27/08/2021 - 07:25

Bệnh cao huyết áp gia tăng báo động và cách kiểm soát 

Theo nghiên cứu chung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Đại học Hoàng gia Luân Đôn (Anh), trên toàn cầu hiện có gần 1,3 tỉ người trên 30 tuổi bị cao huyết áp. Tuy nhiên, hơn phân nửa trong số này không biết mình bị bệnh, nên không được điều trị hoặc có biện pháp kiểm soát thích hợp và có thể đối mặt với bệnh tim, đột quỵ, bệnh thận.

Uống một ít rượu vang mỗi tuần hoặc ăn quả mọng hằng ngày giúp hạ huyết áp. Ảnh: Express

Uống một ít rượu vang mỗi tuần hoặc ăn quả mọng hằng ngày giúp hạ huyết áp. Ảnh: Express

Qua phân tích dữ liệu của những người từ 30-79 tuổi tại 184 quốc gia, nhóm nghiên cứu phát hiện số người bị cao huyết áp đã tăng gấp đôi, từ 648 triệu trong năm 1990 lên 1,28 tỉ vào năm 2019. Mặc dù tỷ lệ người bị cao huyết áp đã thay đổi chút ít trong 3 thập niên qua, song số ca cao huyết áp đã chuyển từ những nước giàu - đã kiểm soát được bệnh này - sang những quốc gia có thu nhập thấp hơn. Giáo sư về sức khỏe môi trường toàn cầu thuộc Đại học Hoàng gia Luân Đôn Majid Ezzati cho rằng nhiều khu vực ở hạ Sahara châu Phi, Nam Á và một số đảo quốc Thái Bình Dương vẫn chưa có phương pháp điều trị cần thiết.

Bệnh cao huyết áp thường do béo phì gây nên và được xem là “sát thủ thầm lặng” làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và thận. Trong năm 2019, khoảng 17,9 triệu người đã chết do các bệnh về tim mạch (chiếm 1/3 số ca tử vong trên toàn cầu), trong đó cao huyết áp là nguyên nhân chính. Giám đốc bộ phận các bệnh không lây nhiễm của WHO Bente Mikkelsen cho rằng ngoài nguy cơ mắc bệnh do di truyền, những yếu tố khác làm tăng nguy cơ cao huyết áp chủ yếu liên quan tới lối sống như chế độ ăn uống không lành mạnh, không tập thể dục, hút thuốc, uống rượu, bị bệnh tiểu đường và thừa cân.

Cách kiểm soát bệnh cao huyết áp

Nghiên cứu của Hiệp hội Tim Mỹ gần đây phát hiện những thực phẩm giàu flavonoid gồm các loại quả mọng, táo, lê và rượu vang có tác dụng tích cực đối với chỉ số huyết áp.

Hiệp hội Tim Mỹ đưa ra kết luận trên sau khi thực hiện nghiên cứu đối với 904 người trong độ tuổi 25-82. Trong đó, nhóm nghiên cứu sử dụng những câu hỏi trắc nghiệm để thu thập thông tin về việc tiêu thụ thực phẩm giàu flavonoid của từng người tham gia trong nhiều năm. Kết quả cho thấy những người ăn thực phẩm giàu flavonoid nhiều nhất có chỉ số huyết áp tâm thu thấp hơn và hệ vi sinh đường ruột đa dạng hơn so với những người tiêu thụ ít thực phẩm giàu flavonoid. Các tác giả ước tính mỗi ngày ăn 128g các loại quả mọng (dâu tây, nho, việt quất, anh đào...) giúp kéo giảm huyết áp trung bình 4,1 mmHg. Trong khi đó, mỗi tuần uống 350ml rượu vang đỏ có thể làm giảm huyết áp trung bình 3,7 mmHg. “Hệ vi sinh đường ruột đóng vai trò chính trong việc chuyển hóa flavonoid để tăng tác dụng bảo vệ tim. Nghiên cứu này chứng minh chúng ta có thể đạt được tác dụng hạ huyết áp bằng cách thực hiện những thay đổi đơn giản trong chế độ ăn hàng ngày”, Aedin Cassidy, trưởng nhóm nghiên cứu, nói trong thông cáo báo chí.

Bên cạnh thực phẩm giàu flavonoid kể trên, những loại thực phẩm sau đây cũng giúp giảm huyết áp hiệu quả. Đơn cử như trái cây họ cam quýt, cá béo (giàu axít béo omega-3), hạt bí ngô, đậu lăng, hạt dẻ cười, cà chua, bông cải xanh và sữa chua Hy Lạp. Trong đó, trái cây họ cam quýt chứa nhiều vitamin, khoáng chất quan trọng giúp tim luôn khỏe mạnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim. Hạt bí ngô thì có hàm lượng cao kali, magiê và axít amin - những chất được biết đến là giúp giảm huyết áp. Uống nước ép cà chua cũng có khả năng làm giảm huyết áp và cholesterol xấu vốn là yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch. 

Để kiểm soát bệnh cao huyết áp, bệnh nhân cần tránh xa món ăn mặn và béo, chứa nhiều đường cũng như thức uống có cồn, nước tăng lực và cà phê. Đặc biệt, ăn mặn là thói quen dễ đẩy huyết áp lên cao. Việc uống thuốc hạ huyết áp và tập thể dục thường xuyên cũng rất quan trọng trong việc kiểm soát chứng bệnh này.

HẠNH NGUYÊN (Theo medscape)

Chia sẻ bài viết