03/06/2018 - 11:18

Bến gầm cầu 

Truyện ngắn: Lương Minh Hinh

Hai Dịu thắp nhang, cho ghe đậu dưới tàn cây nằm nước ở ngoài bến Trên của Ngã Tứ Chợ. Ở bến Trên có tiếng gọi “Đò ơi!”, lập tức đò từ bến Chợ chạy lên đón đưa khách. Hai Dịu nhìn người lái đò, tay bỗng run, mắt dõi bóng hình tay lái về bến Chợ.

Trời đất! Đúng là anh Chợ! Nhưng mà người đen đúa, già xọm đi, thảo nào người ta kêu ông Chợ, cóc Chợ. “Anh Chợ một đò, một bến, một thân ơi, em nè!”. Dịu nhấn máy ghe dạt sóng nước sang bến Chợ... Ghe đụng đò cái uỳnh.

-  Bát, cạy (*)… sao nhào vô bến vầy, chìm đò là ở với Hà Bá. 

- Ghe vin cọc bến một hồi nha!

 Hai Dịu tung dây neo. Dịu đã tính đầu dây có thòng lọng, tung là quàng cọc bến. Dịu lại cho sườn ghe tạt qua áp sườn đò cái rầm. Chợ nhìn người ngồi ghe, nón chụp tùm hum che mặt. Nghe giọng nói trong trẻo quen thuộc, Chợ liền bước qua ghe giựt tung hê cái nón. Anh hốt hoảng khuỵu xuống. Hai Dịu! Chợ dướn tới cầm tay Hai Dịu. Hai buông cần lái xô tới ôm ghì lấy Chợ. Rồi tay trong tay ngồi giãi bày xa cách.

- Sao biết anh ở miệt thứ này?

- Người sống với đất thành tên tuổi: Ngã Tứ Chợ - bến Chợ, bến Trên, bến Phải, bến Trái... trốn sao được.

- Còn anh kiếm em khắp thị tứ Cồn không thấy tăm hơi.

- Cha cưới vợ kế. Em “chia tài sản” lấy mỗi cái ghe rồi mua cái bát nhang ra mộ mẹ thắp nhang rước mẹ đi cùng. Năm năm làm công trồng bông kiểng, rửa chén hàng ăn uống và cuối cùng mới làm nghề ghe dạo hàng bông. Chắc bởi vậy mà anh không tìm thấy…

***

Dịu đốt nhang đưa Chợ cùng khấn mẹ. Trầm tỏa. Vừa lúc có tiếng “Đò ơi!” vọng tới. Chợ lo đưa rước khách.

Hai Dịu tu sửa cái nhà ghe đôi, sắp xếp ăn ở ngăn nắp, đò của Chợ chỉ còn dùng đưa rước khách. Tuần trăng mật qua mấy mùa trăng. Chuyện cũ không ngày nào không nhắc là hồi nẳm có bé gái đi hái bông điên điển, thấy cái ghe chở khẳm đất dường như chìm nghỉm. Nhỏ kêu lên để mấy nhà ghe xung quanh cứu người đuối nước và chạy ghe máy tới. Thằng nhỏ của ghe đất, mà con nhỏ tưởng là bị đuối nước, bất ngờ quay lại nhô người lấy đất ném tới tấp và hét lên, rồi quay ghe. Cô bé ngoắt ghe chúi vào bờ cây. Đổ xong đất Chợ quay lại thấy cô bé khóc. Chợ gỡ cái ghe bị bẻ lái lách cứng ngắc giữa đám cây ra.

Hai Dịu cảm ơn anh!

Chợ cám ơn Hai lo cứu ghe Móc Mang Hà Bá (**).

 

Cô bé mười tám kết bạn với chàng trai hai mươi… Dăm năm sau mới gặp lại. Dịu bảo Chợ: Chợ phải họp chợ, mở chợ, mở cái quán nước, để con tụi mình sau này có chỗ chạy nhảy. Chuyện nhỏ. Chợ cặm cây gác sàn nửa bờ nửa nước, liền có quán bến. Khách qua đò, người ghe dạo, dân nhà ghe lên quán chuyện trò sôi nổi. Đến một ngày, Dịu xòe tay tính. Qua mấy mùa, nước mưa, nước rạch đã thành chén trà, hàng họ, tiền nong. Chồng tiếp vợ mở đất làm ăn đi!

Chợ cũng xòe tay, lên gia viên nhà cửa vườn ruộng, trấn bờ rạch. Mọi người thấy bàn tán hò nhau nhào tới cùng lên gia viên, định cư làm hàng xóm láng giềng nhà Chợ. Từ đó lại thêm bến Chợ, bến Trái, bến Phải, bến Trên… cùng họp lại thành Ấp Ngã Tứ.

Sống với nhau vài năm, Chợ vẫn quen cái nết bám Dịu. Dịu đặt tay Chợ lên bụng mình: Con nó nói chuyện với cha nè. Con kêu cha dạy nổ máy cầm cần lái đò đưa...

***

Oa!…Oa!…Oa!… Tiếng khóc chào đời cuộn lên tấm lòng người cha trong Chợ.  Mẹ tròn con vuông rồi. Con gái. Chợ đặt tên con là Dàng, hợp với tên Dịu thành Dịu Dàng!

Ngã Tứ bỗng sôi sục công cuộc mở đất miệt thứ, xáng gầm máy rú mở đại lộ, làm cầu đúc băng qua bến Trái, bến Chợ. Hai vợ chồng phải đưa bé Dàng về nhà ngoại. Dịu đã làm lành với cha, bởi khi có con, Dịu mới hiểu tấm lòng cha mẹ. Dịu ra ở tum vườn, lo rau lúa.

Cầu đường hoàn tất cuốn hút cảnh cư ngụ đông đúc. Người phục hồi, người tới mở gia viên lên nhà xây nhà trệt, nhà lầu, nhà cột đúc mái tôn, vườn tược và đồng ruộng hầm cá. Dịu lên nhà lầu ở đầu cầu đúc gần chỗ cũ, giờ thành bến Gầm Cầu. Chợ mở lối xuống gầm cầu chỗ bến ngày nào. Ấp mở trường học, nhà trẻ, trạm xá…

***

Dịu ngồi cửa sổ tầng lầu nhà ở bến Gầm Cầu nhớ con gái và thương mình. Dịu từ thị tứ tới Ngã Tứ, con từ Ngã Tứ lại ngược về nhà ngoại. Dịu và con nghịch đường vì sự học hành. Hồi nhỏ Dịu ghét con chữ dụ dọa trẻ con. Cô bảo o tròn như quả trứng gà và Dịu phải khoanh chữ o tròn vo ô ly. Tới lớp Dịu đánh vần theo ý mình: “O tròn như cái hột gà. Ô là hột gà nón đội đầu. Ơ hột gà móc cái râu bên mình”, nên Dịu bị cô la, cha đánh. Dịu mồ côi mẹ, nổi loạn từ nhỏ, tới năm Dịu mười tám tuổi, cha đi bước nữa, Dịu bỏ nhà đi biệt tăm tích, chỉ về lại nhà khi sinh Dàng. Cháu được ngoại thương, lại được cậu dì - những người chịu học thành tài - khuyến khích học thành kỹ sư tin học. Từ khi có lộ nhựa, mỗi hè Dàng về thăm cha mẹ một tuần lễ - chỉ một tuần thôi, vì còn phải học tiếng Anh tiếng Nhật, học thêu đan, bơi lội, võ thuật. Ngoại, cậu, dì, dượng, mợ… còn tính cháu học cao học luôn, dăm năm là thạc sĩ Dàng, tiến sĩ Dàng.

Cô tân kỹ sư tin học được thăm nhà cả mùa hè. Ở bên mẹ lâu, Dàng mới thấy mẹ mất ngủ vì những đau lưng nhức khớp. Tiếng gọi “Đò ơi!” vời vợi nỗi niềm đưa đò bất thần vào giấc ngủ, giờ nghỉ, suốt ngày đêm của cha. Dàng nghĩ tú tài, cử nhân, kỹ sư… đều nợ công ơn cha mẹ sinh dưỡng! Dàng tính tới tính lui bung lung, Dàng muốn sống cùng cha mẹ, vậy thì con một về nhà, về dạy học ở Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Ngã Tứ.

Làm cô giáo làng hết một học kỳ thì Dàng nêu ý kiến mở thêm điểm trường bến Trên. Xứ này trên hết phải lo cho trò an toàn, không phải một buổi học hai lần đò giang. Cô Dàng sẽ lội cả hai điểm trường Ngã Tứ để dạy tất cả các lớp. Dân ấp hoan nghênh việc mở điểm trường bến Trên. Người hăng hái ủng hộ công chuyện này nhất là ông Chợ. Tay Móc Mang Hà Bá lừng tiếng, lên liền cái nền trường ở bến Trên, cuốn hút các vị phụ huynh lo cột đúc mái tôn dựng điểm trường đàng hoàng. Dàng qua thăm khu trường mới, thấy Dàng tới bến đò, cha Chợ làm mặt rầu rĩ. Con gái chặn khách sang ngang, cha tới hồi nghèo đói. Ai dè Dàng nhanh nhảu:

- Dạ cha! Con lấy luôn cái đò máy, hằng ngày con đưa rước đồng nghiệp cùng đứng lớp. Cha lên lầu với mẹ.

Ha! Ha! Ha! Ông Chợ tung dây neo cho Dàng, ông cập bến Gầm Cầu.          

....................                                                                       

 (*) Bát, cạy: lời hối cho ghe xuồng chạy tới bên phải, bên trái.
(**) Móc Mang Hà Bá nói công  việc thủy thổ: móc đất dưới nước bồi đắp nền nhà, lên liếp vườn, bờ bao, đường sá.

 

Chia sẻ bài viết