03/06/2016 - 08:45

Bình Thủy đưa bánh dân gian Nam bộ hội nhập

Những năm gần đây, lễ hội Kỳ Yên của đình Bình Thủy đều xuất hiện các gian hàng ẩm thực, hội thi làm bánh dân gian Nam bộ. Các khu, điểm vườn du lịch sinh thái trên địa bàn cũng có chương trình cho du khách trong và ngoài nước trải nghiệm làm bánh cùng nghệ nhân. Bánh ngon của Bình Thủy còn được các nhà hàng, khách sạn chọn bổ sung vào thực đơn. Có thể nói, bánh dân gian Nam bộ ở quận Bình Thủy đang có hướng phát triển trong tiến trình hội nhập.

Giữ nét văn hóa truyền thống

Tại Lễ hội Kỳ Yên Thượng Điền đình Bình Thủy năm 2016 vừa qua, nhiều người đến lễ hội đã có dịp thưởng thức tài khéo của các bà, các chị đại diện 8 phường của quận thi làm bánh truyền thống; các nghệ nhân trình diễn cách làm một số bánh dân gian Nam bộ; nếm những loại bánh ngon, đặc trưng của Bình Thủy tại các gian hàng ẩm thực. Anh Trần Văn Hải, người dự lễ hội, bộc bạch: "Tôi ở Bình Thuận vào thăm bà con ở Bình Thủy, đúng vào lúc có lễ hội. Lễ hội có nhiều hoạt động hay, đặc biệt là trình diễn làm bánh và bán các loại bánh ngon, khiến tôi thêm hiểu và yêu văn hóa ẩm thực cũng như nếp sinh hoạt đậm chất văn minh miệt vườn ở đây". Thu hút đông khách là các quầy hàng bán bánh xèo của nghệ nhân Mười Xiềm, Nhà hàng 7 Được, gian hàng bán các loại bánh tét, bánh ú, bánh ít, bánh phu thê… của phường Long Hòa. Chị Nguyễn Thị Ánh Thư, phụ trách gian hàng phường Long Hòa, cho biết: "Bà con rất ưa chuộng các loại bánh dân gian nên vừa đem bánh ra đã bán hết, phải kêu người nhà về lấy tiếp. Trung bình mỗi ngày tôi bán được trên 500 cái bánh các loại". Đây không phải lần đầu tiên quận Bình Thủy đưa bánh dân gian vào lễ hội. Từ năm 2014, tại Lễ Kỳ Yên Thượng Điền đình Bình Thủy, đã có hội thi gói bánh tét, tạo được điểm nhấn văn hóa và để lại ấn tượng đẹp trong lòng mọi người. Sang năm 2015, tiếp tục có Lễ hội bánh ngon Bình Thủy và Hội thi bánh ngon dâng lễ Kỳ Yên. Đến năm 2016 này, thì bánh dân gian đã trở thành nét văn hóa quen thuộc của Lễ hội đình Bình Thủy và được người dân yêu thích, hưởng ứng.

Các gian hàng ẩm thực tại Lễ hội Kỳ yên Thượng điền đình Bình Thủy năm 2016 bày bán nhiều loại bánh dân gian Nam bộ.

Quận Bình Thủy còn tích cực tham gia Lễ hội bánh dân gian Nam bộ do thành phố tổ chức. Qua đó, đoạt những giải thưởng tiêu biểu như: giải Nhất tại Lễ hội năm 2015 với bánh phu thê; đoạt 1 huy chương vàng với bánh củ cải, 2 huy chương bạc với bánh tất niên và bánh kẹp cuốn nhân mứt tại lễ hội năm 2016. Chị Lê Thị Bé Bảy, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin quận Bình Thủy, cho biết: "Bánh dân gian là một nét đặc trưng của văn hóa ẩm thực Nam bộ. Trên địa bàn quận vẫn còn nhiều gia đình, nhiều nghệ nhân làm bánh dân gian đúng kiểu cách và khẩu vị truyền thống. Quận đã luôn lưu ý khai thác, phát huy tốt nét văn hóa này để giữ gìn văn hóa dân gian, đồng thời góp phần phát triển kinh tế du lịch ở địa phương". Do đó, những năm gần đây, khi tổ chức lễ hội Kỳ Yên ở đình Bình Thủy, quận chú trọng khai thác nét văn hóa này bằng nhiều hình thức như: tổ chức hội thi làm bánh, gói bánh, tổ chức trình diễn cách làm bánh, mở các gian hàng ẩm thực…. Đồng thời, đưa những nghệ nhân làm bánh giỏi tham gia các kỳ Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ để học hỏi, giao lưu, thi thố tài năng. Qua đó, tìm ra những đặc sản, món ngon để xây dựng thương hiệu, tìm hướng phát triển cho những người làm bánh, đồng thời phục vụ phát triển du lịch địa phương.

Mở hướng đi mới

Hiện nay, quận Bình Thủy có nhiều nghệ nhân làm bánh đã khẳng định tên tuổi, thương hiệu như: bà Sáu Trọng, bà Mười Xiềm, cô Chín, vợ chồng chú Tám Sái, Bảy Muôn, Kim Phước, Bé Bảy… Trong đó, bánh xèo của bà Mười Xiềm và bánh tét lá cẩm của bà Sáu Trọng đã được đăng ký độc quyền thương hiệu; bánh phu thê đang trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký thương hiệu với tên gọi Xíu Tiên. Những loại bánh khác được địa phương quan tâm, hướng dẫn các thủ tục công nhận đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sau khi xây dựng thương hiệu và đạt các tiêu chuẩn cần thiết, bánh dân gian ở quận Bình Thủy bắt đầu hành trình chinh phục thị trường trong và ngoài nước. Chị Lê Thị Bé Bảy, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin quận Bình Thủy, nhấn mạnh: "Có hai cách để bánh dân gian ở địa phương vươn đến hội nhập và phát triển: một là thu hút khách đến địa phương thưởng thức bánh và mua làm quà; hai là đưa đi giới thiệu với các nhà hàng khách sạn, các chương trình xúc tiến du lịch, thương mại, dịch vụ, để tìm khách hàng ổn định. Hiện nay, Bình Thủy đang tiến hành song song cả 2 cách và bước đầu đạt được những kết quả nhất định".

Phòng Văn hóa và Thông tin quận Bình Thủy đã chọn lọc được 20 loại bánh tiêu biểu của các nghệ nhân mang đến giới thiệu với các nhà hàng, khách sạn. Khách sạn Mường Thanh đã đặt mỗi ngày từ 4-6 loại bánh, đưa vào tiệc buffet sáng cho khách từ tháng 2-2016 đến nay. Tại một số điểm du lịch nhà vườn sinh thái nổi tiếng trên địa bàn quận Bình Thủy, đều có chương trình mời du khách tham quan và trải nghiệm thử làm bánh dân gian cùng nghệ nhân. Tiêu biểu như trong tour du lịch ở Cồn Sơn, du khách có thể đến tham quan các điểm làm bánh kẹp cuốn, bánh bông lan, bánh khọt, bánh in, bánh ướt ngọt, bánh xèo… và cùng thử làm bánh, thưởng thức bánh. Mới đây, Đoàn Thanh niên của Đài PTTH TP Cần Thơ đã tổ chức đến tham quan Cồn Sơn. Tất cả hào hứng tham gia làm bánh kẹp cuốn, bánh khọt cùng các nghệ nhân. Bạn Trần Thị Ái Lê chia sẻ: "Nhờ trải nghiệm này mà tôi hiểu hơn về quá trình làm bánh cũng như công sức bỏ ra để có được chiếc bánh ngon". Tự tay mình làm ra chiếc bánh nên khi thưởng thức sẽ thấy ý nghĩa hơn. Đó là cảm nhận chung của nhiều du khách khi tham gia làm bánh cùng nghệ nhân.

Khách du lịch trải nghiệm làm bánh khọt tại nhà vườn Song Khánh ở Cồn Sơn, quận Bình Thủy.

Du khách có được trải nghiệm thú vị, người làm bánh có thu nhập ổn định. Đó là kết quả từ mô hình liên kết, hợp tác phát triển du lịch ở Cồn Sơn. Nghệ nhân Phan Kim Ngân (thường gọi là Bảy Muôn), người đạt huy chương bạc với bánh kẹp cuốn nhân mứt tại Lễ hội bánh dân gian Nam bộ năm 2016, cho biết: "Ngoài làm bánh phục vụ cho các đoàn du lịch ở Cồn Sơn, tôi còn nhận làm bánh cho các đám tiệc và cung cấp bánh cho khách sạn Mường Thanh. Nhờ vậy, thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình khá hơn trước đây nhiều".

Không chỉ có Nhà nước quan tâm, tìm hướng phát triển cho bánh dân gian, một số doanh nghiệp kinh doanh ăn uống, thực phẩm trên địa bàn quận Bình Thủy cũng chú trọng duy trì và phát huy nét văn hóa ẩm thực này. Tiêu biểu như Nhà hàng 7 Được ở đường Trần Quang Diệu, phường An Thới. Nhà hàng này từng mở tiệc buffet bánh dân gian Nam bộ với giá ưu đãi dành cho học sinh, sinh viên (35.000 đồng/ vé) từ ngày 28-4 đến ngày 3-5-2016 và thu hút hàng ngàn khách đến thưởng thức. Trong thực đơn hằng ngày của nhà hàng luôn có một số loại bánh dân gian và đây cũng là đơn vị tham gia gian hàng ẩm thực tại các Lễ Kỳ Yên Thượng Điền đình Bình Thủy, được khách hàng ưa thích với món bánh xèo đặc trưng.

***

Thông qua các lễ hội, các tour du lịch và đưa bánh dân gian đến các nhà hàng, khách sạn, một phần quan trọng văn hóa ẩm thực Nam bộ đã được quận Bình Thủy giới thiệu đến du khách gần xa. Từ đó, mở hướng đi mới cho các nghệ nhân làm bánh, tạo được sản phẩm du lịch đặc trưng, góp phần thúc đẩy đời sống kinh tế- văn hóa của địa phương.

Bài, ảnh: Lệ Thu

Chia sẻ bài viết