26/03/2020 - 07:10

Bộ luật Lao động có nhiều điểm mới về hợp đồng lao động 

Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung (Bộ LLĐ mới) được Quốc hội Khóa XIV thông qua ngày 20-11-2019 với 17 chương, 220 điều, đã có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng. Trong đó, quy định về hợp đồng lao động (HĐLĐ) được sửa đổi, bổ sung theo hướng đảm bảo hơn sự tự do trong giao kết; tôn trọng các nguyên tắc của hợp đồng trong kinh tế thị trường; phòng tránh lao động cưỡng bức và tạo hành lang thuận lợi hơn trong thực hiện hợp đồng... 

Người lao động làm việc tại Công ty cổ phần thực phẩm Phạm Nghĩa. Ảnh: TUYẾT NHUNG

Những nội dung sửa đổi, bổ sung ở chương HĐLĐ tập trung chủ yếu vào những vấn đề chính là các quan hệ lao động diễn ra trên thực tế. Theo đó, Bộ luật quy định cụ thể HĐLĐ là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là HĐLĐ. Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết HĐLĐ với người lao động.  

Về loại HĐLĐ, Bộ LLĐ mới đã bỏ loại HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định. HĐLĐ phải được giao kết theo một trong các loại sau: HĐLĐ không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng; HĐLĐ xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng. Bộ LLĐ mới đã ghi nhận phương thức mới giao kết HĐLĐ là hợp đồng được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như HĐLĐ bằng văn bản. Quy định này phù hợp với Luật Giao dịch điện tử năm 2005 và tạo thuận lợi cho các chủ thể ký kết HĐLĐ linh hoạt hơn trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0. 

Hợp đồng thử việc, việc xác định thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm thời gian thử việc không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Vấn đề thôi việc của người lao động, Bộ LLĐ mới cũng quy định người lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động một khoảng thời gian theo luật định là 45 ngày, hoặc 30 ngày, hoặc 3 ngày, tùy loại HĐLĐ đã giao kết. Bên cạnh đó, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây: không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc; không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn; bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc; bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập, có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, bị cưỡng bức lao động; lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của bác sĩ; đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định trừ trường hợp 2 bên có thỏa thuận khác; người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến việc thực hiện HĐLĐ.

Bên cạnh những quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động, Bộ LLĐ mới cũng quy định linh hoạt hơn về quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của người sử dụng lao động. Bộ LLĐ mới đã bổ sung thêm 3 trường hợp người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng: người lao động đủ tuổi nghỉ hưu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên; người lao động cung cấp không trung thực thông tin khi giao kết HĐLĐ làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng lao động. Thời hạn báo trước là 45 ngày, hoặc 30 ngày, hoặc 3 ngày, tùy loại HĐLĐ.

Về trách nhiệm khi chấm dứt HĐLĐ, Bộ luật quy định trong thời hạn 14 ngày (luật hiện hành là 7 ngày) làm việc kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp theo quy định, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày. Ngoài ra, người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động; Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.    

HOÀNG YẾN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết