04/06/2016 - 17:39

Bồng bềnh làng bè Châu Đốc

Bút ký LIÊU NGỌC ÂN

Dòng Hậu giang đầu nguồn đã hơn nửa thế kỷ in bóng những chiếc bè kết lại thành làng- làng bè- nơi dung chứa không ít phận người nổi trôi bên đời cá. Giờ cá không còn thời hoàng kim, thì bè cá của những ông chủ cũng không ít lần "bung", "gáp", làm giảm lượng bè, mất đi cảnh đẹp vốn có. Nhưng ở làng bè Châu Đốc, vẫn còn những chiếc bè tồn tại mặc nhiên với dòng trôi, bởi đó là nhà bè, nơi sinh sống của không ít phận người.

Với bao người, làng bè nơi đầu nguồn sông Hậu này đã trở thành biểu tượng văn hóa sông nước. Đó là nơi người ta dệt nên thơ văn về xứ cá, xứ của những chiều khua dầm ven sông nghe điệu đàn vọng cổ loang dài. Bỏ qua những mơ mộng ấy, đằng sau làng bè có những con người đang sống cuộc đời bấu víu cùng sông. Bè là nhà. Nhà bè của họ cũng đã góp phần tô điểm thêm cho làng bè và chứng kiến biết bao sóng dập, lở-bồi, lớn-ròng của dòng sông này như chính cuộc đời họ.

Nhìn xa, làng bè một dãy nhưng không bè nào giống bè nào. Bè người nuôi cá làm ăn khá giả thì giá trị của chiếc bè lên đến hàng trăm triệu đồng, có khi cả tỉ đồng: cột săn, cây chắc, mái tôn cao cấp, phòng lạnh, máy điều hòa. Bè như nhà ở chính thức nên cũng được xây cất khang trang. Độ bền vững của mỗi nhà bè từ bốn, năm chục năm. Và cũng có những chiếc bè gác tạm trên mặt nước, người ta chỉ cần kết vài ba thùng phuy lại cho chặt, rồi gác cây lên, che mái tôn, dựng vách ván hoặc lá. Ở vài ba năm "bè giạt", lại kết cái mới ở tiếp. Ông Trần Văn Khái, đã sống ở làng bè này khoảng 50 năm, không phải để làm nghề nuôi cá, mà vì trên bờ không có đất để cất nhà, nên bắt chước người ta làm bè để sống. Từ đó đến nay đã ba thế hệ người trong gia đình ông quấn quít trên bè. Đời ông, con và cháu có cùng cuộc sống: ngày đi làm đủ nghề, chiều tối về nhà bè đoàn tụ. Cứ như thế, nửa thế kỷ qua ông đã quen mùi sông nước, quen con sóng lắc lư xuôi ngược lớn ròng.

      Ảnh:dulich24h.com 

Gá vào bè sinh sống bằng đủ thứ nghề để mưu sinh, thoắt cái đã gần một đời người, ông Khái thấm thía biết bao cảnh chìm nổi của đời bè-đời mình. Hồi mới về đây kết bè sinh sống, ông cũng tính chỉ vài năm thôi, dài lắm là 10 hay 15 năm gì đó, ông sẽ dời gia đình lên bờ. Nhưng rồi, vài năm bè "giạt", kết sửa theo quy luật của "đời bè", cho đến ngày nay. Thế hệ con ông cũng không thể thoát khỏi làng bè để lên bờ. Năm người con đều đùm díu nơi bến sông, bè cặp nối dài nhau. Hàng ngày, mỗi người một việc, cũng bấp bênh. Người con gái thứ hai của ông đã gần 50 tuổi, có hơn 30 năm sống với mái chèo bằng những lần đưa rước khách từ bờ sang bè và ngược lại. Người con trai ông cũng níu bè quanh năm bằng đủ thứ nghề bên kia chợ Châu Đốc. Cũng có người bỏ bè lên Sài Gòn mong tạo một cuộc đổi đời, nhưng lại nổi trôi theo nghĩa khác. Ước mơ "thoát bè" chưa bao giờ nguôi trong Hưng, con trai út ông Khái. Hưng nói: "Ba lo cho em học nghề tiện và sửa máy bên Châu Đốc. Ở đây làm không có ăn, ở Sài Gòn làm được lắm. Em gắng làm vài năm về mua đất cất nhà để ba mẹ em lên bờ ở cho khỏe tuổi già". Hy vọng, cánh tay rắn chắc từng "nịt bè, chằng bè, kéo bè" mỗi lần "bè giạt" của Hưng sẽ giúp ước mơ thành hiện thực.

Ở làng bè cư dân đủ thành phần, sinh sống bằng đủ thứ nghề. Người không đất ở đành đóng bè neo sống; người làm ăn thất bát trên bờ, bán đất, bỏ bờ xuống bè ở; cũng có người ở bè như một thú vui tiêu khiển; có cả bè làm quán nhậu thâu đêm...

***

Từ hơn thập niên nước, khi nghề cá còn thời hoàng kim, cuộc sống ở làng bè nhộp nhịp. Hằng ngày ghe tàu đến cân, chở cá nườm nượp. Mua bán cá sôi động, các dịch vụ ăn theo như bán hàng bằng ghe chèo cũng khấm khá, người làm nghề đưa đò cho khách tham quan, khách hàng đến những bè cá… cũng kiếm sống được. Nhưng kể từ khi con cá chịu biến động thị trường thì làng bè chìm lắng, nhịp sống cứ chậm dần, bồng bềnh theo sông nước. Dù khó, nhiều hộ gia đình vẫn bám bè để sống, họ không nuôi cá tra, basa nữa mà chuyển nuôi các loài cá nước ngọt khác theo cơ chế thị trường, để giữ danh tiếng làng bè đã đi vào thơ ca của một vùng đất "trên cơm, dưới cá". Theo ông Khái, trước đây, người nuôi cá tra, cá ba sa làng bè này giàu lắm, ngủ một đêm, sáng mở mắt ra có thể lời cả tỉ bạc. Rồi khi biến động thị trường, đêm ngủ sáng ra có người bán luôn bè lớn, kết bè giạt để sống.

Bên ly rượu chiều ngắm sông, ngắm sóng, anh Lê Văn Lĩnh chia sẻ những nổi trôi của đời mình khi đến đây cắm bè sinh sống. Anh sống bằng nghề xúc cá cặp theo làng bè, giờ thì không còn thịnh nữa. Anh đã "gác vợt", cùng vợ chèo ghe hàng dọc làng bè mưu sinh. Bỏ qua những câu chuyện ngược xuôi, anh tự hào rằng, hai đứa con anh học giỏi lắm, từ lớp 1 đến đại học và giờ hai đứa có việc làm ổn định. "Hai đứa nói với tôi, gắng làm thêm vài năm nữa sẽ mua nhà đón vợ chồng tui lên bờ. Nói vậy chứ, chủ yếu lo cho con lên bờ để ở, còn cưới vợ, gả chồng cho tụi nó, đời mình sống ở bè quen rồi. Nhiều khi lên bờ thấy cũng nhớ". Nhìn nhà bè chừng 40 mét vuông, tạm bợ bằng những loại cây, kết bằng đủ loại dây, vậy mà từ đây anh và vợ đã tạo một bước ngoặt "thoát bè" cho con mình. Thật nể phục!

Thành công của hai người con anh Lĩnh được coi là tấm gương ở làng bè này. Và là động lực để nhiều người phấn đấu. Bởi phần lớn, những đứa trẻ sinh ra ở làng bè thường bỏ học để mưu sinh cùng gia đình. Hơn 10 năm nay, nhiều người làng bè vẫn còn dùng đèn bình, đèn dầu, khiến chữ nghĩa phần nào phai mờ lắt lay trong tâm trí các em nhỏ và gia đình. Mỗi ngày đi học của các em, cha mẹ phải đưa rước trên những chiếc xuồng, nên nhiều em đường học đứt đoạn giữa chừng khi cuộc sống mưu sinh của ba mẹ vào giai đoạn khó. Nhiều em lớn lên quẩn quanh trên những chiếc bè, sớm mưu sinh bằng đôi tay lực lưỡng của nghề chèo chống, khuân vác, kết bè (đóng bè), lặn dò bè...

Đối diện nhà bè của anh Lĩnh, còn rất nhiều nhà bè giữa bóng chiều im ỉm tối, màn kéo bít bùng. Thỉnh thoảng, ngọn sóng từ ngoài sông đập vào làm nhà bè chòng chành. Anh Lĩnh cho biết, người xóm bè đó đi Bình Dương, Sài Gòn vài tháng trước. Vài năm trước họ về đây mua bè của những người bị lỗ lã vì cá, phải bán lại. Thế nhưng vì nghề cá qua thời, buôn bán ế ẩm, đưa đò cũng ế ẩm, họ để bè đó đi làm ăn, lâu lâu mới về một lần. Sở dĩ họ không bán bè là vì sợ mai mốt sa cơ lỡ vận không có chỗ sống.

Bến sông sâu. Dòng nước xiết. Sóng bủa dập dồn. Nhưng đây là bến bờ "neo đời" của không ít người phiêu dạt.

Liêu Ngọc Ân

Chia sẻ bài viết