13/08/2019 - 08:17

“Người đua diều”

Bi kịch và vòng tròn số phận 

Là tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Khaled Hosseini, người Afghanistan, nhưng “Người đua diều” đã nhanh chóng trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất thế giới, nhận vô số lời tán thưởng của các nhà phê bình, báo chí và tình cảm của độc giả. Tác phẩm không chỉ là một câu chuyện hấp dẫn, bi thương mà còn phản ánh rõ nét lịch sử và văn hóa của đất nước Afghanistan, vùng đất chịu nhiều ảnh hưởng của chiến tranh và ly hương.

Sách do NXB Hội Nhà văn phối hợp Công ty Nhã Nam phát hành.

Câu chuyện bắt đầu với đất nước Afghanistan thanh bình, tươi đẹp, nơi Amir - con trai của một thương nhân giàu có và Hassan - con trai của người quản gia Ali, cùng lớn lên và là đôi bạn thân thiết. Hằng năm, nơi đây đều tổ chức cuộc đua diều vào mùa đông và người chiến thắng là niềm tự hào của gia đình, được xã hội tôn vinh. Mùa đông năm 1975, Amir trở thành người đứng đầu cuộc đua, Hassan vì bảo vệ chiếc diều xanh chiến lợi phẩm của Amir đã bị bọn xấu hành hung, xâm hại. Sự nhu nhược và hèn nhát đã cản bước Amir cứu bạn, thậm chí còn biến cậu thành một kẻ gian dối khi bịa chuyện nhằm đuổi cha con Ali và Hassan ra khỏi nhà. Chiến tranh, ly loạn diễn ra, Amir và cha rời quê hương đến Mỹ tị nạn. Hơn 20 năm sau, Amir biết được sự thật về mối quan hệ của anh và Hassan, về cái chết đau lòng của người bạn thời thơ ấu. Anh trở về Afghanistan, tìm lại con trai duy nhất của Hassan đang lưu lạc như một cách để chuộc lại tội lỗi…

Bi kịch của câu chuyện nằm ở sự đố kỵ, ích kỷ của Amir đối với Hassan, vì muốn tranh giành tình cảm, sự yêu thương của cha đã dẫn đến những lỗi lầm, sự ám ảnh day dứt trong suốt phần đời còn lại của Amir. Ngay cả khi anh đang sống sung túc trên đất Mỹ, tìm được một mái ấm hay thực hiện được mơ ước trở thành nhà văn, Amir vẫn dằn vặt và chạy trốn quá khứ. Nút thắt tâm lý ấy chỉ được tháo gỡ khi anh quay trở lại quê hương, vượt qua bao khó khăn, thậm chí suýt mất mạng để đưa giọt máu của Hassan về sống với mình. Tác giả đã khéo léo tạo ra một vòng tròn số phận ở 3 đời: đời cha mẹ, thời của Amir và Hassan rồi đến con trai của Hassan bằng sợi dây huyết thống với những tình huống nghiệt ngã. Đặc biệt, hình ảnh trong quá khứ lặp lại ở hiện tại khi từ đời cha đến đời con đều bị kẻ ác bắt nạt, hành hung. Điều khác biệt chính là cách ứng xử và thái độ của nhân vật: Amir đã không còn hèn nhát, bỏ trốn như xưa mà đã dám đương đầu với kẻ mạnh để bảo vệ người thân, dù đánh đổi bằng cả tính mạng. Đó là sự chuộc lỗi và cứu rỗi để Amir có thể sống tiếp.

Khởi đầu của bi kịch là từ những con diều và may mắn thay ở những trang sách cuối cùng, những con diều lại mang lại nụ cười và hạnh phúc. Đó cũng là hình ảnh khép lại vòng tròn số phận, những đau thương, day dứt, mang đến tia hy vọng mới cho những con người bất hạnh.

“Người đua diều” là tác phẩm best-seller, nắm giữ vị trí đầu bảng của The New York Times trong 110 tuần; nằm trong danh sách tác phẩm hay nhất của nhiều đơn vị, tổ chức uy tín.

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết