31/08/2019 - 18:29

Bundesliga “dậy sóng” vì luật bóng chạm tay 

Luật mới về bóng chạm tay cầu thủ được kỳ vọng sẽ giúp các trận đấu công bằng hơn, nhưng thực tế nó lại đang gây ra những bối rối ở giải vô địch quốc gia Đức (Bundesliga).

 Các cầu thủ Schalke 04 phản ứng quyết liệt với trọng tài trong trận gặp Bayern Munich. Ảnh: AP

Hai quyết định trong trận đấu giữa hai câu lạc bộ Schalke 04 - Bayern Munich và những cuộc đối đầu khác tại giải Bundesliga hôm 24-8 đã khiến cầu thủ, cổ động viên, huấn luyện viên và cả các cựu trọng tài nghi ngờ những thay đổi về luật bóng chạm tay giúp ích gì cho môn thể thao vua. “Điều chỉnh luật bóng chạm tay nhiều lần đã khiến bóng đá ngày càng tệ hơn”, Niclas Fullkrug chia sẻ sau khi anh bị tước mất bàn gỡ hòa trong trận thua Hoffenheim 2-3. Tiền đạo của Werder Bremen nghĩ rằng bàn thắng hợp lệ, nhưng công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR) đã can thiệp sau khi bóng chạm vào cánh tay anh. Còn cựu trọng tài Thorsten Kinhofer thừa nhận điều khiến ông buồn là có sự khác biệt giữa bóng chạm tay tiền đạo và hậu vệ, nó dẫn đến những cuộc tranh luận không có hồi kết. Ông Kinhofer bức xúc như thế khi xem lại tình huống CLB Freiburg không được hưởng penalty sau cú đá phạt của Jerome Gondorf, bóng tìm đến cánh tay hậu vệ Christian Strohdiek bên phía Paderborn. Còn HLV Schalke 04 David Wagner giận dữ đòi phải có lời giải thích rõ ràng khi đội bóng ông bị “cướp” 2 quả phạt đền trong trận thua Bayern Munich 0-3 (bóng trúng tay Benjamin Pavard và Ivan Perisic trong vòng cấm).

Trước đây, quy định về bóng chạm tay được áp dụng dựa trên lỗi cố ý của cầu thủ. Nhưng kể từ ngày 1-6-2019, Hội đồng Liên đoàn Bóng đá Quốc tế (IFAB) quyết định bàn thắng được ghi hoặc được kiến tạo từ một cầu thủ vô tình để bóng chạm tay sẽ không được tính. Dù vậy, cũng có những tình huống cụ thể mà trọng tài quyết định thổi phạt hay không. Chẳng hạn, trọng tài sẽ quyết định một quả đá phạt nếu bóng đi vào khung thành sau khi chạm bàn tay hoặc cánh tay của cầu thủ tấn công. Điều tương tự cũng xảy ra với trường hợp cầu thủ sở hữu bóng sau khi bóng rời khỏi tay và rồi lập công hoặc tạo cơ hội ghi bàn. Ngoài ra, “vua áo đen” cũng sẽ cắt còi nếu bóng chạm bàn/cánh tay cầu thủ khi cơ thể anh ta lớn bất thường (tức cánh tay đưa ra) hoặc tay giơ cao hơn vai.

“Những gì chúng tôi xem xét kỹ là các tình huống tấn công bởi đó là nơi cầu thủ sẽ hưởng lợi thế một cách không công bằng nếu sở hữu bóng sau khi nó tiếp xúc với cánh hoặc bàn tay”, Giám đốc kỹ thuật IFAB, David Elleray, giải thích. Kết quả trận chung kết Champions League giữa Liverpool và Tottenham lẽ ra đã khác hoàn toàn (thực tế là 2-0) nếu luật mới được áp dụng. Mặc dù “nội chiến Anh” diễn ra vào ngày 1-6 vừa rồi, nhưng vẫn không được áp dụng luật mới vì đây là trận cuối cùng của mùa 2018-2019. Liverpool đã mở tỷ số từ quả đá phạt đền do trước đó Moussa Sissoko của Tottenham để tay chạm bóng trong vòng cấm. Nhưng đây được xem là quyết định quá nặng bởi bóng chạm ngực anh ta trước rồi mới đến cánh tay. Theo quy định mới, một số trường hợp sau đây sẽ không bị thổi phạt: bóng chạm bàn/cánh tay cầu thủ ngay sau khi rơi từ đầu, cơ thể, chân của cầu thủ đó hoặc từ những bộ phận này cũng cầu thủ khác. Bóng chạm bàn/cánh tay đang khép sát cơ thể và cơ thể không lớn bất thường.

BÌNH DƯƠNG (Theo AP, Goal)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Bundesliga