12/05/2020 - 08:51

Bổ sung vitamin để tăng sức đề kháng 

Với tình hình dịch bệnh hiện nay, người dân quan tâm bổ sung vitamin để tăng cường hệ thống miễn dịch. Nhưng bổ sung vitamin như thế nào cho đúng cần phải có tư vấn chuyên khoa của bác sĩ.

Đầu tháng 6 và tháng 12, trẻ từ 6 tháng - 36 tháng tuổi được uống vitamin A tại các trạm y tế. 

Tại buổi tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề “Bổ sung vitamin đúng cách để tăng cường miễn dịch”, bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Diệp - Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: Vitamin là một trong 5 nhóm chất quan trọng trong cơ thể. Vitamin có 2 nhóm: nhóm 1 là tan trong nước, khi vào cơ thể hòa tan nhanh nếu đưa vào cơ thể thì thải qua đường nước tiểu (vitamin nhóm B, B2, B3, B4 và vitamin C). Nhóm 2 là nhóm tan trong dầu nghĩa là chất béo mới hấp thu được nếu chúng ta đưa vào cơ thể thì sẽ có nguy cơ dư thừa và ngộ độc (vitamin D, A, E, K).

Vitamin có nhiều vai trò chuyển hóa các chất dinh dưỡng đưa vào cơ thể thông qua thực phẩm; cấu tạo lên mô tế bào (ví dụ vitamin D liên quan đến cấu trúc của xương); tham gia vào quá trình chống Oxy hóa bảo vệ tế bào; tham gia vào hoạt động hệ thống cơ quan của cơ thể; có vai trò phòng bệnh, chữa bệnh.

Uống vitamin bổ sung không phải là giải pháp tối ưu mà cần lựa chọn các thực phẩm giàu vitamin. Vì khi bổ sung qua thực phẩm thì không chỉ được bổ sung vitamin, mà còn được bổ sung các khoáng chất và dưỡng chất quan trọng khác nữa. Đồng thời, vừa an toàn, vừa dễ hấp thu, vừa dễ chuyển hóa. Chính vì vậy, bổ sung vitamin từ thực phẩm thông qua bữa ăn là vô cùng quan trọng.

Ngoài ra có thể bổ sung vitamin qua đường uống. Và bổ sung vitamin qua điều trị (dưới dạng thuốc) thì cần phải có chỉ định của các bác sĩ để tránh bị dư thừa gây hại cho sức khỏe. Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, để tăng sức đề kháng của cơ thể chống lại bệnh tật trong tình hình dịch bệnh và thời tiết chuyển mùa, trong các loại vitamin thì ưu tiên các thực phẩm giàu vitamin như: A, C, D, E. Đây là các vitamin giúp nâng cao sức đề kháng.

Việc thiếu vitamin không có biểu hiện lâm sàng, mà chỉ có các biểu hiện mơ hồ. Khi thiếu vitamin thì nhiều người hay có cảm giác mệt mỏi, uể oải dù người không có bệnh gì, cảm thấy trì trệ, hay bị cảm cúm, lúc đổi mùa, thay đổi thời tiết mọi người chưa mắc bệnh mà mình bị bệnh... Với trẻ em thiếu vitamin thì ngừng tăng trưởng, không cao, thai phụ thì sự phát triển thai nhi không tốt…

Với người trưởng thành, mỗi ngày cần ăn 400g rau, 200g trái cây. Chọn trái cây, rau, củ sẵn có, ăn theo mùa. Ngoài ra, cần ăn thêm các loại thực phẩm khác như thịt, trứng, sữa, cơm… mới đủ vitamin và chất khoáng đáp ứng được tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Táo là một loại trái cây rất tốt, nếu như vừa hái xuống mà ăn thì rất ngon và lượng vitamin gần như còn 100%. Táo có nhiều vitamin, khoáng, bảo vệ tế bào chống oxy hóa... đối với vitamin C, táo cung cấp 20-30% vitamin C theo khuyến nghị trong ngày.

Thời điểm ăn trái cây vào ban ngày là tốt nhất vì các chất dinh dưỡng ở trái cây sẽ được chuyển hóa hấp thu phù hợp với hoạt động sinh lý của cơ thể. Và ăn trái cây có thể được coi là ăn bữa phụ, hoặc ăn trái cây kèm ăn chính, hạn chế trái cây ăn vào đêm khuya vì hấp thu chuyển hóa không tốt. Nếu trái cây ngọt sẽ làm tăng đường huyết và làm tụy tạng không được nghỉ ngơi.

H.Hoa (lược ghi)

Chia sẻ bài viết