30/09/2008 - 20:55

Doanh nghiệp liên kết trong thời lạm phát

Biến rủi ro thành cơ hội !

Ông Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ (đứng) phát biểu tại Hội thảo “Giải pháp cho DN thời lạm phát”.

Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, khi hội nhập kinh tế quốc tế, nguy cơ sáp nhập, mua bán doanh nghiệp (DN) sẽ diễn ra phổ biến, nếu DN Việt Nam không có đối sách hợp lý. Trong bối cảnh lạm phát, để tránh tình trạng “cá lớn nuốt cá bé” thì vai trò của hiệp hội ngành, nghề rất quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề liên kết, trao đổi kinh nghiệm dường như chưa được DN mặn mà tham gia. Trong khi đó, đa phần DN ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là DN nhỏ, việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng khá nhiêu khê... Làm thế nào để tạo liên kết chặt chẽ giữa các DN là vấn đề nan giải, đòi hỏi sự nhập cuộc thật sự của các DN và lãnh đạo từng địa phương trong vùng.

* Nhiều kinh nghiệm hay

Vừa qua, tại TP Cần Thơ, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư- Thương mại- Du lịch Cần Thơ (ITTPC) phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và hỗ trợ DN TP Hồ Chí Minh (BSA) tổ chức Hội thảo “Giải pháp cho DN thời lạm phát” nhằm tìm giải pháp khả thi cho DN Cần Thơ và ĐBSCL tồn tại trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Ông Lê Phụng Hào, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Kinh Đô (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ kinh nghiệm trong kinh doanh thời lạm phát như: rà soát lại những dòng sản phẩm đang sản xuất và tập trung vào những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, tiêu thụ mạnh. Tập trung vào công tác dự báo thị trường, Kinh Đô xem xét lại mối quan hệ với nhà cung cấp, giảm tồn kho từ trên 60 tỉ xuống còn 30 tỉ mà vẫn đảm bảo hoạt động kinh doanh... Nhiều DN đến dự hội thảo đã trân trọng lắng nghe ý kiến chia sẻ của Tập đoàn Kinh Đô, nhưng cũng bức xúc và băn khoăn khi nhìn lại số lượng DN cả TP Cần Thơ và ĐBSCL tham dự không quá 25 đơn vị!

Tiến sĩ Phạm Thị Việt Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, phản ánh: “Hội nhập kinh tế quốc tế, nếu chúng ta không liên kết sẽ lép vế trước DN, tập đoàn nước ngoài và cuộc cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn. Vấn đề là làm sao để DN nhìn và thấy phải khăn gói đi học tập kinh nghiệm của người khác để có đối sách hợp lý trong kinh doanh. Dường như DN ở Cần Thơ và ĐBSCL vẫn còn tự ti với khả năng của mình”. Theo tiến sĩ Phạm Thị Việt Nga, DN ở ĐBSCL không yếu, nếu không nói là đầy tiềm năng, nhưng phải phối hợp với nhau để từ DN nhỏ thành DN lớn và cùng dìu nhau hội nhập kinh tế sẽ thành công.

Chuyên gia tư vấn kinh doanh Nguyễn Duy Thuận đồng tình với ý kiến của tiến sĩ Phạm Thị Việt Nga. Ông nói: “Các DN ở ĐBSCL chưa phát huy hết thế mạnh của mình. Chúng ta chịu ảnh hưởng chung của biến động kinh tế thế giới, nhưng chu kỳ khủng hoảng này không dài và có thể sẽ bình ổn nhanh trong năm 2009. Vấn đề là DN phải có chiến lược để biến rủi ro thành cơ hội”. Những biến động thất thường từ thị trường chứng khoán, địa ốc; chính sách thắt chặt tiền tệ; dịch bệnh, nguồn nguyên liệu... tác động trực tiếp lên DN. Trong khi việc quản trị rủi ro của các DN ở ĐBSCL rất yếu, nên còn bị động.

ĐBSCL có khoảng 15.000 DN nhỏ và hàng ngàn hộ kinh doanh cá thể. Theo các sở công thương trong vùng, tỷ lệ thiết bị hiện đại của các cơ sở sản xuất công nghiệp chưa đến 20%, lại chưa đồng bộ. Trong tình hình lạm phát, nhiều DN lại đầu tư dàn trải và không kiểm soát được chi phí, nên hiệu quả đầu tư thấp. Việc thiếu thông tin và khả năng dự báo yếu làm cho DN thường bị động khi xảy ra khủng hoảng, đồng thời DN chỉ nghĩ đến tồn tại mà chưa có chiến lược dài hạn để hòa nhập.

* Giải pháp cho DN thời lạm phát

Đây thật sự là thách thức cho DN ở ĐBSCL. Bởi đa phần là DN nhỏ, việc thắt chặt tiền tệ đã làm nhiều DN khó khăn trong triển khai sản xuất kinh doanh, thậm chí ngừng sản xuất.

Thạc sĩ Nguyễn Trường Đảnh, Giám đốc ITTPC, nói: “ĐBSCL có hơn 92.000 cơ sở sản xuất, chủ yếu là công nghiệp chế biến lương thực và thủy hải sản, phần lớn qui mô nhỏ và vừa; trung bình một cơ sở làm ra 440 triệu đồng/năm. Hiện nay, ngành công nghiệp chế biến chiếm 98% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp; các ngành công nghiệp chế tạo, sản xuất hàng tiêu dùng, kỹ thuật cao chưa phát triển”. Hàng chục năm qua, DN ở ĐBSCL dựa vào tiềm năng nông nghiệp để phát triển, do đó, nội bộ ngành công nghiệp đang đặt ra vấn đề liên quan đến sự phát triển. Điển hình là việc thiếu- thừa nguồn nguyên liệu cho chế biến dường như năm nào cũng xảy ra. Vòng lẩn quẩn giằng co với bài toán: DN thiếu nguyên liệu sản xuất khi nông dân không tái đầu tư do thiếu vốn, còn DN cho rằng lãi suất ngân hàng cao nên hạn chế thu mua nguyên liệu. Khi đối tác nước ngoài ép giá hàng nhập khẩu từ ĐBSCL, bản thân DN và nông dân đều thiệt thòi.

Ông Huỳnh Quang Đấu, Giám đốc Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp An Giang- ANTESCO (tỉnh An Giang), cho biết: “ĐBSCL rất cần có những tập đoàn kinh tế mạnh để phát huy lợi thế và tiềm năng vùng. Nông dân sản xuất ra nông sản ngon, nhưng manh mún thì DN cũng khó mà lớn mạnh. Do đó, cần xây dựng chuỗi liên kết giữa nông dân và DN để xây dựng vùng nguyên liệu, rồi liên kết DN với DN để không vuột mất cơ hội từ khách hàng tiềm năng”. Trong 8 tháng đầu năm 2008, ANTESCO đã xuất khẩu khoảng 7.000 tấn rau quả các loại sang Mỹ và châu Âu. Theo ông Đấu, hàng năm ANTESCO xuất khẩu khoảng 5.000 tấn bắp non sang thị trường Thái Lan, nhưng khi đối tác đặt vấn đề tăng lên 10.000 tấn, đơn vị không dám ký hợp đồng, vì sợ không đáp ứng được.

Lạm phát ảnh hưởng rất lớn đến DN, tại TP Cần Thơ trong 9 tháng qua, nhiều đơn vị không thể triển khai hoạt động quảng cáo và tiếp thị thì dè xẻn. Kết nối DN- vấn đề cần sự nhập cuộc thật sự của bản thân DN cùng lãnh đạo từng địa phương. Tiến sĩ Phạm Thị Việt Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, cho rằng: “Hơn ai hết DN ở Cần Thơ và ĐBSCL phải tự “thắp lửa” cho mình, không trông chờ DN ở TP Hồ Chí Minh hay nơi nào khác. Như vậy mới có “ngọn lửa lớn” cho DN ĐBSCL. Tuy nhiên, lãnh đạo các tỉnh, thành cũng phải thấy được điều này để tạo điều kiện cho DN ngồi lại với nhau”.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Tuấn Anh, thành phố đang nỗ lực thực hiện những giải pháp kiềm chế lạm phát. Hội nhập kinh tế quốc tế, lạm phát ảnh hưởng đến DN và thậm chí đổ vỡ DN, nhưng sẽ là bài học quý để DN tìm ra giải pháp ứng phó tốt hơn. Lãnh đạo thành phố sẽ cùng DN tháo gỡ khó khăn để ổn định sản xuất.

Tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra nhiều giải pháp tiếp thị sản phẩm trong lạm phát như: Nhờ các chuyên gia “thiết kế” mạng lưới DN địa phương để trao đổi kinh nghiệm..., xây dựng phong trào chung cho TP Cần Thơ (như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu sản phẩm và thành tích của DN trên địa bàn...), bán hàng trực tiếp, liên kết xây dựng thương hiệu, tìm đối tác chiến lược ngay trong ngành hàng của mình...

Thạc sĩ Nguyễn Trường Đảnh, Giám đốc ITTPC, cho biết: “90% DN ở ĐBSCL cần vay vốn để sản xuất, kinh doanh, nhưng lãi suất cao đã khiến cho DN ngán ngại. Họ lúng túng trong việc tìm kiếm giải pháp thiết thực để vượt qua khó khăn. ITTPC sẽ phối hợp cùng BSA tạo ra chuỗi liên kết mới, tạo điều kiện kết nối DN ở Cần Thơ và ĐBSCL với nhau, rồi kết nối với DN TP Hồ Chí Minh”.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết