29/11/2015 - 09:07

Biển mặn…

* Truyện ngắn: Tôn Thất Lang

Chiều buông, mặt trời dần chìm xuống sau rặng dừa phía tây, ánh sáng vàng rực rỡ chiếu từng tia dài thẳng tắp hình rẽ quạt, gió nồm đầu mùa thổi nhẹ đưa hơi ấm biển cả lên hòn, lên đảo. Rặng dừa như vành đai chạy vòng cung trên hòn Nồm Giữa, thỉnh thoảng lá xào xạc hòa cùng những đợt sóng vỗ vào ghềnh đá. Dọc theo hòn Nồm, những chiếc ghe câu mực nằm yên nghỉ im lìm trông thật hiền lành chờ đêm về, chong đèn giăng câu đánh bắt.

Theo người xưa, Củ chon có đến hai mươi mốt hòn, hòn Nồm Giữa là một trong số đó, nằm tách biệt hoàn toàn. Trên hòn, cây cối xanh um thơ mộng bao bọc chở che; dưới biển đầy tôm cá. Nơi đây chỉ có duy nhất ngôi nhà cấp bốn và hai cái lều lụp xụp nằm khuất giữa các lùm cây sát mé ghềnh. Đó là nhà cha mẹ và chị em Rớt đã định cư ở hòn mấy chục năm nay.

***

Rớt điều khiển chiếc xuồng đánh bắt chạy vòng tròn. Út Giàu tay thoăn thoắt thả lưới. Khi hai múi lưới giáp phủ qua nhau, Út Giàu lấy cây sào đập xuống nước, miệng la lớn, còn Rớt lấy cây gõ vào mạn thuyền. Cá xanh xương nghe tiếng động hoảng hồn xắn vào lướt.

- Chị Rớt ơi! Chị Thanh lấy chồng hiền lành, chí thú làm ăn. Vậy là yên thân rồi. Còn lại hai chị em mình, không biết có ai chịu về hòn Nồm quạnh vắng này không nữa…

Nói xong. Giàu thừ người suy nghĩ. Không hẹn mà hai chị em cùng nhớ chuyện ông nội kể:

Cách nay hơn nửa thế kỷ, ông nội, bà nội cùng cha của Rớt đến hoang đảo này khai phá. Cuộc sống mới nơi bãi, ghềnh đầy cơ cực. Cả nhà che tạm căn lều. Ông nội cùng cha ban đêm đi câu cá, thẻ mực bằng ghe buồm. Ban ngày, khai hoang lập vườn. Còn bà nội, ngày ngày mò ốc, đục hào quanh ghềnh đá. Nhiều tháng liền không thấy hột gạo phải ăn rau trừ bữa. May ra một hai tháng có ghe đem gạo, thức ăn đến đổi cá khô, mực khô.

 

Năm ba Rớt hai mươi lăm tuổi, duyên nợ khiến xui ba cô đi bán cá, gặp người con gái mua cá. Nụ cười trao duyên, cảm thông nhau qua những tháng ngày cơ cực chống chọi với biển, với rừng để mưu sinh. Chén nước mắm biển mặn mòi, những con cá lù đù, cá xanh xương bên chén rượu gạo,… họ cùng nhau nên vợ nên chồng. Theo thời gian, ba chị em gái lần lượt ra đời. Tiếng trẻ thơ khiến căn nhà giữa biển cả núi rừng tan đi nỗi quạnh quẽ. Rớt- con gái lớn, rồi đến Thanh- nhỏ hơn hai tuổi, rồi em gái út nhỏ hơn Thanh một tuổi được đặt tên Giàu với ước mong cuộc sống gia đình khá giả hơn. Ba cô gái lớn lên mang vẻ đẹp mặn mòi, căng tràn sức sống của rừng, của biển.

- Sao cha mẹ đặt tên chị là Rớt?- có lần Giàu thắc mắc hỏi.

- Chị ra đời trong lần mẹ đi mò ốc ở ghềnh. Nước biển mặn mòi tắm gội hình hài chị đầu tiên nên ba mẹ đặt tên Rớt- mẹ kể chuyện xưa cũng là trả lời câu hỏi của Giàu.

Gần ba mươi năm sống ở hòn, ở bãi, hơn hai mươi năm sống với nghề đánh bắt trên biển, Rớt đã nhiều phen tưởng bị trả về đáy nước. Sau mấy lần chết hụt trong những chuyến theo cha đi câu rê, đi chủ, giăng lưới cá xanh xương…, Rớt muốn bỏ nghề. Nhưng được vài ngày cô lại nôn nao nhớ. Dường như từ lúc sinh ra, cuộc đời cô đã gắn liền với biển.

Ngày ông nội nguy kịch, trong phút lâm chung, ông gọi cha mẹ và ba chị em Rớt lại: "Hai vợ chồng con và các cháu ráng cùng nhau thương yêu đùm bọc, sinh con đẻ cháu, gìn giữ đất này. Đừng bỏ hòn mà đi!".

Ông nội mất. Một thời gian ngắn sau, bà cũng theo ông về với đất.

Nghe lời trăng trối của ông bà, Rớt- Thanh- Giàu gắn cuộc đời mình với sóng bạc đầu, với tiếng ve rừng. Trong ba chị em, Rớt là tay ngư phủ giỏi nhất, biết lặn sâu, biết nhìn biển đoán luồng cá… Sau nhiền lần bàn bạc, chị em Rớt quyết định chọn nghề bủa lưới cá xanh xương quanh rạn, theo các ghềnh, bãi, rạn san hô, để mưu sinh.

***

Lần lượt hai cô em gái của Rớt đều có chồng, cũng là những ngư phủ. Hai em đã làm tròn lời hứa với ông nội lúc lâm chung, sống thủy chung suốt đời với hòn, bãi. Lên xe hoa không thiệp mời, không áo cưới nhưng hai gia đình nhỏ êm ấm, hạnh phúc. Những túp lều cạnh mé ghềnh luôn rộn tiếng chồng vợ, tiếng trẻ con cười đùa. Còn Rớt, vẫn đơn bóng lầm lũi đi về.

Cuộc sống đang êm đềm, thì chợt một buổi sáng, Mai- con của Thanh hốt hoảng:

- Ngoại, ngoại ơi! Dì Rớt bỏ nhà đi rồi.

Bà ngoại hốt hoảng hỏi :

- Hồi nào ?

- Con cũng không biết nữa, giật mình thức dậy thì giường của dì trống trơn, áo quần cũng không còn.

Bà ngoại thở dài ngẫm ngợi không biết có ai làm gì để Rớt buồn đến nỗi bỏ đi. Tính khí Rớt nào giờ đâu có thích chốn đông người, xe cộ ồn ào, xô bồ. Bà ngoại kêu Mai lại, bảo:

- Con nói lại với mẹ, dì Út và các em giữ kín chuyện này, đừng nói với ai, nghe chưa! Để từ từ bà tính với ông ngoại.

- Dạ!

***

Sau thoáng bỡ ngỡ với phố thị, Rớt cũng tìm được chỗ trú thân nơi xóm lao động nghèo. Căn phòng trọ cũng đủ để cô mở một quầy nước nho nhỏ với vài cái bàn nơi mái hiên. Quán của Rớt là nơi tụ họp vào buổi sáng và xế chiều của một số lao động trong xóm. Ly trà đá, ly cà phê đẩy đưa những câu chuyện. Long là một trong những khách quen của quán. Lúc đầu cũng chỉ là những chuyện không đâu vào đâu; sau dần quen hơn, cả hai chia sẻ với nhau những câu chuyện về gia đình. Hôm nào Long không đến, Rớt lại thấy bồn chồn. Long lớn hơn cô hai tuổi nhưng dày dạn phong sương. Cũng phải thôi, bởi anh mồ côi từ nhỏ. Lớn lên với dì, dì mất, anh rời quê trôi dạt nhiều nơi, đem sức lực mà nuôi thân mình.

Cuộc sống ở phố ồn ào, sôi động dường như trôi qua nhanh hơn nhưng không làm Rớt nguôi nỗi nhớ cha mẹ, nhớ em, nhớ cháu. Và hơn cả là nỗi nhớ biển. Cô trở nên gầy gộc, xanh xao với nỗi nhớ…

Một buổi sáng, ghé quán, Long thấy cửa vẫn đóng im ỉm dù mặt trời đã lên cao. Long gọi mãi mới có tiếng khe khẽ:

- Em bệnh rồi!

Rớt nóng hổi, mặt tái xanh. Long hốt hoảng đưa cô vào bệnh viện. Trên đường đi, bỗng dưng Rớt thấy hoảng sợ. Cô sợ không còn được gặp lại người thân, không còn được về với biển và trên hết là nỗi sợ cô đơn. Cô níu chặt tay Long:

- Đừng bỏ em lúc này!

Ba ngày chăm sóc Rớt ở bệnh viện khiến Long quá mệt mỏi, thiếp ngủ lúc nào không hay. Anh giật mình khi bàn tay với những nốt chai khẽ khàng chạm lên khuôn mặt khắc khổ, sạm nắng của anh:

- Em tỉnh rồi!

- May mà những ngày qua có anh chăm sóc cho em… - Rớt cảm động.

- Anh sẽ chăm sóc em suốt đời. Chỉ có điều không biết em có ưng không?

- Anh có ưng về hòn với em, với gia đình em không? Gia đình em luôn chào đón thành viên mới, cùng nhau giữ hòn, giữ bãi… Còn biển thì lúc nào cũng rộng vòng tay với những con người thủy chung, biết yêu biển, biết quí trọng sản vật của biển…

- Anh suy nghĩ nhiều rồi. Anh sẽ về với em, sẽ lập nghiệp từ biển…

***

Trên biển hòn Nồm, sóng vẫn cuồn cuộn. Rớt bẻ lái cho thuyền chạy thành vòng tròn, Long thoăn thoắt thả lưới. Thả xong, Long lấy sào đập mạnh trên mặt biển, nước bắn tung tóe; còn Rớt lấy dầm gõ vào mạn thuyền. Lát sau, Rớt kéo lưới, Long gỡ cá, những con cá xanh xương vùng vẫy sáng lên ánh bạc dưới làn nước biển trong vắt...

Chia sẻ bài viết