11/01/2021 - 08:14

Bếp - Bar thiện nguyện 

Hơn 9 năm hoạt động, cơ sở dạy nghề Bếp - Bar (đường 30 Tháng 4, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều) không chỉ tiên phong trong đào tạo nghề pha chế ở Cần Thơ mà còn để lại dấu ấn với những hoạt động thiện nguyện. “Đứng mũi chịu sào” là chủ cơ sở, chị Nguyễn Lê Vân Tuyết.

Chị Tuyết (người cầm ly nước) và các học trò bên không gian pha chế.

Chị Tuyết (người cầm ly nước) và các học trò bên không gian pha chế.

Phòng làm việc của chị Tuyết có treo block lịch mới được xé những tờ đầu của năm 2021, phía trên in dòng chữ “Chuyến xe ước mơ kính tặng”. “Chuyến xe ước mơ” là chương trình do Hội đồng Ðội TP Cần Thơ và Trường Phổ thông Thái Bình Dương phối hợp thực hiện, với mục đích mang yêu thương đến với các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, trước những thiệt hại nghiêm trọng do bão lụt gây ra với đồng bào miền Trung hồi tháng 10, tháng 11 năm 2020, “Chuyến xe ước mơ” đã mở rộng hành trình. Chương trình kết nối, vận động nhà hảo tâm, các cá nhân, tập thể hỗ trợ khẩn cấp đồng bào miền Trung ruột thịt. Và chị Tuyết là một trong những người nhiệt tình ủng hộ chương trình.

Khi biết được chương trình “Chuyến xe ước mơ”, chị Tuyết kêu gọi bạn bè, người thân, các thế hệ học trò của mình chung lòng vì đồng bào miền Trung. Kết quả, khối lượng hàng hóa lên đến khoảng 4 tấn, gồm quần áo, mì gói, nhu yếu phẩm... tổng trị giá hàng trăm triệu đồng. Lúc đầu, chị Tuyết cũng không nghĩ số hàng hóa vận động được lại nhiều đến thế. Chị cho rằng đó là sức mạnh của tình nghĩa đồng bào và chị chỉ là người kết nối.

Chị Vân Tuyết kiệm lời khi nói về những việc làm thiện nguyện của mình. Chị xem đó chỉ là hạt muối giữa đại dương tình người mênh mông. Nhưng với những bạn bè và học trò của chị, tấm lòng ấy thật đáng trân quý. Khoảng 9 năm hoạt động, chị Tuyết đã nhận dạy cho hàng chục trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hoàn toàn miễn phí, lại miễn phí cả tiền nguyên vật liệu để thực tập. Trung bình mỗi học viên học ra nghề khoảng 10 triệu đồng, số tiền chị Tuyết miễn phí cho học viên lên đến hơn 100 triệu đồng.

Ðang học nghề miễn phí tại cơ sở của chị Tuyết là em Huỳnh Ngọc Thảo Nguyên (18 tuổi, ngụ phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều). Hoàn cảnh của Thảo Nguyên khó khăn, nên em muốn có nghề để đi làm, phụ giúp cha mẹ. Biết được hoàn cảnh của em, chị Tuyết nhận dạy không lấy tiền và miễn phí cả nguyên vật liệu thực tập. Thảo Nguyên chia sẻ: “Cô dạy em rất nhiều kiến thức bổ ích, lại ân cần quan tâm, chia sẻ với hoàn cảnh của em”.

Ngoài ra, chị Tuyết còn giảm 30% học phí cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về. Gần nhất là anh Phạm Trường Huy, ngụ huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, sau khi xuất ngũ đã đến cơ sở học nghề pha chế. Chẳng những được giảm giá học phí, Huy còn được chị Tuyết hỗ trợ nhiệt tình trong quá trình học và nay đã có công việc ổn định, lập nghiệp với đam mê của mình.

Chị Tuyết chia sẻ: “Tôi rất yêu nghề pha chế, đó là cuộc sống của tôi. Với những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, tôi muốn giúp họ có một nghề, có công việc để ổn định cuộc sống”. Ông bà xưa vẫn hay nói: “Cho cần câu chứ đừng cho con cá”, chị Tuyết vẫn lặng thầm trao những chiếc “cần câu” từ tấm lòng thiện nguyện.

Một hoạt động rất hay khác nữa ở cơ sở dạy nghề Bếp - Bar là phối hợp với Trường Tiểu học Mạc Ðĩnh Chi (quận Ninh Kiều) để các em học sinh tìm hiểu, trải nghiệm làm bánh dân gian. Chị Tuyết và các cộng sự giới thiệu với các em nhỏ nét đẹp của bánh dân gian, từng dụng cụ làm bánh xưa cũ mà chị kỳ công sưu tầm, cũng như cùng các em trải nghiệm làm bánh. Dù miễn phí nhưng sau mỗi buổi trải nghiệm, chị Tuyết lại rất vui vì thấy sự say sưa, thích thú của các em. Chị nói: “Bây giờ bánh Âu, món Âu nhiều quá, đôi khi các em nhỏ không biết bánh dân gian. Tôi muốn gửi gắm đến các em, để làm ra chiếc bánh, các bà, các mẹ đã kỳ công và đặt vào đó biết bao tình cảm yêu thương, rất đáng được trân trọng”.

Bếp - Bar không chỉ dạy nghề mà còn truyền cảm hứng sống đẹp, sống tốt. Anh Nguyễn Anh Phương, là học viên của cơ sở, sau khi ra trường được nhận lại làm giáo viên, gắn bó với Bếp - Bar hơn 7 năm qua. Anh Phương tâm sự: “Cô Tuyết không chỉ là cầu nối cho niềm đam mê nghề pha chế, mà còn có nhiều việc làm thiện nguyện ý nghĩa. Tôi cùng các bạn đã đồng hành và cảm nhận được những điều ý nghĩa đó”.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết