21/08/2012 - 21:57

PHIÊN HỌP THỨ 10, ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Bộ trưởng LĐ-TB&XH và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời chất vấn

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trả lời chất vấn. Ảnh: VGP

Tiếp tục phiên họp thứ 10, ngày 21-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn với một số thành viên Chính phủ. Phiên họp được thực hiện theo hình thức trực tuyến tới tất cả các Đoàn Đại biểu Quốc hội của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn và mời Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời chất vấn trong một ngày rưỡi về những vấn đề quan trọng mà các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước đang quan tâm. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH sẽ giải trình những vấn đề xung quanh chính sách việc làm, đào tạo nghề và xuất khẩu lao động. Thống đốc ngân hàng giải trình về giải pháp để khắc phục, giảm dần nợ xấu; vấn đề an ninh, an toàn của hệ thống tài chính tín dụng. Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ giải trình về những giải pháp đối với các vụ việc tồn đọng, kéo dài, bức xúc trong nhân dân, đặc biệt là những vụ liên quan đến đất đai; biện pháp theo dõi, xử lý hoặc thu hồi tài sản sau thanh tra; hoạt động thanh tra đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty...

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền là người mở đầu phiên chất vấn. Bộ trưởng đã trả lời các chất vấn liên quan đến các nhóm vấn đề: đào tạo nghề, đặc biệt là trong việc thực hiện chính sách đào tạo nghề, tạo việc làm đối với đồng bào dân tộc và việc quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam. Tham gia trả lời chất vấn còn có Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận và Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Tô Lâm.

* Tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề, quản lý có hiệu quả lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Đối với chính sách dạy nghề, tạo việc làm, câu hỏi của đại biểu xoay quanh các nội dung: Đào tạo nghề chưa tập trung, chưa xuất phát từ nhu cầu học nghề của lao động; chưa gắn với giải quyết việc làm, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương cũng như của doanh nghiệp. Mạng lưới cơ sở dạy nghề mở rộng nhưng chất lượng chưa đổi mới, đầu tư trang thiết bị dạy nghề chưa đồng bộ, đội ngũ giáo viên thiếu và yếu, chất lượng nguồn lao động chưa được cải thiện; chưa phát huy hiệu quả xã hội hóa đào tạo nghề. Việc thực hiện chính sách dạy nghề, tạo việc làm đối với đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) còn những bất cập, tỷ lệ lao động ĐBDTTS học nghề thấp, đa số học nghề ngắn hạn, chất lượng và thu nhập của việc làm chưa cao... Đại biểu Quốc hội còn chất vấn Bộ trưởng về việc quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thời gian qua thiếu chặt chẽ, lỏng lẻo về văn bản pháp luật và tổ chức thực hiện các quy định pháp luật... làm phát sinh một số bất cập trong công tác quản lý, giám sát...

Trong phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, thời gian qua, các địa phương chủ yếu đào tạo nghề ngắn hạn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, đã phát huy tốt hiệu quả dạy nghề, giải quyết việc làm tại chỗ; huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của lao động. Trong đó, địa phương chủ động trong xây dựng kế hoạch dạy nghề, việc làm phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sử dụng lao động. Theo báo cáo của các địa phương, đa số lao động có việc làm sau học nghề. Đối với việc ít lao động ĐBDTTS tham gia học nghề là do điều kiện kinh tế khó khăn, ngại đi xa, cách bố trí dạy nghề cho lao động ĐBDTTS chưa phù hợp. Sắp tới, Bộ sẽ đề xuất Chính phủ tăng cường hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách học nghề, mở rộng cơ sở đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động ĐBDTTS. Đối với việc quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện cũng như tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra thực hiện các quy định của pháp luật; tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan trong công tác quản lý, xử lý các trường hợp vi phạm...

Cuối phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao nội dung các câu hỏi của đại biểu và phần trả lời ngắn gọn, với thái độ cầu thị, nghiêm túc, thẳng thắn và trách nhiệm. Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, nhu cầu xã hội và địa phương, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề, chất lượng nguồn nhân lực cũng như chuyển dịch cơ cấu lao động địa phương; trong đó, chú trọng lao động ĐBDTTS, người nghèo, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Mặt khác, Bộ hoàn thiện các văn bản quy định pháp luật đối với lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; tăng cường công tác phổ biến pháp luật, quản lý tuyển dụng lao động phổ thông nước ngoài làm việc tại các dự án đầu tư, lao động không được cấp phép. Đồng thời, chú trọng liên kết với các Bộ liên quan quản lý tốt, đúng pháp luật đối với lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

* Ngân hàng Nhà nước luôn đảm bảo an toàn hệ thống

Chiều 21-8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã có buổi trả lời trực tuyến chất vấn của các đại biểu Quốc hội trong phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các câu hỏi chất vấn xoay quanh vấn đề nguyên nhân dẫn đến nợ xấu, hướng giải quyết của NHNN từ nay đến cuối năm; lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thực hiện đến đâu; đã có một số sai phạm của các tổ chức tín dụng (TCTD) thì trách nhiệm của Thống đốc đến đâu; việc lách trần lãi suất huy động nếu NHNN phát hiện sẽ xử lý ra sao?; các tiêu chí phân loại nợ xấu của Việt Nam đã phù hợp chưa; vốn cho các lĩnh vực ưu tiên vẫn chưa giải ngân nhiều. Nhiều đại biểu cho rằng, 5 nhóm giải pháp mà Thống đốc NHNN đề ra để giải quyết nợ xấu còn thiếu khả thi, việc ông Nguyễn Đức Kiên (nguyên là Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB) bị bắt có ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống ngân hàng không. Các đại biểu Quốc hội ở ĐBSCL nêu vấn đề người nuôi tôm, nuôi cá tra đang thua lỗ nặng nề (tôm chết, cá tra rớt giá) thì việc khoanh nợ cho những đối tượng này như thế nào...

Thống đốc NHNN đã có văn bản giải trình gởi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trả lời hướng giải quyết nợ xấu. Thống đốc khẳng định, tỷ lệ nợ xấu trên 200 ngàn tỉ đồng hiện nay (chiếm 8,6% tổng dư nợ), có thể khống chế được; NHNN đang tiến hành tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, trước mắt là tái cơ cấu 9 TCTD có vấn đề về thanh khoản và hiện đã sáp nhập xong 3 TCTD trong số này, lộ trình tái cấu trúc ngân hàng đang đi đúng hướng để lành mạnh hóa hoạt động ngân hàng. Thống đốc cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay các khoản nợ cũ về tối đa 15%/năm được các ngân hàng thương mại hưởng ứng tích cực thực hiện theo lời kêu gọi của NHNN, và mức lãi suất cho vay từ 15%/năm trở lên hiện đã giảm xuống còn khoảng 24% (nghĩa là đã giảm khoảng 65% so với đầu năm 2012, nếu tính các khoản vay với lãi suất này là 100%). Ông Bình khẳng định đầu tháng 9-2012, NHNN sẽ ban hành văn bản qui định về mở rộng mạng lưới tín dụng ở khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn dễ dàng hơn. NHNN đã chỉ đạo Agribank dành 4.000 tỉ đồng để tái canh cây cà phê Tây Nguyên và đang phối hợp với Bộ NN&PTNT triển khai gói hỗ trợ này. Thống đốc ghi nhận ý kiến của các địa phương (ĐBSCL) phản ánh tình trạng nông dân chưa tiếp cận được vốn vay lãi suất thấp, nông dân phải bán lúa non trả nợ, người nuôi tôm, cá tra đang khó. NHNN đã phối hợp với Bộ NN&PTNT tìm hiểu và chỉ đạo Agribank xem xét khoanh nợ cho những đối tượng này (có thể khoanh nợ thời gian 24 tháng).

Thống đốc NHNN cũng khẳng định nợ xấu đang là vấn đề đáng lo ngại hiện nay, nhưng đang được xử lý quyết liệt; đến nay, các TCTD đã trích lập 70.000 tỉ đồng quỹ dự phòng rủi ro tín dụng. NHNN yêu cầu các TCTD sát cánh cùng DN, tạo điều kiện cho DN vay vốn, nhưng trong mọi trường hợp không được hạ tiêu chuẩn tín dụng và nếu TCTD nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Thống đốc cho rằng, việc hạ lãi suất của NHNN là đúng thời điểm và có tính toán khoa học trên cơ sở thực tế của các TCTD. Có thể kiềm chế lạm phát ở mức 6-7% trong năm 2012.

TTXVN- ANH PHƯƠNG - GIA BẢO

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trả lời chất vấn. Ảnh: VGP

Chia sẻ bài viết