu, định hướng đề ra TP Long Xuyên cần đẩy mạnh đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, chăm lo cho giáo dục, y tế, thể dục thể thao; làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch…

Bài, ảnh: Minh Khôi

Năm 2013, thành phố Long Xuyên phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, tăng nguồn lực đầu tư phát triển, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Tốc độ tăng trưởng GDP tăng 11,5%; GDP bình quân đầu người đạt 71 triệu đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 0,5%…

 

Chia sẻ bài viết