09/08/2013 - 12:55

Bong gân, không phải chuyện đùa

Bong gân chỉ các tổn thương chủ yếu dây chằng, các cơ giữ vững khớp, kèm theo tổn thương bao khớp liên quan. Nhiều trường hợp người bệnh nhầm tưởng bong gân là tổn thương gân cơ đơn thuần và thường tự điều trị theo những bài thuốc “rỉ tai nhau”, chưa được kiểm nghiệm hiệu quả. Hệ lụy là nhiều biến chứng đôi khi rất nặng nề như: nhiễm trùng khớp, viêm xương, giảm biên độ vận động khớp, cứng khớp, viêm khớp mạn tính, bỏng da (do sử dụng cồn xoa bóp không đúng cách)…, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe.

Anh Lâm Văn Lũy (43 tuổi, ở huyện Thới Lai) đến Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ để thăm khám nhiễm trùng cánh tay. Anh Lũy kể lại, lúc nhỏ anh bị té, gãy xương vùng cánh tay. Gần đây, anh làm nhiều việc nặng, cánh tay đau nhức trở lại. Nghe người quen mách bảo, anh chạy vạy tiền bạc, đến Đồng Tháp tìm thầy sửa tay. Ông thầy cho bài thuốc gồm: rau muống, mồng tơi, cỏ lá tre trộn lại, đắp lên cánh tay suốt ngày, trong vòng một tuần. Nhưng sau 4 hôm đắp thuốc, tay càng đau nhức, anh Lũy nhập viện điều trị. Bác sĩ Võ Văn Dành, Khoa Ngoại Chấn thương, BV Đa khoa TP Cần Thơ cho biết, BV tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân đau nhức xương khớp, tự ý đắp các loại lá, dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nặng, thậm chí có trường hợp nhiễm trùng huyết. Nguyên nhân do lá cây đắp không vô trùng, đặc biệt khi đắp vào vết thương hở, tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập cơ thể.

Bác sĩ Võ Văn Dành đang tư vấn cho bệnh nhân mắc bệnh xương khớp về tình trạng sức khỏe.

Bác sĩ Võ Văn Dành cho biết, bong gân diễn ra theo ba giai đoạn: viêm tấy cấp tính, phục hồi và giai đoạn tái tạo dây chằng và các mô khác. Các tổn thương chính của dây chằng và bao khớp gồm ba mức độ. Đó là: Bong gân độ 1 là các tổn thương chỉ rách một số thớ sợi dây chằng, dây chằng chỉ bị giãn; bong gân độ 2 rách nhiều thớ sợi của dây chằng. Tuy nhiên, các dây chằng vẫn giữ sự liên tục và chưa  gây tình trạng chênh vênh khớp. Còn bong gân độ 3, dây chằng bị đứt hoàn toàn, mất sự liên tục và gây tình trạng chênh vênh khớp. Bệnh nhân có thể chỉ đứt dây chằng thuần túy (kèm theo rách phần bao khớp kế cận) hoặc có khi làm bật mảnh xương ở nơi bám của dây chằng ở đầu trên hoặc dưới. Mức độ nặng nhất của bong gân độ 3 dẫn đến trật khớp xương, tổn thương nhiều dây chằng và tổn thương rộng lớn ở một khớp. Sau chấn thương, bệnh nhân thấy đau tự nhiên điển hình theo ba giai đoạn: đau chói “như điện giật” khi bị chấn thương; tê bì (hết đau) khoảng một vài giờ; đau nhức trở lại càng tăng, mặc dù khớp đã được bất động. Nếu xảy ra hiện tượng phù sớm là dấu hiệu bong gân nặng hoặc nghe tiếng “rắc” khi xảy ra tai nạn, là dây chằng đứt hoàn toàn. Các dấu hiệu lâm sàng của bong gân gồm phù nề khu trú, đôi khi có kèm theo bầm tím do máu tụ khu trú ở nơi dây chằng bị tổn thương hoặc tràn dịch chung toàn khớp.

Theo bác sĩ Võ Văn Dành, để điều trị cho bệnh nhân bong gân, cần điều trị viêm tấy cấp tính sau chấn thương và phục hồi, tái tạo các dây chằng (và các cơ) bị thương. Nếu điều trị phục hồi  và tái tạo dây chằng không hiệu quả thì viêm tấy bao khớp sẽ trở thành mãn tính và tồn tại vĩnh viễn. Trong điều trị viêm tấy cấp tính bao khớp, cần hạn chế chảy máu ở mức độ thấp nhất, nhờ vậy mà hạn chế phù nề do thoát máu ra ngoài mạch và chống đau nhức. Do đó, cố định vùng chi có bong gân; chườm đá lạnh (hoặc nước lạnh) gián cách nhau 20-30 phút, trong 4 giờ liền sau chấn thương; băng ép liên tục ít nhất 48 giờ; kê cao chi bị thương để kích thích lưu thông tĩnh mạch thuận lợi và làm tiêu hút nhanh chóng máu tụ. Dùng thuốc chống viêm ngay sau khi bị chấn thương, chậm nhất trong vòng 24 giờ để hạn chế hình thành phù nề.

Khi bị bong gân, bệnh nhân cần tránh đắp nóng hay uống rượu, ít nhất trong vòng 42-78 giờ đầu sau chấn thương vì làm giãn mạch và tăng thoát máu ra ngoài mạch dẫn đến phù nề; không được tiêm thuốc vào vùng bong gân khi chưa được chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, vì hệ lụy làm chậm sự phục hồi collagen, thậm chí gây nhiễm trùng. Bệnh nhân bong gân cũng không được xoa bóp, tập vận động vùng bị bong gân ở giai đoạn viêm tấy cấp tính, sẽ gây thêm tổn thương, làm chảy máu và phù nề. Cách tốt nhất để các dây chằng bị rách hoặc đứt phục hồi là kéo cho các đoạn đứt áp sát nhau, để phục hồi đúng chiều dài nguyên thủy và bất động bảo vệ chừng nào dây chằng  còn chưa liền vững. Như vậy, đối với bong gân độ 2, chỉ cần đơn thuần bất động bảo vệ đủ thời gian (4-6 tuần lễ). Đối với bong gân độ 3, tốt nhất là phẫu thuật sớm, khâu lại dây chằng và bất động bảo vệ đủ thời gian. Bệnh nhân tập vận động sớm (sau 2-4 tuần lễ sau phẫu thuật) khi được cán bộ y tế hướng dẫn và kiểm soát, thực hiện các động tác vận động đúng cách, giúp đạt hiệu quả tái  tạo dây chằng cho bệnh nhân. 

Bác sĩ Võ Văn Dành khuyến cáo, khi gặp vấn đề về các bệnh xương khớp nói chung, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám sớm, kịp thời điều trị mới đạt hiệu quả cao. Bệnh nhân không nên tự điều trị bằng các bài thuốc truyền miệng của những người không có chuyên môn, nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng, ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng.

Bài, ảnh: Hải Tiến

 

Chia sẻ bài viết