11/06/2017 - 11:13

Bên mộ cụ Đào Tấn

Tôi biết đến cụ Đào Tấn từ lúc học đại học bởi cụ được nhắc đến trong chương trình khoa học xã hội như một bậc trí giả, nhà soạn tuồng làm rạng danh nghệ thuật truyền thống. Mấy mươi năm sau, cùng các thành viên Hội Nhà văn TP Cần Thơ, tôi mới có dịp viếng thăm phần mộ của người, với bao nỗi cảm hoài.

Vị quan thanh liêm triều Nguyễn

Cụ tên thật là Đào Đăng Tấn (1845-1907), tự Chỉ Thúc, hiệu Tô Giang, Mộng Mai, biệt hiệu Mai Tăng; quê ở thôn Vĩnh Thạnh, tổng Thời Tú, huyện Tuy Phước, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định (nay là thôn Vĩnh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, Bình Định). Ông thuộc dòng dõi Lộc Khê hầu Đào Duy Từ (1572-1634), người đã dựng nên Lũy Thầy nổi tiếng ở xứ Quảng Bình thời chúa Nguyễn. Thuở nhỏ Đào Tấn theo học với cụ tú Nguyễn Diêu, người làng Nhơn Ân, xã phước Thiện cùng huyện Tuy Phước. Không những thầy dạy chữ để đi thi mà còn gieo trong ông niềm say mê tuồng cổ, đào tạo ông trở thành một nhà soạn tuồng. Vì vậy, lúc mới 19 tuổi, đang học với thầy, cụ Đào Tấn đã soạn vở tuồng đầu tay Tân Dã Đồn, nổi tiếng từ dó.

Hình trong nhà thờ cụ Đào Tấn.

Ông đổ cử nhân khoa Đinh Mão (1867) năm 22 tuổi dưới triều vua Tự Đức nhưng dẫu văn tài xuất chúng, cụ Đào Tấn khá lận đận trường thi, không vượt qua kỳ thi hội tiếp theo. Mãi đến bốn năm sau (1871) khi vua Tự Đức cho rà soát lại những người chưa đỗ đạt, ông mới được triệu về kinh thành Huế, được sơ bổ Điền tịch và sung vào Hiệu thư ở Nội các (tức hội nhà văn của triều đình), phụ trách việc biên soạn và sáng tác, do vua Tự Đức làm chủ tọa.

Năm 1874, ông được bổ nhiệm Tri phủ Quảng Trạch, sau thăng lên Phủ doãn Thừa Thiên. Trong những năm 1871 đến 1904, từ thời vua Tự Đức đến vua Thành Thái, ông kinh qua các chức vụ như Tham biện, Tổng đốc An Tĩnh, Tổng đốc Nam Ngãi, Thượng thư Bộ binh, Bộ công, quan hàm nhất phẩm, được phong Hiệp biện Đại học sĩ, tước Vinh Quang tử. Năm 1904 ông lui về quê nhà ở ẩn.

Suốt những năm làm quan (1871- 1904), trải mấy triều đại nhà Nguyễn, lúc nào cụ Đào Tấn cũng là một vị quan cương trực, thanh liêm, nhân phẩm sáng ngời được giới sĩ phu trọng nể và nhân dân yêu quý. Điều đặc biệt là ngay trong thời gian làm quan, cụ Đào Tấn vẫn viết tuồng, làm thơ, nhuận sắc các vở tuồng cổ chứ không đợi đến lúc thối quan.

Ông qua đời ngày 23 tháng 8 năm 1907, chỉ mấy năm sau khi ông thoái ẩn. Mộ và đền thờ ông đều nằm tại đất Bình Định và luôn có người lui tới, thắp hương tưởng nhớ.

Hậu Tổ của nghệ thuật tuồng

"Trời chẳng cho nhàn, vào bận rộn này tìm chút rảnh

Việc đời như kịch, há trong chốn giả bảo không chân" (*)

Đó là lời dịch câu đối chữ Hán mà cụ Đào Tấn viết ở "Học bộ đình". Theo đó cho thấy, ông xem việc sáng tác tuồng là một phần cuộc sống. Câu đối còn cho thấy ông ý thức rất rõ về vai trò của nghệ thuật tuồng trong mối liên hệ với cuộc sống. Thông qua các vở tuồng, cụ Đào Tấn thể hiện nỗi niềm trước thời cuộc đồng thời cũng thấy được giá trị tinh thần cao quý của bộ môn nghệ thuật này.

Trong cuộc đời làm quan ông không ngừng nhuận sắc các vở tuồng kinh điển như Sơn Hậu, Tam Nữ Đồ Vương, Đào Phi Phụng, Nguyệt Cô Hóa Cáo, Ngũ Hổ Bình Tây và soạn hàng chục vở tuồng xuất sắc như Cổ Thành Hội, Trầm Hương Các, Hoàng Phi Hổ Quá Giới Bài Quan, Hộ Sanh Đàn… Thời rực rỡ nhất của ông trong sự nghiệp viết tuồng là những năm 1998-1902. Đó là khi ông có thời gian trau dồi trong Ban Hiệu thư, từ đó có điều kiện trau chuốt văn tuồng, bổ sung kiến thức để vở tuồng viết ra uyên bác, nghiêm ngặt trong từng ý từng câu. Vua Tự Đức từng khen ông "Bút pháp như thần" chính là vậy. Đời sau cũng xưng tụng cụ Đào Tấn là "Ông vua của nghệ thuật tuồng"(**). Phong cách tuồng của ông cũng được nhân dân yêu mến gọi là "Tuồng cụ Đào". Bởi vì ông vẫn lấy tích xưa nhưng đã vượt qua khuôn khổ của "tuồng pho" (tức tuồng tích đã sẵn trong sách, người xem đã rành kịch tình và đi xem tuồng chỉ để thưởng thức tài của nghệ sĩ và đạo diễn, tuồng pho thường theo sát đạo lý: Phụ tử đắc kỳ hiếu / Quân thần tận kỳ trung / Phu phụ đơn kỳ thuận / Bằng hữu chi kỳ tín / Huynh đệ toàn kỳ cung). Tuồng của cụ Đào Tấn đã phá vỡ khuôn mẫu ước lệ công thức trong kết cấu kịch bản, trong ngôn từ, để từ đó tạo thành những hình tượng nhân vật bất hủ. Ông còn có công lớn trong việc hoàn thiện âm nhạc tuồng, mỹ thuật sân khấu (trang trí, trang phục, đạo cụ…). Cụ Đào Tấn là người đầu tiên đưa tuồng dân gian vào cung đình và ngược lại. Ông đã từng cho thả bè chuối trên kênh để diễn một trận thủy chiến, cũng có khi ông cho diễn tuồng ngay trên đường làng Vĩnh Thạnh để dân chúng xem. Làm sao người dân Bình Định thời đó có thể quên được những nghệ sĩ tuồng quen thuộc như Đội Hiệp, Cửu Khi, Bát Phân, Quản cơ Thường, Chánh ca Hoa, Chánh ca Nghiêm, Chánh ca Võ…

Cho nên ông được xem là "Hậu tổ nghệ thuật tuồng" và được tôn vinh danh nhân văn hóa dân tộc. Ngoài những đóng góp lớn cho nghệ thuật tuồng cổ, cụ Đào Tấn còn là một nhà lý luận sân khấu với tác phẩm "Hý trường tùy bút", là một nhà thơ với nhiều tập thơ dưới bút danh Mộng Mai…

***

Buổi chiều, rẽ vào bên trái dưới cầu Bà Gi, đoàn văn nghệ sĩ chúng tôi vượt qua con đường nhỏ gập ghềnh vào khu mộ vị thầy tuồng của Bình Định. Mộ ông nằm trên đồi Huỳnh Mai, thuộc xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, Bình Định, đi lên gần trăm bậc thang mới tới nơi. Ngay bên dưới đã có biển đề "Di tích lịch sử- Mộ Đào Tấn". Bên kia là bảng đá xanh ghi: Di tích Mộ Đào Tấn, nơi an nghỉ cuối cùng của nhà soạn tuồng- nhà thơ- nhà hoạt động sân khấu xuất sắc thế kỷ XIX được Nhà nước công nhận ngày 24-1-1998. Vượt những bậc thang, lên đồi, ở đó ngôi mộ trắng nằm giữa, phía trước là hai cột xi măng quét vôi rìa vàng, bên trong màu xanh. Mộ có bậc tam cấp đi lên, trước mặt và sau lưng đều có bình phong. Ngôi mộ nhỏ, gọn nhưng hài hòa cân đối, từ trên cao nhìn xuống, cỏ cây bao bọc xanh ngút. Đứng bên mộ trong buổi chiều, lòng nhẹ bổng, lâng lâng. Chợt nhớ một câu thơ của cụ Đào Tấn:

Lao xao sóng vỗ ngọn tùng

Gian nan là nợ anh hùng phải vay

Ông là vị quan thanh liêm, "Ông vua của nghệ thuật tuồng", đã vay và đã trả cho đời những vở tuồng tuyệt tác sống mãi đến hôm nay. Khi chúng tôi xuống đồi, nắng chiều đã dịu bớt, những kẻ hậu bối ngưỡng mộ văn tài và đức độ của cụ Đào Tấn, chợt nhớ một câu nói nổi tiếng của ông "Sống ở đời thấy chuyện ngang trái không trị thì còn mặt mũi nào dạy dỗ thiên hạ trong tuồng".

Bút ký: NGUYỄN NGỌC TUYẾT


Chú thích:
(*) Nguyên tác: "Thiên bất dự nhàn, thả hướng mang trung tầm tiểu hạ
Sự đồ như hí, hà tu giả xứ tiếu phi chân" (**) Lời Tố Hữu

Chia sẻ bài viết