06/07/2013 - 12:46

Bộn bề thách thức cho Ai Cập thời “hậu Morsi”

Tổng thống lâm thời Ai Cập Adli Mansour. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mohamed Morsi đã bị lật đổ, lịch sử Ai Cập được cho đã “sang trang”. Tuy vậy, một loạt những thách thức vẫn hiện hữu và người lên thay được cho phải có đủ “can đảm” mới có thể đương đầu với những vấn đề gai góc của đất nước.

Ai Cập vẫn chưa yên

Thách thức đầu tiên đối với quân đội Ai Cập là việc một lần nữa họ lại gánh vác trách nhiệm lèo lái “con tàu” Ai Cập trước những “cơn sóng dữ”- điều đã từng xảy ra trong suốt 30 năm của chế độ Hosni Mubarak cho đến khi ông bị lật đổ vào năm 2011. Bên cạnh đó còn là khó khăn thực sự cho bất cứ ai ngồi vào chiếc ghế tổng thống vốn đã được chứng minh là “cực kỳ chua chát” trong suốt một năm cầm quyền vừa qua của ông Morsi.

Một trong những lý do khiến ông Morsi bị đẩy khỏi chiếc ghế Tổng thống Ai Cập chính là “không vực dậy” được nền kinh tế ảm đạm của đất nước. Gần ¼ lực lượng lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp, trong khi khoảng một nửa dân số Ai Cập có thu nhập tính trên đầu người chỉ 2 USD/ngày. Ngoài ra, phải kể đến việc Chính phủ Ai Cập vẫn còn nợ hàng tỉ USD giữa lúc nguồn ngoại tệ dự trữ gần như cạn kiệt. Giá cả các mặt hàng tăng vọt cùng với việc thiếu hụt nhiên liệu.

Về mặt lập pháp, Hiến pháp đã được phê chuẩn dưới thời ông Morsi hiện đã bị vô hiệu hóa, nghĩa là một quốc gia phân cực sâu sắc phải bắt đầu từ sự rời rạc để phát triển hệ thống những qui định và bộ luật chung. Có ý kiến cho rằng các nhà lãnh đạo mới ở Ai Cập cần phục hồi quyền lực Hiến pháp. Song để làm được điều đó, phải có sự đồng thuận từ đại đa số dân chúng, trong đó có tổ chức Huynh đệ Hồi giáo và những người ủng hộ ông Morsi. Yêu cầu trên dường như khó đạt được, nhất là ở thời điểm mà không ít người dân Ai Cập cảm thấy quyền dân chủ của họ đang bị “giày xéo” và tổ chức Huynh đệ Hồi giáo cũng vừa khẳng định họ không chấp nhận chế độ “độc tài” và không muốn tham gia vào bất cứ tiến trình nào do quân đội tiến hành. Khó khăn còn ở chỗ quân đội dù đã cam kết sẽ tiến hành bầu cử chọn tổng thống, song đến nay vẫn chưa đưa ra thời điểm cụ thể nào.

Hôm 4-7, nhằm thể hiện sự phản đối với cái mà gọi là “cuộc đảo chính quân đội” cũng như phản ứng việc Tổng thống lâm thời Ai Cập Adli Mansour bắt giữ ông Morsi và các lãnh đạo tối cao của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, những người ủng hộ ông Morsi đã tiến hành cuộc tuần hành lớn mang tên “Ngày phản đối” hôm 5-7. Thương vong cũng đã bắt đầu xuất hiện trong các cuộc biểu tình hôm 4-7.

Washington thận trọng

Việc quân đội hạ bệ ông Morsi và giành quyền tiếp quản Ai Cập đã đẩy Washington đến trước những lựa chọn khó khăn: Hoặc là phải lên án những gì xảy ra ở Ai Cập, coi đó là cuộc đảo chính chống lại Tổng thống được dân bầu và đình chỉ khoản viện trợ 1,5 tỉ USD hàng năm cho nước này; Hoặc là ông Obama phải có động thái phản ứng với phần lớn người dân Ai Cập bất mãn với chính phủ do tổ chức Huynh đệ Hồi giáo kiểm soát. Tuy nhiên, Washington đã chọn “giải pháp cân đối”, tức vừa thúc giục quân đội Ai Cập nhanh chóng trở về chính quyền dân sự, nhưng cũng ra lệnh quan chức Mỹ xem xét lại viện trợ cho Ai Cập. Điều đó cho thấy nỗi lo trong các cố vấn của ông Obama rằng nếu công khai đứng về phe nào, thì sẽ châm ngòi thêm cho tình trạng bạo lực khi các tay súng “lấy cớ” Mỹ can thiệp nội bộ Ai Cập. Phản ứng thận trọng trên cần thiết để duy trì quan hệ ngoại giao linh hoạt, đặc biệt tại vùng đất “nhạy cảm” đối với Washington như khu vực Trung Đông, theo Reuters.

THANH BÌNH  (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết