14/06/2013 - 14:06

Bình Định - miền đất địa linh nhân kiệt

Một góc Bảo tàng Quang Trung.

Không chỉ được thiên nhiên ban tặng vô số danh thắng và bãi biển đẹp, Bình Định còn ghi dấu những mốc son lịch sử của đất nước. Phát triển du lịch danh thắng cùng với văn hóa tâm linh, nơi đây đang được xem là điểm đến của du khách với con đường di sản miền Trung.

Nằm ở duyên hải Nam Trung bộ, Bình Định là một trong 5 tỉnh có vùng kinh tế trong điểm miền Trung. Bình Định như một điểm nối các trục giao thông quan trọng: quốc lộ 1A Bắc – Nam, quốc lộ 1D và quốc lộ 19 Đông – Tây, là cửa ngõ ra phía Đông của khu vực Tây nguyên, Đông – Bắc Campuchia và Nam Lào, có Cảng hàng không Phù Cát, đường sắt xuyên Việt với ga Diêu Trì. Từ ĐBSCL, theo quốc lộ 1A, cách TP Cần Thơ khoảng 850 km, du khách có thể đến Bình Định bằng đường bộ với phương tiện xe ô tô hoặc tàu hỏa rất thuận tiện, nhưng nếu đi đường hàng không (TP Hồ Chí Minh – Phù Cát) chỉ mất khoảng gần 1 giờ bay.

Di tích cổ cùng cảnh đẹp hoang sơ đầy mê hoặc, với những con người hào kiệt một thuở làm rạng danh Bình Định đã thu hút du khách tìm đến mảnh đất này. Thành lập năm 1977, cho đến nay Bảo tàng Quang Trung nằm trên chính nền nhà cũ của gia tộc Nguyễn Huệ ở làng Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, nay thuộc thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn. Tiền thân của nó, đền thờ Tây Sơn đã có hơn 200 năm tuổi. Hằng năm, tại đây diễn ra hai dịp lễ trọng đại nhất của nhà Tây Sơn vào cuối tháng 11 và mùng 5 tháng Giêng âm lịch: Ngày Quang Trung đăng quang trên núi Bân và ngày đại thắng Đống Đa mà người dân Kiên Mỹ xưa kia đã phải “che mắt” nhà Nguyễn khi gọi đây là những ngày “cúng cơm mới”. Trong kháng chiến chống Pháp, ngôi đền thờ Tây Sơn đã bị thực dân thiêu rụi và những ngày lễ nhớ Tây Sơn tạm đứt đoạn.

Quần thể Bảo tàng Quang Trung – điện thờ Tây Sơn bắt đầu từ bến Trường Trầu bên dòng sông Kôn và kết thúc là Điện thờ Tây Sơn tam kiệt. Tại đây trưng bày 11.057 tư liệu hiện vật gốc và hàng trăm hiện vật phục chế về Nhà Tây Sơn. Bảo tàng Quang Trung sở hữu một kho tư liệu, hiện vật phong phú nhất về một thời đại lừng lẫy của vị vua kiệt xuất trong lịch sử dân tộc. Ta có thể gặp những báu vật như chiếc trống da voi của đồng bào Tây Nguyên tham gia phong trào Tây Sơn, ấn tín, các sắc phong, gia phả của nhiều văn thần, võ tướng; chuông đồng, súng thần công, ấn tín, tiền đồng Thái Đức, Quang Trung, Cảnh Thịnh, tấm bia mộ tổ dòng họ Tây Sơn… Du khách được tận mắt thấy di tích bến Trường Trầu lặng lẽ giấu mình sau lùm tre bên bờ sông Kôn mênh mông, cái bến sông mà nhờ nghề buôn trầu lên nguồn xuống biển, Nguyễn Nhạc đã thu phục nhân tâm, tập hợp lực lượng nhân dân Kinh - Thượng, mưu nghiệp lớn. Đứng dưới bóng me cổ thụ 300 tuổi từng che mát anh em Nguyễn Huệ giờ vẫn xanh um, du khách được uống những ngụm nước ngọt mát, trong vắt, kéo lên từ cái giếng đá ong của nhà Nguyễn Huệ.

Võ thuật và trống trận Quang Trung là hai di sản phi vật thể của Nhà Tây Sơn. Ba anh em Tây Sơn đã khai sáng, phát triển, hoàn thiện các võ phái Bình Định, cải cách nâng cao các bài quyền, bài binh khí để truyền dạy cho nghĩa quân. Yến phi quyền, Độc lư thương, Hùng kê quyền… là những độc chiêu của võ thuật Bình Định. Và cũng chính Nguyễn Huệ đã đưa nhạc trống để khích lệ ba quân chiến đấu. Nhạc trống còn truyền lại ngày nay với tên gọi trống trận Quang Trung. Võ cổ truyền Bình Định với truyền thống thượng võ đã thấm sâu vào cuộc sống của con người Bình Định, chẳng thế mà dân gian xưa có câu:

Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định đánh roi đi quyền

Xứ Bình Định được gọi là miền đất võ trời văn bởi nơi đây còn là cái nôi nuôi dưỡng các nhà văn hóa lớn của đất nước như: Đào Duy Từ, Đào Tấn, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn… cùng nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo như: hát Bài chòi, hát Bội… Bình Định còn được thiên nhiên ưu đãi với thắng cảnh đẹp. Không chỉ có bãi tắm Hoàng Hậu (bãi trứng) hấp dẫn mà còn có Bãi Xép, Tân Thanh, Vĩnh Hội, biển Trung Lương... Dọc ven bờ biển Bình Định còn có khoảng 32 đảo lớn với 10 cụm hải đảo với những hòn đảo nổi tiếng: Đảo Cù lao xanh, Đảo Hòn Đất, Đảo Hòn Khô, Đảo Hòn Tranh, Đảo Hòn Rùa… Đến đây, du khách còn được thưởng thức hải sản biển đặc trưng.

Đến với Bình Định, du khách đắm mình về những hoài niệm kinh đô xưa của vương quốc Chămpa. Dân tộc Chăm trong suốt 16 thế kỷ, đã để lại một nền văn hóa riêng, độc đáo. Trải qua nhiều bước thăng trầm, nhưng dấu tích văn hóa Chămpa để lại vô cùng phong phú gồm 8 cụm 14 tháp Chăm còn khá nguyên vẹn như: cụm tháp Dương Long; tháp Bánh Ít; tháp Cánh Tiên và một số tháp ở Phù Cát. Tháp Đôi, hay còn gọi là tháp Hưng Thạnh, tọa lạc tại làng Hưng Thạnh xưa, bây giờ thuộc phường Đống Đa, nằm ngay trung tâm thành phố Qui Nhơn. Được xếp vào hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1980. Tháp Đôi cũng như các tháp Chăm khác ở Bình Định, nghệ thuật mang màu sắc tôn giáo của người Chăm xa xưa. Tháp có cấu trúc khá độc đáo, đặc biệt là kỹ thuật mài giũa, lắp ghép các tảng đá chồng khít lên nhau rất vững chắc. Quanh tường phía ngoài, các góc và trên nóc tháp có nhiều bức phù điêu chạm khắc các hình tượng thần, chim, thú thần theo tín ngưỡng của người Chăm rất sinh động. Tháp Đôi một lớn một nhỏ đứng gần kề nhau như cặp vợ chồng quấn quít, chẳng vậy mà cùng với các di tích người xưa đã “ghép đôi”:

Cầu Đôi liền với Tháp Đôi
Quanh năm quấn quýt như tôi với nàng

Bằng việc đầu tư cơ sở vật chất du lịch danh thắng khá bài bản, kinh doanh dịch vụ được quan tâm khai thác hợp lý, trong những năm trở lại đây, ở Bình Định nhiều khu resort, khách sạn, nhà hàng đã mọc lên, đáp ứng nhu cầu du khách thưởng ngoạn, tắm biển và nghỉ ngơi, thư giãn…Không “chặt chém” du khách vào mùa cao điểm, thức ăn ngon, con người hiền hậu, hiếu khách… du lịch Bình Định đang níu chân nhiều du khách phương xa.

Bài, ảnh: Khánh Nam

 

Chia sẻ bài viết