27/07/2013 - 17:53

Bệnh viêm gan siêu vi B và cách phòng ngừa hiệu quả

Viêm gan siêu vi B (VGSVB) là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus viêm gan B gây ra. Căn bệnh này hiện đang là mối đe dọa lớn đến sức khỏe của con người trên toàn cầu.

Thăm khám bệnh nhân viêm gan B tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ.  

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện có khoảng 2 tỉ người bị nhiễm virus viêm gan B và hơn 240 triệu người bị bệnh VGSVB mạn tính. Việt Nam thuộc vùng có tỷ lệ lưu hành bệnh VGSVB khá cao (khoảng 10-20%). Người bị nhiễm virus viêm gan B có thể bị bệnh VGSVB cấp tính hoặc không có dấu hiệu triệu chứng của bệnh nhưng trở thành người mang virus mạn tính suốt đời. Trong đó, khoảng 25% người bệnh VGSVB mạn tính, có thể tử vong do ung thư gan và xơ gan.

Tại TP Cần Thơ, mặc dù chưa có thống kê cụ thể về tình hình nhiễm virus viêm gan B trên địa bàn; tuy nhiên, theo ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, trung bình mỗi tháng có khoảng 200 bệnh nhân được theo dõi và điều trị VGSVB. Bác sĩ Trần Văn Phúc, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cho biết, VGSVB lây truyền chủ yếu qua ba đường như: đường máu, có thể xảy ra trong những trường hợp như: tiêm chích ma túy (dùng bơm kim tiêm chung), chạy thận nhân tạo dài ngày, truyền máu chưa sàng lọc VGSVB, rách da chảy máu…; quan hệ tình dục không có biện pháp bảo vệ an toàn và lây truyền từ mẹ sang con.

Biểu hiện của VGSVB rất khó phát hiện, đa số các trường hợp triệu chứng không rõ ràng nên người bệnh dễ bỏ qua. Như trường hợp của chị Hoàng Ngọc L.H (quận Ninh Kiều), sau khi đi khám sức khỏe tổng quát, làm xét nghiệm máu tại bệnh viện, chị mới phát hiện nhiễm virus viêm gan B. Chị H. tâm sự: "Trước đó, tôi thấy người mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng nhưng chỉ nghĩ do làm việc quá sức mà thôi". Cách đây mấy ngày, anh Lê Văn T. (32 tuổi, ở xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ) nhập viện Khoa Nội tiêu hóa - Huyết học vì viêm tụy cấp. Trong quá trình bác sĩ thăm khám, xét nghiệm máu, phát hiện anh T. còn mắc thêm bệnh VGSVB.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Thanh Hoa, Trưởng khoa Nội tiêu hóa - Huyết học, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, biểu hiện lâm sàng của VGSVB cấp có thể nhẹ, không vàng da, vàng mắt; cũng có thể trầm trọng với vàng da, vàng mắt. Điển hình là nhức đầu, mệt mỏi, ăn uống kém, nôn ói, sốt nhẹ, đôi khi có lạnh run vào thời gian đầu… Các dấu hiệu này hiện diện khoảng 2-7 ngày trước khi vàng da, vàng mắt xuất hiện. Mức độ trầm trọng của bệnh cũng thay đổi, đa số trường hợp không có triệu chứng rõ rệt. Cần lưu ý là một số trường hợp bệnh nhân không có dấu hiệu lâm sàng nhưng khi xét nghiệm thì men gan AST/ALT gia tăng rất dữ dội. Các dấu hiệu này ở trẻ em kéo dài trung bình khoảng 2 tuần và người lớn vào khoảng 4-6 tuần. Các bác sĩ cũng khuyến cáo, khi phát hiện mắc VGSVB, người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời. "Mục tiêu và lợi ích của điều trị VGSVB chính là ngăn ngừa biến chứng lâu dài (như xơ gan, ung thư gan, tử vong) nhờ ức chế HBV - DNA kéo dài, mục tiêu chính nhằm giảm HBV - DNA trong máu đến mức không phát hiện được. Thời gian điều trị thuốc uống thường lâu dài, có thể suốt đời, nhất là đối với những bệnh nhân viêm gan B có HBeAg âm tính, chỉ ngưng sử dụng thuốc khi mất HbsAg" - bác sĩ Hoa cho biết thêm.

Về chế độ ăn, BS Trần Văn Phúc khuyên, người bệnh VGSVB không nên quá kiêng cữ. Cần ăn những thức ăn giàu đạm, bột, đường giúp cung cấp nhiều năng lượng cho cơ thể, hạn chế mỡ (nhưng không phải kiêng hẳn), chọn thức ăn mềm, dễ tiêu và đảm bảo vệ sinh ăn uống. Người bệnh cũng có thể ăn tất cả các loại trái cây; nhưng phải kiêng rượu, bia và những chất có cồn, chất lên men như cơm rượu... vì những loại này thường gây hại cho gan; đặc biệt rượu, bia là yếu tố thúc đẩy bệnh nhân bị xơ gan nhanh hơn. Không nên làm việc nặng, quá sức và nên đi bộ, tập thể dục nhẹ nhàng để giữ cơ thể khỏe mạnh.

Để phòng tránh lây nhiễm VGSVB, mọi người cần lưu ý, không sử dụng chung những vật dụng bén nhọn có khả năng dính máu và dịch tiết với người khác, không nên dùng bơm kim tiêm chung; dùng bao cao su khi quan hệ tình dục; đảm bảo an toàn khi truyền máu. Thai phụ cần thăm khám định kỳ và tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ, nhất là những thai phụ có nhiễm virus viêm gan B. Ngoài ra, đối với những người chưa có miễn dịch với virus viêm gan B nên đi tiêm phòng vắc-xin ngừa VGSVB, làm giảm tỷ lệ VGSVB, xơ gan và ung thư gan. Đối với những trẻ sinh ra từ người mẹ bị nhiễm VGSVB, phải tiêm phòng vắc-xin trong vòng 24 giờ ngay sau khi sinh, để giảm khả năng lây truyền từ mẹ sang con.

Bài, ảnh: NGUYỆT HƯƠNG

Chia sẻ bài viết