24/10/2021 - 08:44

Búng Xáng và địa danh có thành tố “Búng” ở ÐBSCL 

Công trình nâng cấp, cải tạo hồ Búng Xáng ở phía sau Trường Ðại học Cần Thơ, nối dài từ rạch Ngỗng đến hẻm 51, đường 3 Tháng 2, quận Ninh Kiều, tạo diện mạo mới cho đô thị Cần Thơ. Ðịa danh Búng Xáng vì vậy được nhắc đến khá nhiều. Tuy nhiên, nhiều người, kể cả văn bản hành chính, vẫn viết là Bún Xáng thay vì Búng Xáng. Bài viết sau đây sẽ lý giải rõ hơn về nguồn gốc địa danh này.

Cảnh đẹp ở Búng Xáng bây giờ.

 “Búng” là gì?

Trước hết, cần khẳng định viết đúng phải là “Búng” thay vì “Bún”. “Bún” là từ chỉ một loại thực phẩm làm bằng tinh bột, ứng vào các địa danh ở ÐBSCL gần như vô nghĩa, trừ cá biệt một số làng nghề làm bún, như Xóm Bún - địa danh dân gian ở quận Ninh Kiều.

Còn “Búng” là từ chỉ địa hình tự nhiên ở Nam Bộ, được đặt địa danh theo mô-típ quen thuộc: “Từ chỉ địa hình tự nhiên + đặc trưng, đặc tính”. Ví dụ như Búng Lớn, Búng Tàu, Búng Bình Thiên... hay tương tự là Rạch Gừa, Lung Tràm, Xẻo Ðế, Kinh Ngang, Vàm Váng...

“Búng” là từ được người Nam Bộ dùng rất lâu đời trong xác định địa hình tự nhiên. Trong quyển “Ðại Nam Quốc âm Tự vị” của tác giả Huình-Tịnh Paulus Của, ấn bản tại Sài Gòn từ năm 1896, đã có mục từ “Búng” với giảng nghĩa như sau: “Búng: Chỗ nước sâu làm ra một vùng” và dẫn chứng: “Nước búng: Nước trong chỗ búng”.

Công trình “Từ điển Phương ngữ Nam Bộ” do Nguyễn Văn Ái chủ biên (NXB TP Hồ Chí Minh, 1994) cũng có mục từ “Búng”, và giảng nghĩa rằng: “Búng, danh từ, đầm nước. Vô búng. Tát búng”. Về sau, tác giả Huỳnh Công Tín trong công trình “Từ điển Từ ngữ Nam Bộ” (NXB Khoa học xã hội, 2007) giải nghĩa mục từ “Búng”: “Một đoạn sông, kênh phình ra và sâu, hoặc chỗ lõm sâu ở ngã ba sông, ngã tư kênh”. Ngoài ra, trong công trình này, tác giả Huỳnh Công Tín có thêm mục từ “Búng tàu”, với giảng nghĩa: “Chỗ nước rộng và sâu, ghe tàu thường neo đậu”.

Qua 3 giảng nghĩa mục từ, tạm cho đây là những định nghĩa về địa hình búng, các tác giả đều giống nhau ở nhận định: “Búng” là chỗ nước rộng và sâu. Riêng tác giả Huỳnh Công Tín có những diễn giải cụ thể hơn, góp phần phân biệt búng với các địa hình tương tự như xép, láng, lung...

Một số địa danh có thành tố “Búng”

Nhắc đến địa danh có thành tố “Búng”, hẳn sẽ phải nhắc đến đầu tiên địa danh Búng Bình Thiên ở huyện An Phú, tỉnh An Giang. Ðây là búng có diện tích rất lớn, với khoảng 200ha, tạo nên một cảnh quan sông nước kỳ thú cho vùng đất bán sơn địa này. Búng Bình Thiên gồm có Búng Nhỏ và Búng Lớn, nằm giữa sông Hậu và sông Bình Di, thuộc các xã của huyện An Phú như Nhơn Hội, Khánh Bình, Quốc Thái... Có lẽ đây là búng có diện tích lớn bậc nhất trong các búng ở ÐBSCL.

Tên gọi Búng Bình Thiên được lý giải với truyền thuyết ly kỳ về sự linh ứng của dòng nước nơi đây, phù hộ cho binh tướng nhà Tây Sơn (truyền thuyết 1) hoặc Nguyễn Ánh (truyền thuyết 2). Nhưng, nhiều người vẫn nhắc đến Búng Bình Thiên là hồ nước trời ban vì sự trù phú sản vật, cảnh đẹp như một bức tranh thủy mặc, nhất là vào mùa nước nổi. Những năm trước, vào dịp Quốc khánh hằng năm, huyện An Phú đều tổ chức Lễ hội Mùa nước nổi Búng Bình Thiên với quy mô lớn. Nhiều hoạt động ngay trên mặt búng như sân khấu văn nghệ nổi, thuyền hoa trên sông, thả cá về búng... thu hút đông đảo du khách.

Một địa danh cũng rất nổi tiếng là Búng Tàu, nay đã trở thành thị trấn Búng Tàu, thuộc huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Búng Tàu là địa danh dễ lý giải, như cách giảng nghĩa của tác giả Huỳnh Công Tín trong “Từ điển Từ ngữ Nam Bộ”. Do búng rộng và sâu nên tàu, ghe lớn thường đến đây đậu, quay đầu cũng dễ, lâu dần bà con gọi là Búng Tàu.

Ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ cũng có nhiều địa danh mang thành tố “Búng”. Nổi bật là Búng Lớn và cầu Búng Lớn trên đường vào xã Trường Thắng. Trên tuyến lộ từ thị trấn Thới Lai đi xã Trường Xuân A cũng có cái cống lớn, đặt tên là Cống Búng Lớn.

Qua thực địa, chúng tôi cũng phát hiện được những địa danh có thành tố “Búng” rất hay ở tỉnh Ðồng Tháp. Ví dụ như Búng Ghe Bầu ở TP Sa Ðéc. Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, nơi đây là vùng nước sâu, mặt nước phẳng lặng, một thời đông đúc ghe tàu neo đậu nên gọi là Búng Ghe Bầu. Các ghe bầu từ miền Trung vào, chở hàng hóa đi bán, nhất là tủ, bàn, mây tre... Hay ở huyện Châu Thành thì có Búng Hang Mai. Búng rộng chừng 4.000m2 khi nước lớn, có năm cá nược từ rạch Cái Xép vào rồi nổi lên ở Búng Hang Mai này.

Viết đúng phải là Búng Xáng

Như đã trình bày ở trên, vậy, địa danh Búng Xáng hay hồ Búng Xáng ở quận Ninh Kiều viết đúng phải là Búng Xáng, thay vì Bún Xáng như nhiều người vẫn lầm tưởng.

Biểu diễn đờn ca tài tử trong Lễ hội Mùa nước nổi Búng Bình Thiên.

Ðiều thú vị của địa danh Búng Xáng ở Cần Thơ là có sự kết hợp giữa địa hình tự nhiên (“Búng”) và yếu tố nhân tạo “Xáng” chứ không như những địa danh có thành tố “Búng” thường thấy ở ÐBSCL, do thiên nhiên tạo thành. Ðiều này được lý giải rằng, trước năm 1967, Búng Xáng chỉ là búng nhỏ nối từ rạch Ngỗng vào. Ngày 31-3-1966, Viện Ðại học Cần Thơ chính thức được thành lập, gồm đủ các phân khoa của một viện đại học quốc gia và những trường cao đẳng chuyên môn cần thiết cho việc phát triển miền Tây trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội. Chỉ 1 ngày sau đó, một buổi lễ công bố sắc lệnh thiết lập Viện Ðại học Cần Thơ được cử hành long trọng tại Công trường Tự Do, đường Hùng Vương, Cần Thơ. Ðể đáp ứng nhu cầu cơ sở vật chất cho việc dạy học, nghiên cứu, ngày 5-4-1967, Viện được cho phép sử dụng một khu đất rộng gần 87,5ha gần Rạch Ngỗng (tờ bản đồ số 4) để xây dựng cơ sở thứ 2. Bây giờ là khu II, Trường Ðại học Cần Thơ, tọa lạc trên đường 3 Tháng 2, quận Ninh Kiều.

Lúc bấy giờ, nền đất của Khu II, Viện Ðại học Cần Thơ còn thấp, trũng lầy nên để tôn nền đất lên cao, Viện đã cho máy xáng vào, múc, thổi đất từ búng lên làm nền, nên búng trở nên rộng và sâu, người dân quen gọi là Búng Xáng. Nói chung, Búng Xáng là địa danh được ghép từ hai thành tố: “Búng” - vùng đất ngập sâu và rộng, “Xáng” - đào đất lên bằng chiếc xáng.

Ngày 28-6-2016, UBND TP Cần Thơ phối hợp Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ, khởi công xây dựng công trình Hồ Búng Xáng, thuộc Dự án nâng cấp đô thị vùng ÐBSCL - Tiểu dự án TP Cần Thơ. Dự án hồ Búng Xáng có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp TP Cần Thơ chống ngập khi triều cường và mưa bão, cải tạo diện mạo đô thị nội ô. Tuy nhiên, có lẽ nhầm lẫn trong định danh Búng Xáng nên trong các văn bản liên quan đến công trình này và về sau, đều ghi là “Bún Xáng”.

Lại nói thêm về Búng Xáng trong ký ức của nhiều thế hệ sinh viên Trường Ðại học Cần Thơ. Mãi đến 2015 trở về trước, Búng Xáng đoạn phía sau Khu II, Trường Ðại học Cần Thơ vẫn còn u tịch với nhiều cây bần mọc ven búng, giữa là rau muống mọc kín. Những lúc nước rút cạn, lòng hồ trơ đáy, có người đi trên những đám rau muống được. Khi có nước, nhiều người bơi xuồng giăng lưới, cắm câu hay hái rau muống bán. Các sinh viên thì quen gọi khúc Búng Xáng này là “ao rau muống” với những hồi ức rất riêng, mỗi người một câu chuyện.

Bây giờ, ao rau muống không còn, Búng Xáng cũng thoáng mát, khang trang hơn rất nhiều, tạo điểm nhấn cho đô thị Cần Thơ. Ðịa danh Búng Xáng và Hồ Búng Xáng cũng được ghi nhớ như một “tấm bia lịch sử” về vùng đất này. Vậy nên, cần tránh những sai lệch không đáng có khi viết về địa danh này để bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều người còn đưa ra ý kiến rất hay rằng nên giữ cho bằng được tên gọi Búng Xáng cho công trình này và đoạn đường nối từ hẻm 51, đường 3 Tháng 2 qua đường Nguyễn Văn Trỗi (phía sau Trường Ðại học Cần Thơ, ven Búng Xáng) cũng nên đặt là đường Búng Xáng để giữ đúng đặc trưng vốn có.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết